Giải vô địch golf đối kháng quốc gia 2002 khởi tranh tại Sầm Sơn, Thanh Hóa từ ngày 9-12/12. Giải đấu nằm trong hệ thống quốc gia, bắt đầu tổ chức trở lại vào năm 2016 và trở thành sân chơi quen thuộc cho golfer nghiệp dư hàng đầu trong cả nước tranh tài.
Tại giải năm nay, các golfer tranh tài ở 4 bảng. Các nhà vô địch sẽ có tên trên bảng xếp hạng thế giới, sau khi giải được World Amateur Golf Ranking công nhận năm 2017.
Nguyễn Nhất Long là đương kim vô địch bảng nam. Ảnh: Golf. |
Bảng nam nghiệp dư dành cho 80 golfer có Vhandicap hoặc Handicap index theo World Handicap System không quá 9.9. Bảng trung niên dành cho 20 golfer nam trên 55 tuổi, có Vhandicap hoặc Handicap index theo World Handicap System không quá 15.9.
Bảng nữ dành cho 20 golfer có Vhandicap hoặc Handicap index theo World Handicap System không quá 15.9, và bảng trẻ dành cho 20 golfer nam và nữ dưới 12 tuổi.
Các golfer sẽ thi đấu vòng loại xếp hạng theo thể thức đấu gậy 18 hố, ngoại trừ 3 nhà đương kim vô địch Nguyễn Nhất Long (bảng nam), Đoàn Xuân Khuê Minh (bảng nữ) và Nguyễn Duy Dậu (bảng trung niên) được đặc cách vào thẳng.
Sau vòng đấu gậy đầu tiên, 31 golfer bảng nam, 7 golfer bảng trung niên, 7 golfer bảng nữ và 8 golfer bảng trẻ đạt kết quả tốt nhất được vào vòng thi đối kháng. Golfer chiến thắng ở các trận đấu đối kháng sẽ bước vào vòng tiếp theo để tìm ra nhà vô địch của giải.
Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) và VGS quyết định tiếp tục miễn lệ phí thi đấu cho các vận động viên đạt được ngôi vị vô địch các bảng để thúc đẩy phong trào golf trong nước.
Ban tổ chức giải Vietnam Masters cũng thông báo thời gian diễn ra giải chuyên nghiệp này từ 30/11 đến 5/12 trên cùng sân đấu trên. Giải năm nay vẫn tạo điều kiện tham dự cho các golfer nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam có handicap từ 7.0 trở xuống.
Vietnam Masters có tổng giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng, trong đó ba vị trí dẫn đầu lần lượt được nhận: 180 triệu, 105 triệu và 70 triệu đồng.