Sáng 15/7 tại Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng và Viện sinh thái học miền Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà" với sự góp mặt của hơn 150 nhà khoa học hàng đầu trong nhiều lĩnh vực.
Tại hội thảo, hiện trạng đa dạng sinh học trong hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà được cập nhật, thể hiện rõ qua các kết quả nghiên cứu của Viện sinh thái học miền Nam, Viện hải dương học Nha Trang, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh…
Một phần bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), nơi có dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa đã tạm dừng thi công. Ảnh: Đắc Đức. |
Theo tiến sĩ Lưu Hồng Trường, Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam, hiện nay ở Sơn Trà có trên 1.000 loài thực vật, 36 loài thú, 106 loài chim, 52 loài bò sát và hàng trăm loài động vật không xương sống. Đặc biệt, quần thể Voọc chà vá chân nâu ước lượng từ 700 -1.300 cá thể, phân bố chủ yếu ở phía bắc bán đảo Sơn Trà. Tuy nhiên, loài được mệnh danh là “Nữ hoàng linh trưởng” đang chịu nhiều tác động khiến mật độ phân bố, môi trường sống bị thu hẹp dần.
Theo ông Trường, khi mật độ lưu thông của phương tiện giao thông ở quanh khu vực vành đai bán đảo Sơn Trà tăng lên sẽ tiềm ẩn nguy cơ va chạm giữa Voọc và xe cộ qua lại. Tiếp đó là nạn săn bắn của các nhóm thợ săn và cuối cùng là nguy cơ lây nhiễm các bệnh từ con người sang loài Voọc và ngược lại
“Chúng ta thấy Sơn Trà là một phần không thể tách rời một thành phố đáng sống. Thật lòng như chúng tôi đi ra Đà Nẵng mà không có Sơn Trà thì quá buồn, và như thế thì chắc nên kiếm chỗ khác mình đi”, ông Trường nói và nhấn mạnh Đà Nẵng đang sở hữu một địa điểm hành hương tuyệt vời cho các nhà khoa học đến nghiên cứu.
Tiến sĩ Lưu Hồng Trường cho rằng Sơn Trà là một phần không thể thiếu đối với người dân Đà Nẵng. Ảnh: Giáp Hồ. |
Viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam đề xuất các giải pháp như xây dựng và bảo vệ hành lang kết nối Đông – Tây để thực hiện chương trình giám sát loài chà vá chân nâu. Nâng cao hiệu của của hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, tổ chức các hoạt động du lịch, tham quan có kiểm soát. Giảm xây dựng trên bán đảo, đặc biệt giữ môi trường sống quan trọng nhất là ở khu vực phía bắc bán đảo Sơn Trà.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hòa đến từ Viện hải dương học Nha Trang, cho biết độ phủ san hô sống (bao gồm san hô cứng và san hô mềm) là yếu tố quan trọng phản ánh tình trạng và chất lượng các rạn san hô. Kết quả khảo sát, đánh giá chi tiết tại 8 điểm rạn san hô tiêu biểu ở chung quanh bán đảo Sơn Trà cho thấy giá trị độ phủ san hô sống dao động từ 0,6 - 50%. Độ phủ trung bình của san hô sống đạt khoảng 23% tổng hợp phần nền đáy, trong đó san hô cứng chiếm khoảng 20% và san hô mềm chiếm khoảng 3%.
“Qua kết quả khảo sát cho thấy vùng biển phía bắc bán đảo Sơn Trà có độ phủ san hô thấp (dưới 10%). Nhiều nơi hầu như không còn san hô sống, nền đáy nhiều trầm tích và bị bao phủ bởi rong biển…”, ông Hòa nói.
Voọc chà vá chân nâu, loài linh trưởng đặc hữu ở bán đảo Sơn Trà. Ảnh do Viện sinh thái học miền Nam cung cấp. |
“Để đảm bảo tính bền vững, phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà cần được quy hoạch, đánh giá và lập kế hoạch cẩn thận. Du lịch sinh thái tạo ra thu nhập cũng giúp bảo tồn rừng, thiên nhiên và động vật hoang dã ở Sơn Trà thông qua quỹ bảo tồn”, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, đơn vị đồng tổ chức Hội thảo cũng chia sẻ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng bán đảo Sơn Trà có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng và kinh tế.
“Quan điểm của TP Đà Nẵng về bán đảo Sơn Trà vẫn là phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa tâm linh, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và phòng chống thiên tai” ông Minh nói.
Ông Minh khẳng định việc phát triển bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà phù hợp với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam cũng như quy hoạch tổng thể vùng duyên hải Nam Trung Bộ.