Ngày 17/9, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo nhằm tìm ra giải pháp phát triển nhà ở để đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm.
Mở đầu hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định vẫn còn một bộ phận lớn người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong môi trường không đảm bảo, không có khả năng sở hữu nhà, thậm chí gặp khó khăn trong việc thuê nhà với mức giá phù hợp.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Quang Huy. |
"Việc tìm ra giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ để đáp ứng nhu cầu rất lớn của người có thu nhập thấp, người nhập cư đang là thách thức của TP.HCM", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Áp lực nhà ở tỷ lệ thuận tốc độ đô thị hóa
Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho biết chỉ trong chưa đến 2 thập kỷ, dân số TP.HCM đã tăng gấp đôi, từ 4 triệu người năm 1990 lên 8 triệu người năm 2016. Đi kèm với tốc độ gia tăng chóng mặt của dân số, nhu cầu nhà ở trở thành áp lực nặng nề cho sự phát triển của TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết theo thống kê đến năm 2019, dân số của thành phố là khoảng 9 triệu người nhưng thực tế hơn 13 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc tại đây. Việc tiếp nhận khoảng 200.000 người dân tăng thêm mỗi năm đặt ra những yêu cầu cao về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là nơi cư trú của người dân.
Biểu đồ: Quang Huy. |
Theo thống kê đầu năm 2017, số nhà ở tại TP.HCM là hơn 1,675 triệu căn, trong đó nhà kiên cố chiếm tỷ lệ 37,6%, nhà bán kiên cố 60,1 %, nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ là 2,3%.
"Bên cạnh việc xây dựng nhà ở kiên cố mới thì cần cải thiện chất lượng nhà bán kiên cố thông qua chỉnh trang đô thị, đặc biệt chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu", ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu.
Làm sao để người thu nhập thấp có nhà ở
Tính đến tháng 6 năm 2019, TP.HCM đã đạt diện tích bình quân nhà ở 19,9 m2/người, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra là 19,8 m2/người.
"Tuy vượt chỉ tiêu về diện tích bình quân nhưng vẫn còn phần lớn người thu nhập thấp đang sinh sống trong điều kiện thiếu thốn, chật chội, cũ kỹ, không đảm an toàn, vệ sinh", ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ.
Tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đánh giá vấn đề khó khăn nhất của TP hiện tại là giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có mức thu nhập thấp, thu nhập trung bình để đảm bảo an sinh xã hội.
Nhu cầu về nhà ở đang trở thành thách thức lớn của TP.HCM. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Ông Châu cho rằng TP.HCM hiện chưa có nhiều loại căn hộ, nhà ở xã hội cho thuê. Các ký túc xá sinh viên, nhà lưu trú công nhân hầu như chỉ có loại hình phòng tập thể trong khi nhu cầu xã hội đang cần loại phòng cho thuê cho hai người.
Ngoài ra, các loại nhà ở xã hội bán hoặc cho thuê, mua thì nguồn cung quá ít, không thể đáp ứng được nhu cầu lớn của một đô thị như TP.HCM.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề thiếu nhà ở xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khuyến cáo cần phát triển nhà ở xã hội kết hợp với mô hình nhà ở thương mại giá thấp để hình thành những "khu đô thị, khu nhà ở bình dân" hoặc "khu đô thị, khu nhà ở vừa túi tiền". Những khu đô thị này có thể trở thành vệ tinh của thành phố trong tương lai.