Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

11 án tử trong 62 vụ án diện Trung ương theo dõi

Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi và chỉ đạo, đến nay cơ quan tố tụng đã tuyên phạt 11 án tử hình, 23 án tù chung thân.

Ngày 6/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dự Hội nghị tổng kết ngành Nội chính Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Nhìn lại năm qua, Thường trực Ban Bí thư cho biết với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết lĩnh vực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) chuyển biến mạnh mẽ, đạt kết quả rất quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

Tuyên 11 án tử hình trong 62 vụ án diện Trung ương theo dõi

Ghi nhận những thành tích năm 2019, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao vai trò của ngành Nội chính Đảng trong việc tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, định hướng về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Bên cạnh đó, ngành cũng chủ động tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng về kinh tế, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, góp phần vào công cuộc phòng chống tham nhũng với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

“Qua sơ kết, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã phát hiện, tham mưu chỉ đạo hơn 100 vụ, việc về tham nhũng, kinh tế”, ông Vượng thông tin.

Gan 80 can bo dien Trung uong quan ly bi ky luat anh 1

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Ảnh: Ngô Giang.

Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi và chỉ đạo, ông Vượng cho biết đến nay đã đưa ra xét xử sơ thẩm 62 vụ với 720 bị cáo. Cơ quan tố tụng đã tuyên phạt 11 án tử hình, 23 án tù chung thân; 10 bị cáo bị phạt án tù 30 năm; 23 bị cáo từ 20 đến 30 năm tù.

“Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay đã thi hành kỷ luật Đảng, xử lý hành chính, hình sự gần 80 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Ông cũng ghi nhận ngành nội chính đã chủ trì, phối hợp, tham mưu cho Ban Chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Bên cạnh đó, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm.

Tham nhũng còn diễn ra ở nhiều nơi, gây bức xúc

Ngoài những kết quả đạt được, Thường trực Ban Bí thư cho rằng hoạt động của ngành Nội chính Đảng vẫn còn một số hạn chế, nhất là phương pháp kiểm tra, giám sát của cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng đối với lĩnh vực nội chính...

Ở một số lĩnh vực, địa phương, công tác PCTN vẫn chưa chuyển biến mạnh mẽ. Tham nhũng vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp; việc phối hợp với các cơ quan chức năng để tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo xử lý các vụ việc bức xúc, nổi cộm liên quan đến an ninh, trật tự chưa kịp thời.

Nhắc đến năm 2020, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với rất nhiều sự kiện chính trị của cả nước. Trong khi đó, tình hình thế giới khu vực vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiếp tục gia tăng hoạt động chống phá; triệt để lợi dụng những vấn đề bức xúc để kích động tụ tập đông người gây rối...

Ông Trần Quốc Vượng đề nghị ngành nội chính với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính, PCTN và cải cách tư pháp cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác.

Đặc biệt, ngành cần tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, thể chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước để “không thể tham nhũng”, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu...

Đồng thời, tập trung tham mưu chỉ đạo xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước là “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.

Ông Vượng cũng yêu cầu tập trung tham mưu xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ và các vụ án, vụ việc dư luận xã hội quan tâm. Ngoài ra, ngành Nội chính phải tăng cường phối hợp tham mưu, kiên quyết ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”, xử lý nghiêm những cán bộ hư hỏng, tiêu cực.

“Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư đã nói dù rất đau lòng nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải tiếp tục làm, làm mạnh hơn nữa trong thời gian tới”, ông Vượng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, ông Vượng yêu cầu giải quyết tận gốc vụ việc liên quan khiếu kiện, không để các thế lực thù địch lợi dụng việc này làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là dịp tổ chức đại hội Đảng các cấp.

Loại khỏi cấp ủy khóa mới cán bộ có vợ, con vi phạm

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác nhân sự, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lưu ý không đưa vào cấp ủy khóa mới những cán bộ có vi phạm hoặc có vợ (chồng), con vi phạm.

Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm