Sáng 4/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho hay theo báo cáo nhanh của các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, tính đến hết ngày 3/9, mưa lũ 14 người thiệt mạng, nhiều nhất là Thanh Hóa là 9 người.
4 người cũng đang mất tích do mưa lũ. 1.200 nhà bị sập đổ, thiệt hại trên 70%, phải di dời khẩn cấp, hơn 5.700 ha lúa, hoa màu thiệt hại, 60.200 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi... do đợt mưa lũ kéo dài từ 30/8 đến nay.
Các địa phương đang khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ đặc biệt là thông tuyến tại các điểm sạt lở ảnh hưởng đến giao thông. Các tuyến quốc lộ qua địa bàn các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An cơ bản đã được thông xe.
Lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: Dương Thúy. |
Riêng tỉnh Thanh Hóa, hiện còn 95 vị trí bị sạt lở, ngập lụt gây ách tắc trên các tuyến quốc lội 15C, 15, 16, 217B; các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn, xã vẫn còn nhiều điểm bị ngập, ách tắc, chưa khắc phục được, nhất là tại huyện Mường Lát.
Lũ ở các sông diễn biến phức tạp
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết lũ trên sông Thao (Yên Bái) đang lên, trên sông Bưởi (Thanh Hóa) đang xuống. Lúc 1h ngày 4/9, mực nước trên sông Bưởi tại Kim Tân 9,82 m (dưới báo động 1 là 0,12 m), trên sông Thao tại Yên Bái 30,89 m (dưới báo động 2 là 0,11 m).
Cơ quan này dự báo lũ trên sông Thao tiếp tục lên, trên sông Bưởi tiếp tục xuống. Ngày 4/9, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên mức 31 m (ở mức báo động 2).
Trong khi đó, mực nước sông Cửu Long đang biến đổi chậm, sao đó lên lại trong 2-3 ngày tới. Đến ngày 7/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 4,2 m (trên báo động 2 là 0,2 m); tại Châu Đốc lên mức 3,7 m (trên báo động 2 là 0,2 m).
Người dân ở Thanh Hóa phải dùng bè di chuyển về nhà vì ngập lũ. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, đến ngày 15/9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức báo động 3 (ở Tân Châu 4,5 là m, Châu Đốc là 4 m), tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2-3, có nơi trên báo động 3.
"Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An", cơ quan khí tượng cảnh báo.
Nhiều hồ thủy điện xả lũ
Về tình hình các hồ chứa, thủy điện Sơn La và Hòa Bình đang mở 1 cửa xả đáy; tổ trực hồ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để tham mưu vận hành phù hợp.
Các hồ Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng đang vận hành xả lũ theo quy trình, các hồ khác đang vận hành bình thường trong quá trình tích nước trong thời kỳ lũ muộn.
Văn phòng Ban chỉ đạo thông tin thêm trong 189 hồ cập nhật thông tin vận hành, hiện có 75 hồ xả điều tiết qua tràn. Trong đó, Bắc Bộ là 46/75 hồ, Bắc Trung Bộ có 6/16 hồ, Tây Nguyên có 20/69 hồ, Đông Nam Bộ có 3/5 hồ.
Các hồ chứa thủy lợi vẫn chủ động vận hành bảo đảm an toàn; các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, học sinh, trẻ em khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ; khẩn trương thu hoạch lúa hè thu và bảo đảm an toàn cho diện tích lúa thu đông.
Khu vực hạ du hồ Hòa Bình triển khai phương án đảm bảo an toàn dân cư, đê điều, công trình thủy lợi và các hoạt động trên sông khi hồ xả lũ.