UBND TP.HCM vừa báo cáo Thủ tướng những vướng mắc trong quản lý và khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi của cá nhân, tổ chức tham gia mua bán bất động sản.
Theo các quy định hiện hành, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có quyền thế chấp dự án hoặc nhà trong dự án tại tổ chức tín dụng khi đáp ứng đủ yêu cầu.
UBND TP.HCM cho biết hiện có không ít chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở này để vừa thế chấp đất nền, vừa thế chấp các căn hộ trong tương lai.
Chung cư Ruby Land tại TP.HCM không giải chấp khi bán cho khách hàng. Ảnh: NLĐ. |
Các căn hộ này sẽ được xóa thế chấp khi đến tay chủ mới, tuy nhiên quyền sử dụng đất xây chung cư vẫn còn thế chấp tại tổ chức tín dụng. Trường hợp chủ đầu tư không có khả năng thanh toán nợ, quyền và lợi ích của người mua căn hộ trong dự án sẽ bị ảnh hưởng.
Hệ lụy rõ ràng nhất là chủ hộ bị chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản gắn liền với đất.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư cố ý không giải chấp, không thông tin cho khách hàng biết tình trạng pháp lý của bất động sản. UBND TP.HCM nhận định với mức phạt chỉ 50-60 triệu đồng cho những hành vi này là chưa đủ sức răn đe.
Từ những lỗ hổng về mặt pháp lý còn tồn tại, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành xem xét, đề xuất bổ sung quy định về thành phần hồ sơ đối với việc đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Trước khi giao dịch, chủ đầu tư phải đồng thời xóa thế chấp căn hộ và quyền sử dụng đất xây chung cư đó.
Thành phố cũng đề xuất biện pháp đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đến 12 tháng đối với chủ đầu tư không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng về tình trạng pháp lý của bất động sản.