Rạng sáng 6/7, người dân sống tại khu chung cư Làng Cá, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) xếp hàng chờ hàng giờ lấy nước từ những hầm chứa hoặc xe bồn.
Khổ vì thiếu nước
Ông Đỗ Văn An (sống tại chung cư Làng Cá, Nại Hiên Đông), bức xúc cho hay gia đình sống ở tầng 4 nhưng phải xách từng xô nước lấy từ hầm chứa lên đến phòng. Nhiều ngày qua, tôi phải gác lại mọi công việc để đi xách về sinh hoạt. Sống giữa trung tâm thành phố mà chắc khác gì chống chọi ở miền quê giữa mùa khô hạn.
Những ngày qua, cuộc sống của hàng trăm hộ dân thuộc các khu dân cư ở phường Nại Hiên Đông bị đảo lộn vì tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Giáp Hồ. |
Hơn 10 ngày qua, tiết trời nắng nóng oi bức mà không có nước, trẻ con và người già ở khu chung cư Làng Cá rất khổ sở. Ở khu vực này ai cũng phải mua xô lớn về chứa nước, cuộc sống ở đây như thời bao cấp vậy. Buổi tối cả xóm thức để trực nước, ban ngày lại xếp hàng dài để lấy nước, chị Loan, một người dân sống tại đây, nói.
Trước bức xúc của người dân, Xí nghiệp cấp nước Sơn Trà đã điều động xe bồn chở nước tới các địa điểm trên địa bàn quận Sơn Trà; tuy nhiên, lượng nước được cung cấp quá ít, không có khung giờ cố định nên nhiều người không thể lấy được nước.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO), hiện nay hệ thống cấp nước thành phố Đà Nẵng do Công ty quản lý là 210.000 m3/ngày. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nước toàn thành phố lên đến 320.000 m3/ngày đêm.
Theo đơn vị, nguyên nhân việc thiếu hụt nước do khách du lịch đến Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm tăng 46,8%, khách lưu trú tăng 76%, tạo nên nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến. Cùng với đó do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng của người dân tăng 1,5-1,7% so với ngày thường.
Tại khu vực hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn gần đây các khách sạn, nhà hàng mọc lên dày đặc và đây là nơi nằm ở cuối các tuyến ống cấp nước của thành phố, xa các nhà máy nước chính vì thế tình trạng khan hiếm nước thường xảy ra.
Chưa chủ động được nguồn nước
Theo UBND TP Đà Nẵng, nguồn nước chính hiện nay của Đà Nẵng vẫn phụ thuộc vào sông Đăk Mi đổ về nhà máy nước Cầu đỏ. Tuy nhiên, đã 5 năm nay, kể từ khi nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 chặn dòng, chuyển nguồn nước sang sông Thu Bồn khiến nguồn nước càng khó khăn hơn.
Ở cuối nguồn, hàng năm, cứ đến mùa nắng nóng nhà máy nước Cầu Đỏ phải đối mặt với nguy cơ bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng này, mỗi năm Đà Nẵng phải chi ra hàng chục tỷ đồng để đưa nước ngọt từ An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ.
Gần đây, địa phương này đã lên kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy nước ở trên tuyến sông Cu Đê. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ mang tính đối phó, bởi nguồn nước ở những nơi này không có tính bền vững.
Nhiều người phải bỏ công việc, ở nhà xách nước dự trữ. Ảnh: Giáp Hồ.
|
Tại kỳ họp thứ 4 của HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Đà Nẵng, cho hay nhiều cử tri thành phố bức xúc về tình trạng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt vào mùa nắng nóng.
“Chúng tôi đã tập hợp ý kiến cử tri về vấn đề này để đưa ra thảo luận, bàn giải pháp khắc phục dứt điểm tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong kỳ họp thứ 4 của HĐND TP lần này”, bà Liên nhấn mạnh.
Trao đổi với Zing.vn, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết trước tình hình người dân thiếu nước sinh hoạt, thành phố đã làm việc với Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) để bàn các giải pháp khắc phục.
"Trước mắt, UBND thành phố sẽ tập trung ưu tiên cho việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tăng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ, nhằm khắc phục việc thiếu nước hiện nay" ông Thơ nói.
Theo lãnh đạo thành phố, về lâu dài sẽ đầu tư dự án mở rộng thêm nhà máy nước Cầu Đỏ có công suất 60.000 m3/ngày, với dự toán kinh phí khoảng 275 tỷ đồng. UBND thành phố thống nhất cho vay nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển và chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương làm thủ tục, dự kiến khởi công tháng 11 năm nay.