Agatha Christie được coi như một tượng đài huyền thoại trong thể loại truyện trinh thám nói riêng và văn học nói chung. Với sự nghiệp đồ sộ lên đến 85 tác phẩm, bà trở thành tác giả văn học bán chạy nhất mọi thời đại, vượt qua cả đại thi hào William Shakespeare, với ước tính hơn 2 tỷ đầu sách đã được tiêu thụ trên khắp thế giới.
Bên cạnh sự nghiệp lẫy lừng, Agatha Christie cũng có một đời sống bí ẩn, ly kỳ và đầy bất ngờ, không kém gì những câu chuyện bà đã viết.
Agatha Christie viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên vì một lời thách thức
Khi còn là một thiếu nữ mộng mơ, Agatha Christie tập trung nhiều hơn về mảng thơ ca và truyện ngắn. Nhưng khi bị chính chị gái thách viết một tác phẩm dài hơn, Christie đã bắt tay vào viết cuốn The Mysterious Affair at Styles xuất bản năm 1920. Cuốn sách lần đầu tiên giới thiệu nhân vật thám tử Hercule Poirot, người sau này đã trở thành một biểu tượng văn học được độc giả toàn thế giới yêu mến.
Cho tới nay, sự biến mất trong 11 ngày Agatha Christie vẫn là một bí ẩn lớn. |
Nữ văn sĩ từng biến mất một cách bí ẩn trong 11 ngày
Năm 1926, Agatha Christie lúc bấy giờ đã trở thành tiểu thuyết gia trinh thám có tiếng nhưng lại gặp nhiều đau khổ trong hôn nhân và trải qua nỗi mất mát khi mẹ bà qua đời. Một ngày, bà được trình báo mất tích. Gia đình bà, cảnh sát và công chúng đổ xô nhau đi tìm Christie khi bà biến mất không một dấu vết, để lại con gái cho gia nhân trong nhà, nhẫn cưới và xe ô tô. Vụ mất tích của Agatha Christie thậm chí còn thu hút sự quan tâm của một đồng nghiệp nổi tiếng khác, đó chính là Sir Conan Doyle, người đã sáng tạo ra thám tử Sherlock Holmes.
Mười một ngày sau, Agatha Christie được tìm thấy ở một khách sạn nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, cho tới khi nhân viên phục vụ nhận ra gương mặt bà trên báo, Christie vẫn khăng khăng rằng mình đến từ Nam Phi. Mọi thứ trở nên kỳ lạ hơn khi chồng bà đến khách sạn để đón bà nhưng Christie không nhận ra ông, kể cả bức ảnh đứa con nhỏ của bà. Lúc này Agatha Christie mới chỉ 36 tuổi, cho rằng bà đã mất trí nhớ và không thể nhớ được chuyện gì đã xảy ra trước đó.
Sự biến mất bí ẩn của Agatha Christie đã dấy lên nhiều giả thuyết trên truyền thông đại chúng bấy giờ. Từ tai nạn, gài bẫy chồng, trò lừa quảng cáo... cho đến cuộc chạm trán với người ngoài hành tinh, nhưng lý do thực sự đến nay vẫn là điều bí ẩn. Không ai biết chính xác chuyện gì đã xảy ra, còn Christie thì coi đó là một sự kiện không bao giờ nên được nhắc lại.
Agatha đã cố gắng tập hút thuốc nhưng thất bại
Trái ngược với nhiều người từng muốn bỏ thuốc lá, Agatha Christie lại thất bại khi tập hút thuốc. Cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất đã khiến thuốc lá trở nên vô cùng phổ biến và được xem như một thú vui xa hoa bậc nhất. Vì muốn được hòa nhập với mọi người, bà đã thử làm quen với thuốc lá nhưng không bao giờ thành công.
Nữ văn sĩ rất hiểu biết về thuốc độc
Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Agatha Christie đã từng làm trợ lý dược sĩ và phải làm việc với rất nhiều loại chất độc. Chính điều này đã đem đến cho bà vốn kiến thức phong phú về các loại thuốc độc, một trong những phương thức giết người yêu thích của bà trong các tác phẩm. Christie từng lý giải rằng thuốc độc thì sẽ bớt bạo lực hơn và sẽ khiến các vụ án trở nên bí hiểm hơn.
Agatha Christie có một văn nghiệp đồ sộ với 85 tác phẩm nổi tiếng khắp thế giới. |
Mẹ của Agatha là một thầy đồng
Clarissa Boehmer, mẹ của Agatha Christie đã từng tự nhận mình là một thầy đồng, và liên tục thuyết phục các con rằng mình có thể nhìn thấy tương lai. Chính điều này đã khiến bà không cho Christie học chữ, dù sau đó Christie đã tự học được, và chỉ cho các con học ở nhà.
Bà từng giữ Kỷ lục Guinness Thế giới cho cuốn sách dày nhất
Năm 2009, nhà xuất bản HarperCollins đã phát hành tuyển tập Miss Marple gồm 12 tiểu thuyết và 20 truyện ngắn của Agatha Christie. Tuyển tập gồm 68 vụ án được in trong 4.032 trang giấy, nặng hơn 15 pound (gần 7kg) với giá 1.500 USD. Cuốn sách này đã phá vỡ Kỷ lục Guinness để trở thành cuốn sách dày nhất thế giới trước khi vượt mặt vào năm 2013 bởi cuốn Verdens Største Ordbog (Từ điển lớn nhất thế giới) dày 89.471 trang được xuất bản ở Đan Mạch.
Agatha đam mê ngành khảo cổ học
Người chồng thứ hai của Agatha Christie, Max Mallowan, là một nhà khảo cổ và từng nhiều lần đưa vợ đến du lịch Trung Đông. Chính những trải nghiệm này cũng ảnh hưởng nhiều đến sáng tác của bà.
Hai vợ chồng bà thường đi trên con tàu tốc hành phương Đông, điều đã tạo cảm hứng cho bà viết nên một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông (1934). Những dấu ấn về vùng đất Trung Đông còn có thể được thấy trong một số tác phẩm tiêu biểu của bà như Án mạng ở vùng Lưỡng hà (1936), Án mạng trên sông Nile (1937), Hẹn với tử thần (1938) và Họ đã tới Baghdad (1951).
Dàn ngôi sao trong bộ phim Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông bản mới nhất ra mắt năm 2017. |
Agatha là người phụ nữ đầu tiên từng lướt sóng ở tư thế đứng
Trái ngược với nhiều nhà văn nổi tiếng lựa chọn lối sống ẩn dật thì Agatha Christie lại là một phụ nữ yêu thích các hoạt động ngoài trời và có niềm đam mê đặc biệt với môn lướt sóng. Sở thích này xuất phát từ một kỳ nghỉ của bà tại Hawaii và bà được cho là người phụ nữ Anh đầu tiên từng lướt sóng ở tư thế đứng.
Động cơ gây án trong các tác phẩm từ chính nỗi sợ đói nghèo
Dù được sinh ra trong một gia đình trung lưu nhưng Agatha Christie đã sớm nhận thức được cái giá của việc túng thiếu sau khi cha bà gặp khó khăn về tài chính. Khi bà được 11 tuổi thì cha bà qua đời, Christie được cho là liên tục bị ám ảnh về tình trạng tài chính của gia đình.
Trong cuốn tiểu sử Agatha Christie: An English Mystery, tác giả Laura Thompson viết: “Agatha có một nỗi sợ đói nghèo, được thừa hưởng từ ký ức về sự sa sút đột ngột của gia đình. Tiền bạc thường là trung tâm trong các tiểu thuyết của bà. Cả hai thám tử Poirot và bà Marple đều coi tiền bạc là động cơ hàng đầu trong mỗi tội ác.”
Tự gọi mình là chiếc “máy làm xúc xích”
Vào thời kỳ sự nghiệp đỉnh cao, Agatha Christie thường tự gọi mình là “máy làm xúc xích” (sausage machine), ám chỉ khả năng nhanh chóng tổng hợp tư liệu thành sản phẩm của bà.
Bút danh Mary Westmacott được giữ kín trong gần 2 thập kỷ
Bên cạnh thể loại trinh thám với bút danh Agatha Christie, bà còn viết 6 cuốn tiểu thuyết lãng mạn dưới cái tên Mary Westmacott vào khoảng những năm 1930. Tuy nhiên, bút danh này lại được giữ kín trong suốt gần 20 năm.
Lượng sách bán ra cao hơn cả dân số Trung Quốc và Mỹ cộng lại
Đến nay, các tác phẩm của Agatha Christie đã bán được hơn 2 tỷ bản sách, giúp bà đứng đầu danh sách các tác giả ăn khách nhất mọi thời đại.
Agatha rất ghét bánh pudding mứt cam
Agatha Christie ghét bánh pudding mứt cam đến nỗi đã biến nó thành một công cụ giết người trong cuốn tiểu thuyết A Pocket Full of Rye (1953).
Hình tượng thám tử Hercule Poirot trong phim. |
Rất nhiều người ngưỡng mộ nhân vật Hercule Poirot ngoại trừ… chính tác giả
Thám tử Hercule Poirot đã xuất hiện khoảng 100 lần trong các tác phẩm của Agatha Christie, trở thành một trong những biểu tượng văn học được yêu thích nhất. Tuy nhiên, bản thân người sáng tạo ra nhân vật này lại không hề yêu thích Poirot, và cho rằng ông là “một gã kiêu ngạo, buồn tẻ, và chỉ biết đến bản thân”.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC, cháu trai của Agatha là Matthew Prichard đã từng tiết lộ rằng, chính sự nổi tiếng của Poirot đã khiến nhà xuất bản phải buộc bà viết thêm nhiều tác phẩm có nhân vật này, chứ bản thân bà không hề thích việc Hercule Poirot xuất hiện quá nhiều trong các câu chuyện của mình.