Rẻ như rau
"Chúng tôi không hi vọng Nhà nước hỗ trợ nông dân, chỉ mong muốn người tiêu dùng thành phố biết rằng, giá đầu vào rẻ hơn cả rau để mà trả giá, vì tôi đi một vài siêu thị, điểm bán lẻ vẫn thấy họ bán với giá trên trời", ông Nguyễn Văn Ngọc (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho biết.
Giá bán lẻ thịt heo, gà, trứng ngoài thị trường ít biến động dù giá bán tại trại nuôi đã giảm mạnh trong gần một tháng qua. |
Chung tình cảnh với ông Ngọc, gia đình ông Hiếu ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vừa bán 5.000 con gà công nghiệp cho thương lái với giá 17.500 đồng/kg. “Với mức giá này tụi tui lỗ gần một nửa vì giá thành đã trên 30.000 đồng/kg”, ông Hiếu cho hay.
Giá gà công nghiệp giảm quá nhanh trong thời gian qua khiến người chăn nuôi không kịp trở tay. Theo các chủ trại chăn nuôi, cách đây ba tuần, giá gà đang ở mức 30.000 đồng/kg đã giảm liên tục còn 17.000 đồng/kg khiến các hộ, trang trại nuôi gà công nghiệp bị thua lỗ tơi tả. Giám đốc một công ty chăn nuôi lớn tại Đồng Nai than thở: “Phen này từ công ty to đến người nuôi nhỏ đều lỗ. Tết này coi như hết thưởng hoặc phải đem gà về nhà ăn trừ bữa”.
Không chỉ gà công nghiệp, các sản phẩm chăn nuôi khác cũng đồng loạt giảm giá từ hơn một tuần qua dù tết đang đến gần. Giá gà lông màu chỉ còn 36.000-37.000 đồng/kg, trong khi giá thành ở mức trên 40.000 đồng/kg. Giá trứng giảm khoảng 200 đồng/quả xuống dưới mức hòa vốn (1.650 đồng/quả) chỉ còn 1.550 đồng/quả. Giá heo hơi sau thời gian dài tăng đứng ở mức 50.000 đồng/kg cũng đã quay đầu giảm hai lần trong tuần qua, xuống còn 48.000-48.500 đồng/kg. “Trước đây thấy giá cao nhiều người chủ động giữ heo lại, nay thì ồ ạt bán ra càng làm cho tình hình xấu thêm”, ông Trần Quang Trung, chủ trại heo tại Thống Nhất (Đồng Nai), cho biết.
Theo các công ty chăn nuôi, nguyên nhân giá các sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh trong thời gian qua do nguồn cung dồi dào trong khi sức mua ngày tết không tăng mạnh như dự kiến.
Bán lẻ giá trên trời
Trong khi đó, khảo sát tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM, giá các loại thịt heo, gà, trứng chỉ giảm rất nhẹ hoặc vẫn đứng yên như trước. Theo các thương lái tại chợ đầu mối Hóc Môn, ngày 17/1, heo hơi tại trại giảm thêm 500 đồng/kg xuống còn 48.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm. Tại chợ đầu mối này, giá heo móc hàm (sau giết mổ) đầu chợ chỉ có 60.000 đồng/kg và đến cuối chợ còn 50.000 đồng/kg.
Dù vậy, giá thịt heo tại siêu thị vẫn giữ ở mức cao như cách đây hơn một tháng, một số mặt hàng thông dụng như thịt đùi 82.000 đồng/kg, nạc dăm 90.000 đồng/kg, nạc đùi 90.000 đồng/kg, ba rọi 90.000 đồng/kg, sườn non 149.000 đồng/kg... Bà Trần Thị Hiền, trưởng ban quản lý chợ Trần Văn Quang (Tân Bình), cho biết giá bán lẻ các loại thịt ở chợ này trong gần một tháng qua không có nhiều biến động.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Giám đốc công ty San Hà (đơn vị chuyên giết mổ và phân phối gia cầm trên địa bàn TP.HCM) cho biết, từ khi giá gà tại trang trại giảm từ 30.000 đồng/kg xuống như hiện nay, San Hà cũng như các đơn vị phân phối lớn tại TP.HCM đã chủ động giảm giá bán sản phẩm sau giết mổ cung cấp cho các đơn vị bán lẻ. “Giá có chênh lệch giữa trại và khâu phân phối vì phải trừ đi 20% hao hụt và tiền lời của nhà phân phối”, bà Hà cho biết. Còn giá bán tại các điểm bán lẻ đó là chính sách của họ chứ San Hà không quyết định được.
Một nghịch lý trong thị trường thực phẩm tại TP.HCM đó là giá bán lẻ tại các cửa hàng và siêu thị lại đang cao hơn giá bán bên ngoài. Cụ thể ngày 15/1, tại một cửa hàng thực phẩm ở quận 1, giá bán đùi gà công nghiệp 37.000 đồng/kg, má đùi 34.000 đồng/kg, chân gà 49.000 đồng/kg, cánh gà 65.000 đồng/kg thì tại siêu thị giá bán gà công nghiệp nguyên con sau giết mổ ở mức 46.000 đồng/kg, các loại thịt cùng loại cao hơn khá nhiều, như đùi tỏi 65.000 đồng/kg, má đùi 40.000 đồng/kg, chân gà 57.000 đồng/kg, cánh gà 79.000 đồng/kg.
Ghim giá kiếm lời lớn
Theo các công ty chăn nuôi, không chỉ khâu bán lẻ mới ghim giá cao mà cả khâu giết mổ và phân phối cũng giữ giá. Theo công thức tính toán trong giết mổ, nếu giá gà tại trại 17.500 đồng/kg thì sau khi vận chuyển lên thành phố giết mổ giá thành chỉ là 22.000 đồng/kg. “Phần hao hụt đã được bù bằng tiền phụ phẩm nên giá thành chỉ ở mức đó, nhưng giá từ trung tâm giết mổ đến siêu thị tăng tới hơn 200% là quá bất hợp lý. Cả khâu phân phối và bán lẻ đều ghim giá để kiếm lời lớn”, Giám đốc công ty chăn nuôi tại Đồng Nai cho biết.