Trung tâm giam giữ người nhập cư Bukit Jalil ở thủ đô Kuala Lumpur. Ảnh: Reuters. |
Chính quyền Malaysia thường xuyên bắt giữ những người nước ngoài không có giấy tờ hợp lệ đang sống tại nước này, bao gồm người tị nạn. Quốc gia Đông Nam Á là nơi cư trú của hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp và khoảng 100.000 người tị nạn Rohingya.
Trả lời Reuters, các nhà hoạt động xã hội và người nhập cư từng bị giam giữ cho biết những trung tâm giam giữ tại Malaysia đang trong tình trạng quá tải và không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Những người nhập cư thường không được cung cấp đủ đồ ăn, nước uống cũng như không được chăm sóc sức khỏe.
Trả lời một câu hỏi tại Quốc hội Malaysia, Bộ trưởng Nội vụ Saifuddin Nasution Ismail cho biết trong số 150 người thiệt mạng tại các cơ sở giam giữ người nhập cư của nước này vào năm 2022 có 7 trẻ em và 25 phụ nữ.
Bộ trưởng Saifuddin không cung cấp nguyên nhân tử vong của những nạn nhân trên hay số lượng người nhập cư đang bị giam giữ tại Malaysia. Vào tháng 7/2022, nước này cho biết có 17.703 người nước ngoài đang sống trong các cơ sở của chính phủ.
"Việc có nhiều người, bao gồm trẻ em và phụ nữ, thiệt mạng tại các trung tâm giam giữ là một lời tố cáo đanh thép cho thất bại trong cách đối xử với người nhập cư của chính phủ Malaysia ", Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch cho biết.
Kể từ tháng 8/2019, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho biết cơ quan này đã bị cấm tiếp cận các cơ sở giam giữ người nhập cư tại Malaysia.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã chỉ trích việc thiếu minh bạch tại các trại giam giữ ở Malaysia và yêu cầu chính phủ nước này tiến hành một cuộc điều tra độc lập về cái chết của những người nhập cư.
"Chính phủ có trách nhiệm phải hành động một cách minh bạch và nhanh chóng", tổ chức này cho biết.
Bộ Nội vụ và cơ quan quản lý nhập cư của Malaysia đã từ chối bình luận về tình trạng người nước ngoài thiệt mạng trong các cơ sở giam giữ ở nước này.
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Zing giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.