Lần đầu tiên sau dịch Covid-19, lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ về những khó khăn, những nỗ lực của cơ quan này khi dịch bùng phát, gây ảnh hưởng lớn tới việc làm của hàng chục triệu lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Diễn đàn đa phương 2020 với chủ đề “Ứng phó có trách nhiệm trong quản trị khủng hoảng: Chia sẻ kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19” sáng 29/10. Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Samsung tổ chức.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết dịch Covid-19 gây ra tác động rất nghiêm trọng tới người lao động. Hàng chục triệu người bị mất việc làm, giảm việc làm, giảm thu nhập, từ đó kéo theo một loạt vấn đề khác, liên quan đến cuộc sống, niềm tin, quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Từng có kêu gọi kỳ thị lao động nước ngoài
Theo thống kê, có 31,8/54 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch. Con số này cho thấy tỷ lệ bị ảnh hưởng rất lớn. Từ đây, ông Hiểu chia sẻ 2 khó khăn lớn nhất mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phải đối mặt khi đó.
Thứ nhất, dịch gây ra vấn đề tâm lý rất lớn của người lao động trong nước với chuyên gia nước ngoài, người lao động nước ngoài, lãnh đạo doanh nghiệp người nước ngoài.
“Nhiều người nói rằng họ sợ người nước ngoài mang Covid-19 đến Việt Nam. Chúng tôi lo lắng có thể sẽ có đình việc tập thể, đình công do công nhân sợ, dừng việc nhiều ngày”, ông nói.
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh đây là bài toán khó về mặt tâm lý. Thậm chí khi đó có một số lực lượng bên ngoài doanh nghiệp kêu gọi kỳ thị lao động nước ngoài. Do đó, cơ quan này phải quyết liệt vận động, thậm chí đi gặp từng người lao động giải thích về mặt y tế, kỹ thuật.
“Nếu không hiểu bản chất cuộc khủng hoảng đó thì ảnh hưởng có thể kéo theo những khủng hoảng khác”, ông Hiểu phân tích.
Thứ hai, ông Hiểu chia sẻ khó khăn khi một số gói hỗ trợ chưa thực sự đi vào cuộc sống, đặc biệt là gói hỗ trợ người lao động. Ông nhấn mạnh nhiều người băn khoăn tại sao lại như vậy. Tổng liên đoàn đã phải giải thích, tuyên truyền, thậm chí là lắng nghe người lao động. Giải thích được đưa ra khi đó là vì chính sách chưa từng có tiền lệ nên chưa thể đi vào cuộc sống nhanh.
Theo thống kê, có 31,8/54 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Hiểu nhấn mạnh vấn đề thiếu việc làm, mất việc làm, giảm thu nhập có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác với xã hội. Do đó, nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ thì sẽ có rất nhiều thách thức kéo theo.
Ông đưa ra thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về chi tiêu trong các gia đình. Theo đó, 60% các gia đình lao động được hỏi thì điều chỉnh kế hoạch chi tiêu. 68% số gia đình điều chỉnh giảm chi tiêu cho bữa ăn. Đáng chú ý, 13% vợ chồng người lao động được hỏi cho biết đã xích mích, cãi nhau vì vấn đề chi tiêu, giảm thu nhập do dịch.
“Hệ lụy của mất việc làm, giảm thu nhập có thể dẫn đến hệ lụy tín dụng đen, tìm việc làm bấp hợp pháp. Có thể nhiều hệ lụy đến sau khi khủng hoảng về vấn đề lao động”, ông Hiếu nói.
Quan tâm đến đời sống gia đình người lao động
Ở một góc nhìn khác, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết phần lớn doanh nghiệp không sa thải công nhân trong bối cảnh dịch mà thực hiện giảm giờ làm, giảm lương, luân phiên việc làm.
Ông cho rằng người lao động cũng đã rất chia sẻ với lãnh đạo doanh nghiệp. Đối với người lao động, ứng phó của doanh nghiệp có sự đồng cam cộng khổ rất nhiều với chủ doanh nghiệp. Nhiều lao động cấp trung và cấp cao cho doanh nghiệp nợ lương, tình nguyện giảm lương của mình, dành phần lương đó cho người lao động trong mức lương thấp.
Ông nhấn mạnh nhiều doanh nghiệp biến nguy thành cơ, cố gắng có được sản phẩm mới, tham gia lĩnh vực sản xuất mới, chuyển phương án sản xuất. Nhiều doanh nghiệp dồn sức may khẩu trang, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho sự “đồng cam cộng khổ”, “hiểu lòng nhau” trong lúc khó khăn, gian nan, hoạn nạn là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đạt được thành công và được thế giới ghi nhận.
Công nhân tại một nhà máy da giày tại TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO Việt Nam), cho rằng về lâu về dài, các doanh nghiệp cần có sách lược thích ứng với trạng thái bình thường mới, để thích ứng với những cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.
Ông khuyến nghị doanh nghiệp cần phải xây dựng khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng, năng cao năng lực của người lao động. Việc nâng cao kỹ năng người lao động sẽ chuẩn bị tốt hơn cho những tình huồng khó khăn mới. Thứ hai, doanh nghiệp cần phải tham vấn người lao động trong quá trình đưa ra quyết định, cần tính tới đời sống của gia đình của người lao động.
“Nếu người lao động càng được quan tâm thì tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”, ông nhấn mạnh.