Trong cuốn sách có tựa đề Power: Why Some People Have It - And Others Don't (Quyền lực: Tại sao người có – người không), giáo sư tại Đại học Stanford, Jeffrey Pfeffer, đã đập tan những quan niệm sai lầm về quyền lực và sự thành công. Đồng thời ông đưa ra các chiến lược để một người có thể trở nên quyền lực hơn.
1. Đừng bao giờ tin rằng một vài người sinh ra để làm lãnh đạo
Ông chia sẻ: “Một trong những sai lầm lớn nhất mà mọi người thường mắc phải đó là hay mặc định rằng, phải thể hiện thật tốt mới có được quyền lực và tránh được những khó khăn về mặt tổ chức. Hậu quả là, họ bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để thử sức, dẫn đến việc không thể quản lý hiệu quả sự nghiệp của chính mình”.
2. Đừng cố gắng làm vừa lòng tất cả
“Larry Summers thường được mô tả là người khó chịu, thẳng thắn quá mức và không tinh ý. Ông là Bộ trưởng Ngân khố dưới thời Bill Clinton, Chủ tịch Đại học Harvard, và cũng là cựu chủ tịch hội đồng kinh tế quốc gia của tổng thống Barack Obama. Nhưng xem ra 'tiếng tăm' ấy không những không làm tổn hại gì đến ông, nó còn hữu ích là đằng khác”, Pfeffer viết.
3. Học cách ý thức rằng hiệu quả làm việc không phải là tất cả
Mối quan hệ với sếp còn quan trọng hơn nhiều. Ông chia sẻ: “Năm 1980, hai nhà kinh tế học James Medoff và Katherine Abraham quan sát thấy, lương trong công ty phụ thuộc nhiều hơn vào tuổi tác và thâm niên trong tổ chức, chứ không phải hiệu quả công việc”.
4. Làm cho những người có quyền lực cảm thấy thoải mái
Pfeffer cho biết: “Trật tự trong hàng ngũ cán bộ cấp cao thường bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi CEO. Bởi vì các CEO thích đưa những người trung thành với mình vào vị trí cấp cao - bất chấp trước đó họ ở vị trí nào”.
5. Xây dựng mạng lưới quyền lực hiệu quả
“Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, mạng lưới quan hệ hiệu quả có ảnh hưởng một cách tích cực tới việc bạn nhận được những đánh giá tốt về hiệu quả công việc. Các thước đo khách quan ghi nhận thành công trong sự nghiệp (bao gồm mức lương, mức độ tổ chức) cũng trở nên tốt hơn.
Ngoài ra, quan hệ rộng hay hẹp cũng ảnh hưởng đến thái độ chủ quan khi đánh giá mức độ hài lòng của bản thân”, ông chia sẻ.
6. Phá vỡ các nguyên tắc, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của sự nghiệp
Pfeffer viết: “Trong số các cuộc chiến tranh trong vòng 200 năm trở lại đây, giữa những đối thủ không cân sức, tỷ lệ chiến thắng của bên mạnh hơn là 72%. Tuy nhiên, khi phe yếu nắm rõ điểm yếu của mình và áp dụng chiến lược khác để hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu, thì tỷ lệ chiến thắng của họ là 64%. Chính điều đó làm giảm cơ hội chiến thắng của phe mạnh xuống còn một nửa”.
7. Tiếp cận những nguồn lực then chốt
“Thật tuyệt vời nếu ta có thể trở thành Sergey Brin, Larry Page hay Bill Gates. Bởi vì mỗi khi xuất hiện, họ đều được hộ tống bởi không chỉ nhân viên an ninh mà cả những người muốn gặp, gần gũi họ cũng như tổ chức, công ty mà các tỷ phú này dẫn dắt”, Pfeffer chia sẻ.
8. Tự đánh giá bản thân một cách trung thực
“Bởi chúng ta thích nghĩ hay, nghĩ tốt về mình, do đó thường đánh giá quá cao khả năng cũng như hiệu quả làm việc của bản thân. Chỉ khi nào người ta biết tập trung vào thứ họ cần để leo lên nấc thang tiếp theo của sự nghiệp, thì họ mới bớt ảo tưởng sức mạnh", Pfeffer chia sẻ.
9. Thử nhập vai thậm chí trước khi bạn có được vai đó
Pfeffer viết: “Sau một thời gian, bạn sẽ trở nên giống với 'vai' mà bạn đang đóng – tự tin, mạnh dạn và bị thuyết phục hơn bởi chính những gì mà bạn đang nói ra”.
10. Thoải mái bộc lộ cơn nóng giận
“Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người dám thể hiện sự bực tức là người mạnh mẽ, thông minh và có quyền lực”. Pfeffer chỉ ra: “Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trong những tình huống tiêu cực như xung đột, thì người có địa vị cao hay bộc lộ cơn nóng giận, trong khi người ở địa vị thấp hơn thường cảm thấy buồn và tội lỗi”.
11. Không ngại đi xin lời khuyên
“Trong một nghiên cứu, những người tham gia được yêu cầu ước lượng số người lạ mà họ sẽ tiếp cận, để nhờ 5 người trả lời một bảng hỏi ngắn”. Pfeffer viết thêm: “Con số trung bình họ đưa ra là 20 người. Nhưng trên thực tế, họ chỉ cần gặp 10 người là đủ”.
12. Cân nhắc cẩn thận và xây dựng hình ảnh
Đừng đánh giá thấp sức mạnh thương hiệu cá nhân của bạn. “Sự vươn lên của Barack Obama trong thế giới hà khắc ở Chicago, và sau đó là giới chính khách Illinois phần nào cho thấy, những nỗ lực của ông nhằm xây dựng hình ảnh chính trị ngay từ bước đầu”.
Hãy nhớ rằng, quyền lực là thứ mà người ta phải trả giá đắt mới có được, rồi cuối cùng, mọi người đều đánh mất nó.
Đừng có quá phụ thuộc vào quyền lực, vì nó là thứ không tồn tại lâu, lại dễ gây nghiện. Tỷ lệ thay CEO trong giai đoạn 1995-2006 tăng 59%. Pfeffer nhấn mạnh rằng, việc có quyền lực trong tay và để tuột mất nó chẳng khác nào một chiếc ô tô đang đi ở tốc độ 150 km/h thì bị chết máy.