Hồ tiêu thường được rang chín và xay mịn để trở thành loại gia vị cho nhiều món ăn. Tuy nhiên, ít ai có thể ăn nguyên hạt tiêu mà không thấy cay xé.
Với giống tiêu không hạt, anh Lâm Ngọc Nhâm đã tạo ra nhiều sản phẩm tiêu ăn trực tiếp mang lại giá trị xuất khẩu cao.
Trong nước, loại tiêu mang thương hiệu Bầu Mây này chủ yếu được bán tại các cửa hàng sản phẩm hữu cơ và một số hệ thống nhà hàng, khách sạn với giá cao nhất 15 triệu đồng/kg tùy sản phẩm. Cụ thể, tiêu không hạt được bán mỗi hộp 10 g với giá 150.000 đồng. Sản phẩm này được xuất khẩu sang Nhật với giá 22 triệu đồng/kg.
Ngoài ra, thương hiệu này cũng xuất khẩu tiêu tươi đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... với giá 68 USD/kg. Riêng với giống tiêu đen hạt, tiêu đỏ hạt được phơi bằng nhà màng hoàn toàn tự nhiên có giá CIF xuất khẩu lần lượt là 75 USD/kg và 100 USD/kg.
Mức giá này khá cao so với tiêu Việt Nam và thế giới. Hiện tại, giá tiêu từ các vùng Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước… đều dưới 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi (Ấn Độ) và sàn SMX (Singapore) lần lượt là 4,98 USD/kg và 6,5 USD/kg.
Trao đổi với Zing.vn, ông Trương Văn Thôi - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, "tiêu Bầu Mây đã đạt chuẩn GlobalGAP và xây dựng thương hiệu cao cấp suốt nhiều năm nên giá bán đắt đỏ cũng không có gì lạ".
Tiêu được bón phân hữu cơ tự ủ từ phôi trứng, sữa và cua. Đồng thời, phương pháp trồng cộng sinh hồ tiêu với củ Hoài Sơn của anh Nhâm cũng tạo nên hệ thống nước ngầm tốt, cân bằng hệ sinh thái với các thiên địch có lợi và chống xói mòn cho đất trồng tiêu.
Các cây tiêu được phân loại chăm sóc dưới chế độ riêng biệt và tẩm ướp khác nhau để cho ra nhiều sản phẩm như tiêu không hạt cơ bản, tiêu sữa, tiêu một nắng và tiêu tươi muối.
Sản phẩm tiêu ăn trực tiếp của nông dân Lâm Ngọc Nhâm mang về giá trị xuất khẩu cao. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Hiện tại, sản phẩm đang được gửi đi kiểm tra và làm thủ tục xin cấp chứng nhận thực phẩm chức năng.
Đây là một trong số không nhiều các sản phẩm tiêu mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân Việt.
Trên thị trường, tiêu Việt phần nhiều bị giảm giá, thiếu cạnh tranh, dù sản lượng lớn. Năm 2018, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam đạt 245.000 tấn, chiếm 60% lượng hồ tiêu xuất khẩu trên thế giới. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu cả năm chỉ đem về 959 triệu USD, giảm 32% so với năm 2017, khiến mặt hàng “vàng đen” này bị đánh bật khỏi danh sách nông sản xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), giá tiêu xuất khẩu bình quân năm 2018 đạt 3.260 USD/tấn, giảm 38% so với năm trước đó.
Nguyên nhân được đưa ra là việc mở rộng ồ ạt diện tích trồng tiêu vượt quy hoạch trong khi chưa phát triển chất lượng và xây dựng thương hiệu tiêu Việt Nam trên trường quốc tế.