Sáng 14/6, lãnh đạo UBDN TP Hà Nội dã triệu tập khẩn cấp các sở, ngành bán phương án tiếp tục khắc phục hậu quả trận dông lốc kinh hoàng chiều tối qua.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn TP có gần 1.300 cây xanh bị đổ, trong đó hơn 800 cây thuộc địa bàn 12 quận, hơn 400 ở các huyện ngoại thành, 2 người bị chết và 5 người khác bị thương.
Khu vực thiệt hại nặng nề nhất là quận Hai Bà Trưng với hơn 200 cây bị đổ, trong đó có 50 cây cổ thụ. Hai trường hợp tử vong khi di chuyển dưới trời mưa dông cũng đều nằm trên địa bàn quận này.
Gần 1.300 cây xanh bị quật đổ sau cơn dông chiều 13/6 tại Hà Nội. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Mưa gió cũng đã làm mạng lưới điện trên hầu hết các quận, huyện bị ảnh hưởng, nhiều khu vực mất điện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Tuy nhiên, đến sáng 14/6, các sự cố cơ bản được khắc phục.
Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, trong hơn 800 cây xanh bị đổ ở khu vực các quận nội thành có 34 cây xà cừ cổ thụ bị bật gốc, gãy. Đây là những cây có đường kính lớn từ 50-150 cm, còn lại chủ yếu là cây muồng, phượng bằng lăng tím. Thậm chí, 6 cây đa cổ thụ ở các phố Võ Thị Sáu, Trần Xuân Soạn, Giải Phóng, Tam Trinh cũng bị gió lốc quật đổ.
Ông Dục cho biết, Sở Xây dựng huy động 8 đơn vị tham gia di chuyển cây xanh gãy đổ. Dự kiến trong ngày mai sẽ cơ bản khắc phục về cây xanh đổ.
Đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) thông tin, toàn TP xảy ra 108 vụ sự cố trên hệ thống lưới điện, gây mất điện trên hầu hết các địa bàn quận, huyện.
Đến sáng 14/6, đơn vị cơ bản đã khắc phục xong, còn một số sự cố nhỏ sẽ khắc phục nốt trong ngày. Riêng 10 cột điện bị gãy trên địa bàn xã Tiến Xuân, và Yên Bình của huyện Thạch Thất, EVN Hà Nội đang phối hợp với điện lực Hòa Bình để thông lưới điện cho bà con.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhận định, đây là sự cố khẩn cấp về thiên tai. Cơn dông lốc đột ngột, đổ bộ nhanh vào các quận trên địa bàn TP, gây thương vong về người và tài sản.
Ông yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục bám sát, tập trung giải quyết các sự cố về cây xanh, lưới điện, giao thông... duy trì đảm bảo giao thông thông suốt cho người và phương tiện đi lại.
“Trong thiên tai, Chủ tịch UBND TP là người chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trên địa bàn TP, còn tại các quận, huyện thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định.
Ông Thảo cũng yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện phải trực tiếp đi kiểm tra, rà soát lại các điểm cây xanh bị nghiêng, có nguy cơ đổ, gây mất an toàn để chỉ đạo lực lượng xử lý, cây xanh nào còn khắc phục được thì tổ chức khắc phục, nếu không sẽ thay thế để đảm bảo an toàn cho người dân.