Chiều 2/12, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học Nhiệt đới, bệnh viện Đà Nẵng - cho biết, đã có thêm 3 người bị rắn lục đuổi đỏ cắn phải nhập viện, nâng số bệnh nhân đang điều trị tại khoa này lên 13 người.
Trong số 3 người mới nhập viện thì có 2 người Đà Nẵng và 1 người Quảng Nam. Như vậy, hiện Đà Nẵng đã có 5 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện điều trị.
Bệnh viện Trung ương Huế cũng ghi nhận 16 trường hợp nhập viện do rắn cắn. Trong đó, có 6 nạn nhân tỉnh Thừa Thiên Huế, còn lại là bệnh nhân ở các tỉnh lân cận chuyển đến.
Trước tình trạng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều, cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có yêu cầu gửi các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước tập trung cấp cứu, hồi sức, điều trị cho người bệnh bị rắn độc cắn, không để xảy ra tử vong.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng giao cho Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức tập huấn, đào tạo về lý thuyết và lâm sàng cho cán bộ y tế tại các tỉnh, thành có nhu cầu và tiếp tục nghiên cứu cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị cho người bệnh bị các loại rắn độc cắn.
Trường hợp cần tư vấn về cấp cứu, điều trị cho người bệnh nặng do rắn độc cắn người dân có thể liên hệ với Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai theo đường dây nóng 1900 575758 và 0969851616.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các bộ, ngành nghiên cứu thấy cần thiết có thể liên hệ mời cán bộ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đến địa phương tập huấn về nội dung liên quan cho cán bộ y tế liên quan trên địa bàn hoặc cử bác sĩ về Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) để được tập huấn, đào tạo.