Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

138 người biểu tình thiệt mạng, Myanmar thiết quân luật ở Yangon

Liên Hợp Quốc ghi nhận "ít nhất 138 người biểu tình, gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã bị sát hại trong các vụ bạo lực" trong đợt leo thang biểu tình vào cuối tuần qua.

"Những vụ sát hại người biểu tình, bắt giữ vô cớ và tra tấn tù nhân đã vi phạm các quyền con người cơ bản và rõ ràng đi ngược lại lời kêu gọi kiềm chế, đối thoại và trở về con đường dân chủ tại Myanmar từ Hội đồng Bảo an", Stephane Dujarric, người phát ngôn cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, ngày 15/3 nhận định.

Ông Dujarric nói số người biểu tình bị sát hại trong ngày 14/3 tại Myanmar lên đến 138 người. Ông đồng thời nhấn mạnh Tổng thư ký Guterres cảm thấy "kinh hoàng trước leo thang bạo lực tại Myanmar dưới bàn tay của quân đội nước này", theo Kyodo.

Truyền thông địa phương ghi nhận lực lượng an ninh đã nổ súng tại thị trấn Hlaingthaya ở Yangon, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng. Hlaingthaya cùng thị trấn Shwepyithar lân cận được thiết quân luật trong ngày 14/3.

An ninh Myanmar giet 138 nguoi bieu tinh anh 1

Người biểu tình tại Mandalay, thành phố lớn thứ 2 Myanmar, phân tán trước một đợt vây bắt của lực lượng an ninh ngày 15/3. Ảnh: Reuters.

Cũng trong đầu tuần, thêm 4 thị trấn khác trong khu vực Yangon đã được đặt dưới tình trạng thiết quân luật. Bước đi này cho phép quân đội, cụ thể là chỉ huy Bộ tư lệnh Vùng Yangon, thực thi mọi quyền hành pháp và tư pháp để quản lý cấp thị trấn. Nhiều khả năng quân đội ở địa phương sẽ cho trấn áp biểu tình quyết liệt hơn trong những ngày tới.

Tại thị trấn Hlaingthaya, nhiều nhà máy có liên hệ với Trung Quốc bị tấn công, phóng hỏa trong ngày 14/3. Quân đội cùng ngày xác nhận một cảnh sát đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ ở Bago, phía đông bắc Yangon.

Chính phủ quân sự còn cắt Internet từ 1h đến 9h mỗi ngày, gây lo ngại về các vụ bắt giữ và trấn áp trong đêm.

Bất chấp phản ứng mạnh tay của quân đội, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn trên khắp Myanmar trong ngày 15/3, gồm hai thành phố lớn nhất nước là Yangon và Mandalay. Đại sứ quán một số nước đã lên án tình trạng bạo lực và kêu gọi quân đội, cảnh sát Myanmar kiềm chế.

"Nhật Bản lên án những hành động bạo lực, việc quân đội và cảnh sát giết hại người biểu tình và dân thường từ tháng 2 và một lần nữa kêu gọi lực lượng quân đội cùng cảnh sát dừng mọi hành động bạo lực", Đại sứ quán Nhật Bản tại Myanmar nhấn mạnh.

Đại sứ Anh tại Myanmar Dan Chugg cũng bày tỏ quan ngại khi lực lượng an ninh nước sở tại dùng vũ lực sát thương chống lại dân thường.

Ông kêu gọi chính phủ quân sự "lập tức chấm dứt bạo lực" và "trả quyền lực cho những người đã được nhân dân Myanmar bầu lên một cách dân chủ".

Công ty Đài Loan tại Myanmar được khuyên treo cờ để tránh đốt phá

Cơ quan đại diện Đài Loan ở Myanmar yêu cầu các công ty của họ treo cờ để tránh bị nhầm là công ty từ Trung Quốc đại lục và bị người biểu tình đốt phá.

Trung Quốc phản ứng mạnh chưa từng thấy với Myanmar

Bắc Kinh kêu gọi quân đội Myanmar ngăn chặn các vụ tấn công vào những công ty có đầu tư của Trung Quốc sau khi hàng chục nhà máy bị đốt phá ở Yangon ngày 15/3. 

32 nhà máy vốn Trung Quốc ở Myanmar bị đập phá

Tổng cộng 32 nhà máy ở Yangon có chủ đầu tư đến từ Trung Quốc đã chịu thiệt hại trong đợt tấn công của người biểu tình trong hai ngày 14-15/3, theo tờ Global Times.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm