Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

6 câu sếp không nên nói với nhân viên

Trong lúc quản lý nhân viên, đôi khi sự kiên nhẫn của người quản lý bị thử thách. Sếp không đồng nghĩa với một người hoàn hảo.

Sau đây là những suy nghĩ hoặc lời nói mà nhà quản lý cần tránh tuyệt đối trong những giây phút nóng bỏng nhất khi đối mặt với nhân viên. Vì chỉ một lời nói có thể hủy hoại hoàn toàn sự tin tưởng của nhân viên dành cho sếp.

“Tôi là sếp. Hãy làm những gì tôi nói!”. Nếu bạn đặt ra một tiêu chuẩn khác biệt giữa mình và nhân viên thì có lẽ bạn chẳng bao giờ nên kỳ vọng rằng, nhân viên sẽ tôn trọng những điều mà bạn bắt họ phải làm. Có thể họ sẽ nói “vâng”, và tuân theo vì “bạn là sếp”, nhưng họ sẽ chẳng bao giờ còn toàn tâm toàn ý với bạn.

“Có việc làm là may mắn rồi!”. Nếu đó là điều bạn thật sự cảm nhận về nhân viên của mình, mặc dù chưa nói ra, thì có lẽ bạn cũng là một người may mắn vì bạn đang có việc làm! Sẽ không ai cảm thấy thoải mái và muốn cống hiến trong một môi trường, nơi mà họ cảm thấy rằng, mình đang mắc nợ hoặc cần thiết phải mang ơn đối với cấp trên.

Nếu sếp không thích những điều nhân viên của mình đang làm, hãy mạnh dạn nêu ra và cùng người đó giải quyết vấn đề một cách thẳng thắn và minh bạch. Nên lưu ý rằng, hành động “kéo ghế” của nhân viên cho thấy sếp chưa thật sự trưởng thành và chuyên nghiệp. Nếu bạn ủng hộ việc làm ấy của họ, điều này cho thấy bạn thiếu khả năng lãnh đạo.

“Nếu anh/chị không thích công việc này, tôi sẽ tuyển người mới vào làm!”. Bất kỳ ai cũng có thể cho mình là sếp, nhưng một người sếp thật sự giỏi sẽ sử dụng khả năng lãnh đạo của mình để thúc đẩy nhân viên, tạo ra kết quả làm việc tốt nhất. Đe dọa nhân viên về nguy cơ bị mất việc làm nhằm mục đích kêu gọi họ làm những gì mình muốn, là một chiến lược nhân sự không bền vững.

Hẳn nhiên, trước tiên họ vẫn làm những gì sếp yêu cầu. Nhưng dần dần họ sẽ mất đi nhuệ khí làm việc và không hề muốn làm nhiều hơn mức độ tối thiểu để giữ được vị trí. Khi “đủ lông đủ cánh”, họ sẽ là người đầu tiên rời bỏ công việc.

“Vì sao anh/chị lúc nào cũng là người có vấn đề với công việc này?”. Nếu nhân viên của bạn đang có vấn đề với công việc nói chung, hãy thẳng thắn xử trí cùng với họ, theo hướng đi hợp tác công tâm. Nếu nhân viên khiến bạn phải khó xử trong một tình huống nhất định nào đấy với mức độ thường xuyên, có lẽ vấn đề nằm ở chỗ bạn không thường xuyên lắng nghe họ. Hay đơn giản rằng, họ đang gặp phải một vấn đề cá nhân nào đấy mà bạn cần lên tiếng giúp đỡ họ.

Cho dù sự việc trở nên tồi tệ thế nào chăng nữa, đừng bao giờ nghĩ rằng, nhân viên của bạn “cứng đầu” một cách vô cớ, và đừng đặt ra câu hỏi nêu trên. Cũng đừng bao giờ so sánh nhân viên, vì điều ấy tương tự với so sánh trẻ con với nhau, và – như chúng ta đều biết, đó là một ý tưởng không hay, thậm chí dẫn đến những hệ quả không thể nào lường trước.

“Tôi không có thời gian cho vấn đề này!”. Nhân viên sẽ tự nhủ rằng: “Nhưng anh/chị là sếp của tôi!”. Công việc của bạn chính là tìm kiếm thời gian để dành cho nhân viên. Thay vì thẳng thừng từ chối lời yêu cầu của nhân viên vì quá bận rộn, hãy dành chút ít thời gian trong tương lai gần nhất, khi bạn có thể dành trọn vẹn một sự chú ý tối đa nhất cho nhân viên của mình.

“Anh/chị chẳng hề biết tôi đang căng thẳng ra sao!”. Mọi người đều đi làm và có những mối quan tâm, cũng như những căng thẳng của riêng mình. Đừng vì suy nghĩ rằng, công việc của bạn có tầm quan trọng to lớn hơn cấp dưới nên bạn có quyền hạ thấp người khác.

http://www.doanhnhansaigon.vn/nhan-su/6-cau-sep-khong-nen-noi-voi-nhan-vien/1087745/

Theo Thống Lâm/ Doanh Nhân Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm