10/4 - Ngày định mệnh trên bán đảo Triều Tiên?
Bình Nhưỡng tuyên bố, sau ngày 10/4 không thể đảm bảo sự an toàn cho các đại sứ quán tại Thủ đô nước này.
Binh sĩ Triều Tiên tại một tháp canh bên bờ sông Yalu ở thị trấn biên giới Sinuiju. |
Giữa bối cảnh căng thẳng liên Triều ngày càng sôi sục, Triều Tiên hôm qua đưa ra lời cảnh báo nghiêm túc như trên tới các đại sứ quán nước ngoài tại Bình Nhưỡng. Các đại sứ quán của các quốc gia châu Âu tại Bình Nhưỡng như Anh và Nga đã xác nhận nhận được cảnh báo trên, một ngày sau khi Triều Tiên di chuyển hai tên lửa tầm trung tới bờ biển phía đông của họ.
“Họ cho biết, kể từ ngày 10/4, Chính phủ Triều Tiên không thể đảm bảo sự an toàn cho các đại sứ quán cũng như các tổ chức quốc tế tại đây trong trường hợp xung đột nổ ra. Theo như những gì chúng tôi hiểu thì phía Triều Tiên đang thăm dò khả năng sơ tán của các đại sứ quán hơn là đề nghị họ ra đi”, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Anh cho biết.
Động thái mới nhất của Bình Nhưỡng đã khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow đang bàn thảo với Trung Quốc về lời cảnh báo, cũng như Mỹ và các thành viên khác trong các cuộc đàm phán 6 bên. Bộ Ngoại giao Bulgaria cho hay, người đứng đầu tất cả các phái đoàn của EU tại Bình Nhưỡng đã nhất trí họp hôm nay để thảo luận về quan điểm chung.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nhấn mạnh, ông sẽ bay tới Seoul hôm nay và sẽ “xem xét nghiêm túc” về kế hoạch dự phòng nhằm đảm bảo sự an toàn cho 43.000 lao động nước này đang làm việc ở Hàn Quốc.
Nhiều người đang tự hỏi, liệu đó có phải là bước đi nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh và cái ngày 10/4 mà Triều Tiên đưa ra trong bức thư có phải là ngày mà nước này định ra để phát động một cuộc chiến tranh hay không?
Người ta cũng đang tự hỏi, có thực sự Bình Nhưỡng đang nghiêm túc trong việc cảnh báo về một cuộc chiến tranh hay đây vẫn tiếp tục là một “đòn gió”, một lời đe dọa trong hàng loạt những lời đe dọa được đưa ra trong những tuần gần đây?
Có vẻ như nhiều nước vẫn tin rằng, việc Triều Tiên đề nghị các phái đoàn ngoại giao rút khỏi nước họ thực chất vẫn chỉ là lời đe dọa.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang thêm một cấp độ mới khi hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức Chính phủ giấu tên cho biết, Triều Tiên đã gắn 2 tên lửa Musudan tầm trung lên bệ phóng di động và đặt chúng trong các cơ sở dưới mặt đất gần ở biển phía đông của họ.
“Triều Tiên rõ ràng có ý định bắn tên lửa mà không cảnh báo trước”, Yonhap dẫn lời quan chức Seoul cho biết.
Các tên lửa tầm trung Musudan của Triều Tiên được cho là chưa từng được bắn thử nhưng trên lý thuyết cho tầm bắn đáng kể trong khoảng từ 3.000 đến 4.000 km, có khả năng vươn tới các mục tiêu ở Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam. Nhiều suy đoán nổi lên rằng, Bình Nhưỡng đã lên kế hoạch phóng tên lửa trùng với ngày sinh nhật của Chủ tịch Kim Nhật Thành vào ngày 15/4 tới.
“Một vụ phóng tên lửa là rất ý nghĩa. Nhưng tôi sẽ ngạc nhiên và bất ngờ nếu họ bắn loại tên lửa chưa từng trải qua cuộc thử nghiệm nào. Ở giai đoạn căng thẳng này, họ sẽ không muốn bắn ra một thứ gì đó mà có khả năng tan rã tròng 30 giây”, ông Daniel Pinkston, chuyên gia về Triều Tiên nhận xét.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng sôi sục kể từ tháng 12 năm ngoái, khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa tầm xa. Tiếp đó, tháng 2 năm nay họ tiến hành thử hạt nhân lần 3 bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế. Mới đây, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ mở cửa trở lại lò phản ứng hạt nhân Yongbyon – nguồn cung cấp plutonium cấp độ vũ khí cho chương trình hạt nhân của họ đã đóng cửa năm 2007 theo một thỏa thuận đổi viện trợ lấy giải trừ quân bị.
Người Hàn Quốc lũ lượt kéo nhau rời khỏi Triều Tiên
Hôm nay, người Hàn Quốc đang sống và làm việc ở Triều Tiên nối đuôi nhau rời khỏi nước này và khu công nghiệp Kaesong, 4 ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đóng cửa biên giới, cấm người lẫn hàng hóa nhập cảnh.
21 người Hàn Quốc đã trở về nhà từ khu công nghiệp Kaesong trong sáng nay và khoảng 100 trong số 600 lao động nước này có khả năng sẽ trở về vào cuối ngày hôm nay, Bộ Thống nhất của Hàn Quốc ở Seoul cho hay.
Một quản lý người Hàn Quốc tên là Han Nam-il vừa trở về từ Triều Tiên cho biết, ông đã chứng kiến các quan chức an ninh nước này được “vũ trang đầy đủ khắp người” trước khi đi qua biên giới.
Được biết, Triều Tiên không ép buộc lao động Hàn Quốc phải rời khỏi Kaesong nhưng một vài công ty Hàn Quốc đang hoạt động ở đây đã cạn nguyên liệu vì hàng hóa bị chặn ở biên giới do lệnh cấm nhập cảnh của Bình Nhưỡng cách đây 4 ngày.
Ông Sung Hyun Sang, người đứng đầu một nhà máy sản xuất hàng may mặc đang tạo công ăn việc làm cho 1.400 công nhân Triều Tiên hôm qua cho biết, nhà máy của ông sẽ "gặp rắc rối thực sự" nếu nguồn nguyên liệu không được gửi đến Kaesong trong một hoặc hai tuần tới.
Tuy nhiên, cũng cách đây vài ngày, có tin Bình Nhưỡng ra tối hậu thư yêu cầu các công ty Hàn Quốc phải “cuốn gói” khỏi khu công nghiệp Kaesong trước ngày 10/4. Theo đó, Bình Nhưỡng đe dọa sẽ “khiến khu công nghiệp Kaesong kiệt quệ và tan rã” chứ không bắt các lao động Hàn Quốc làm con tin bởi quan ngại phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế, ông Chang Yong-seok, nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất và Hòa Bình của Đai học quốc gia Seoul nhấn mạnh.
Phương Đăng
Theo Infonet