Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

116 ngày trên giường bệnh Việt Nam của nam phi công người Anh

Hôm nay, bệnh nhân 91 đã có mặt tại quê hương của mình. Chặng đường 116 ngày qua quả thực là tiền lệ chưa từng có tại Việt Nam cũng như thế giới.

Từng rơi vào nguy kịch và tiên lượng khó sống sót, đến nay, bệnh nhân 91 đã được trở về nhà. Các thầy thuốc của Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.

Bệnh nhân 91 vui vẻ chụp ảnh cùng phi hành đoàn trước khi về nước Nam phi công được đưa lên máy bay bằng xe nâng chuyên dụng. Ông vui vẻ chụp ảnh lưu niệm cùng những đồng nghiệp của mình.


Bệnh nhân 91 không phải người mắc Covid-19 đầu tiên nhưng là ca bệnh đặc biệt trên thế giới, chưa từng có trong tiền lệ. Với bác sĩ Việt Nam, 116 ngày điều trị cho nam phi công là những ngày “mệt nhất, căng não nhất, thót tim nhiều nhất” và “không còn định nghĩa thời gian”.

Một ngày sau, nam bệnh nhân thấy khó thở hơn. Bác sĩ, điều dưỡng cùng ngồi lại giải thích cho bệnh nhân rõ từng chỉ số trên máy. Sự cô độc trên giường bệnh, ở đất nước xa lạ cùng phản ứng tiêu cực từ mạng xã hội sau ổ dịch bar Buddha khiến phi công rơi vào chán chường, tuyệt vọng.

Khi nghe bác sĩ đề nghị gây mê, ông chần chừ suy nghĩ hồi lâu, sau đó đồng ý. Ngay chính lúc này, phi công đã cảm nhận được sức khoẻ của mình có gì đó không ổn.

Phi công được chỉ định ECMO (oxy hoá màng ngoài cơ thể). Một bác sĩ trẻ từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang hỗ trợ đồng nghiệp.

Bệnh nhân lúc này đã an thần, đặt trọn niềm tin vào bác sĩ Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên phương pháp ECMO được thực hiện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Nhờ sự hỗ trợ từ bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, những tiến triển xấu của phi công trong quá trình chạy ECMO được phát hiện, xử trí kịp thời.

Những ngày tiếp theo, phi công trong tình trạng an thần, sinh hiệu ổn, phổi tổn thương nặng chưa có dấu hiệu hồi phục do hội tụ đầy đủ các yếu tố dẫn đến nguy kịch khi mắc Covid-19.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, đánh giá bệnh nhân có thể phải sử dụng ECMO từ vài tuần đến vài tháng tiếp theo. “Hy vọng không bị giữa đường gãy gánh do các biến chứng khác trong quá trình hồi sức", ông nói.

“Khi vừa đặt ống nội khí quản loại đắt tiền nhất, hiện đại nhất thì máu phun ra xối xả, chúng tôi vừa phải cầm máu, vừa thay ống khác. Vài ngày sau, bệnh nhân bị tràn khí màng phổi. Khi chúng tôi đặt ống dẫn lưu khí, tràn ra toàn là máu. Phen đó, tôi suýt rớt tim”, BSCKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, kể lại.

Hơn 23 năm điều trị bệnh truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu, lần đầu tiên có ca bệnh khiến bác sĩ Phong và các đồng nghiệp “không còn định nghĩa thời gian bởi quá cân não, quá mệt, quá đuối, quá lo lắng”.

Phiên hội chẩn của các chuyên gia đầu ngành từ ba miền Bắc - Trung - Nam diễn ra căng thẳng ngay sau khi kết quả X-quang được báo cáo. Ngay lúc này, các chuyên gia nhận định ghép phổi là giải pháp duy nhất cứu lá phổi của bệnh nhân 91.

Các bác sĩ nhận định bệnh nhân trải qua thời gian dài can thiệp nhiều biện pháp hồi sức, lọc máu liên tục rất dễ xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, nhờ ECMO, đến thời điểm này, bệnh nhân có thể duy trì được sự sống.

Ngày 18/5, phổi bệnh nhân hồi phục 20-30%, “có hy vọng mong manh cuối đường hầm”.

Quyết định để giữ được sự sống cho bệnh nhân trước lằn ranh sinh tử là lựa chọn đầy thách thức của toàn bộ ê-kíp.

“Chúng tôi như người diễn viên đang đi trên dây. Chỉ khác rằng, diễn viên bị rơi xuống khi đi trên dây sẽ bị đau, còn với ê-kíp điều trị, chỉ cần bác sĩ tuột tay, bệnh nhân sẽ chết”, PGS Thảo nói.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM coi như đã “hoàn thành sứ mệnh”, mang lại cho bệnh nhân 91 “hy vọng mong manh cuối đường hầm”.

“Đằng sau sứ mệnh đó là những ngày tháng quên ăn quên ngủ, đến cả nằm mơ cũng nhìn thấy phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Có lúc, bước ra khỏi phòng áp lực âm, cởi lớp phòng hộ, quần áo bên trong ướt đẫm, vắt ra nước”, bác sĩ Phong kể lại.

Trong cơn mưa chiều 22/5, bệnh nhân 91 di chuyển cùng hệ thống máy ECMO, máy lọc máu và dây nhợ chằng chịt lên xe cứu thương, đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Toàn bộ lối đi chính được phong toả, hơn chục bảo vệ và lực lượng công an dọn đường. Phi công đi đến đâu, con đường phía sau được xịt khuẩn đến đó.

Ngưng toàn bộ thuốc an thần có thể nói là quyết định khó khăn nhất từ các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thời điểm có phản ứng, bệnh nhân đã rơi nước mắt khi các bác sĩ, điều dưỡng hỏi thăm.

Theo dõi tổng trạng bệnh nhân cùng kinh nghiệm chinh chiến nhiều năm tại khoa Hồi sức cấp cứu, bác sĩ Linh quyết định giảm dần thông số ECMO. Mỗi ngày điều chỉnh một chút, đến khi bệnh nhân cai được hoàn toàn.

Ngày 3/6, bệnh nhân ngưng hoàn toàn ECMO - thiết bị hoạt động thay thế trái tim và lá phổi, giữ lại mạng sống cho ông suốt 2 tháng qua.

Ngày 4/6, để điều trị dứt điểm tình trạng viêm phổi do vi khuẩn, Tiểu Ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, quyết định dùng 3 loại kháng sinh kết hợp, tổng tấn công tiêu diệt vi khuẩn “cứng đầu khó trị” Burkholderia cepacia. Trong đó, một số kháng sinh được nhập từ nước ngoài về.

Đến nay, bệnh nhân 91 đã dùng 4-5 loại thuốc được nhập từ nước ngoài, bệnh nhân Việt Nam chưa từng được sử dụng.

Ngày 8/6, nam phi công nhớ mật khẩu điện thoại và iPad. Ông liên lạc với bạn bè trên khắp thế giới và được họ kể lại quá trình điều trị trong thời khắc thập tử nhất sinh.

Nam phi công rơi mắt khi nghe bạn bè nói: “Nếu ở nơi nào khác trên Trái Đất, anh có thể đã chết”.

Từng có nhiều thời điểm thập tử nhất sinh, đến nay, nam phi công hồi phục kỳ diệu.

Phi công ra dấu xin tấm bảng để viết chữ: “Đề nghị lần sau đưa tôi ra ngoài lúc sáng sớm hoặc chiều mát, đưa ra giờ này tôi thấy nắng lắm, cảm ơn". Nhân viên y tế nhìn nhau, cười tủm tỉm.

Ngày 12/6, bác sĩ Linh và đồng nghiệp nhìn nhau, ngỡ ngàng khi bệnh nhân 91 nhìn họ, nở nụ cười rất đẹp rồi thốt lên câu nói đầu tiên: “Fantastic!”.

Ngày 13/6, bệnh nhân 91 được cai máy thở. Lần đầu tiên ông có thể tự thở khí trời sau hơn 2 tháng.

Ngày 16/6, phi công bắt đầu tập đi và giao tiếp với nhân viên y tế bằng lời nói.

Mỗi ngày, bệnh nhân được điều dưỡng hỏi hôm sau muốn ăn món gì, ăn vào lúc nào để chuẩn bị trước vì bệnh nhân sinh hoạt theo giờ châu Âu.

Bệnh viện cũng thuê riêng đầu bếp chuyên nấu món Âu để phi công ăn ngon miệng. Món ăn khoái khẩu của ông là mì spaghetti, sườn cừu nướng… đặc biệt là phở Việt Nam.

Tròn 116 ngày điều trị với những mệt nhọc, căng thẳng và những tiền lệ chưa bao giờ có, bác sĩ Việt Nam đã đưa bệnh nhân 91 trở về từ cõi chết.

Hôm nay, bệnh nhân 91 đã có mặt tại quê hương Scotland của mình. Một ngày nào đó, ông sẽ trở lại buồng lái và chinh phục bầu trời. Trong đó sẽ có chuyến bay chở những ân nhân của mình ở Việt Nam, như lời phi công từng hứa.

Nhóm PV

Đồ họa: Hà My

Bạn có thể quan tâm