Hàng xách tay chất lượng... vỉa hè
Gần Tết là thời điểm mà hầu hết mọi người, mọi gia đình đều có nhu cầu mua sắm hàng hóa lớn, từ hàng thời trang, đồ gia dụng đến hàng điện tử... Vì thế, đây cũng là thời điểm “nhộn nhịp” nhất của các chương trình khuyến mãi. Nhiều tuyến đường ở TP.HCM tràn ngập với các mặt hàng thanh lý, giá rẻ. Hàng giá rẻ hút khách nhưng đây cũng là cơ hội để hàng giả, hàng kém chất lượng “tấn công” thị trường cả về số lượng lẫn chủng loại, dưới nhiều hình thức. Chúng tôi thử khảo sát một vòng, dọc các con đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.3, Tân Bình), Nguyễn Trãi (Q.1), Lý Thường Kiệt (Tân Bình), Lê Văn Sỹ (Phú Nhuận)... và thấy rằng, từ các cửa hàng lớn cho đến cửa hàng nhỏ, thậm chí những người bán hàng ở vỉa hè... cũng trưng bảng: “đại hạ giá”, “xả hàng tồn kho”, “mua một tặng một”, “giá cực sốc”... nhằm thu hút người mua.
Rất nhiều nơi trưng bảng giảm giá, xả hàng cuối năm làm cho người tiêu dùng hoa mắt. |
Do đánh đúng vào tâm lý của người tiêu dùng là thích mua hàng giá rẻ, hàng khuyến mãi nên các cửa hàng này luôn tấp nập người ra vào. Tuy nhiên, bên cạnh những cửa hàng làm ăn uy tín, một số khác đã lợi dụng dịp cuối năm này để lừa khách hàng. Các chiêu trò tuy cũ nhưng vẫn được áp dụng triệt để là bán hàng bị lỗi, hàng kém chất lượng hoặc bán hàng thật nhưng tặng quà là hàng rởm hoặc nâng giá bán sản phẩm thật cao (gấp 2 - 3 lần giá thị trường) sau đó giảm giá mấy chục %... Chị Nguyễn Thị Hoài, một người kinh doanh lâu năm ở chợ Tân Bình chia sẻ, những chiêu trò này đã đánh lừa những người mua không tỉnh táo. Khi bước vào, người tiêu dùng vì quá chăm chú đến giá cả mà ít chú ý đến chất lượng của sản phẩm, vì thế rất dễ trở thành những “nạn nhân” của các trò lừa đảo này.
Trao đổi với chúng tôi, một người có nhiều năm mua hàng các công ty (hàng sỉ) để bán lại cho các chợ tiết lộ: Hàng kém chất lượng thường xuất hiện nhiều trên thị trường dưới cái “mác” là hàng “thanh lý” “xả hàng tồn kho”, “hàng xách tay”... với giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng thật. Hiện nay, thị trường có đầy rẫy các loại mặt hàng này. Nhưng tập trung chủ yếu vẫn là các loại hàng may mặc, điện máy, điện gia dụng... Ví như hàng may mặc thì những đội quân bán lẻ dọc đường, trên các xe tải hoặc đổ đống thường là của các hộ may tư nhân, nhiều khi là của các hộ may chui tràn ra, bán với giá cực “sốc”: 3 cái áo sơ mi 100 ngàn đồng. Còn đối với một số cửa hàng thì họ lấy các loại sản phẩm hàng hiệu nhưng do bị lỗi hoặc không đủ chuẩn để xuất khẩu... đưa về và bán giảm giá 40 - 50%, thậm chí có nơi còn nâng giá lên rồi bán với giá khuyến mãi, giảm giá 70 - 80% làm cho nhiều người hoa mắt.
Anh Nguyễn Thanh Hùng, ngụ Q.12 lại kể một câu chuyện khác, trong một lần đi miền Tây, thấy một anh bán quần áo lên xe rao: Hàng công ty thanh lý cuối năm, 1 tá (12 cái) giá 100 ngàn đồng. Anh thấy bất ngờ quá liền kéo người bán hàng lại hỏi hàng của công ty nào thì anh này chỉ ậm ờ cho qua chuyện rồi tìm cách chuồn, không trả lời. Trong khi đó, bản thân anh này mặc một chiếc áo đồng phục màu đỏ nhưng lại không có tên hay logo của công ty nào cả. “Biết được có người mua, tôi lại hỏi xem chất lượng thế nào thì người đó mới mở ra. Và lúc này mọi người mới tá hỏa, khi phát hiện 2 cái ngoài cùng trong xấp áo 12 cái được bọc trong bao nilon cẩn thận kia là còn mới nhưng hàng được may rất sơ sài. Còn chục cái ở bên trong là áo sida, cũ mèm, nhìn rất tệ. Lúc này người khách đó mới giật mình nói: Bị nó lừa rồi”, anh Hùng kể.
Hàng “mốc” mới giảm giá sốc?
Vào thời điểm này, các mặt hàng điện gia dụng, điện máy... có lẽ sôi động hơn cả. Theo quan sát của chúng tôi, tại các cửa hàng điện máy tại TP.HCM cũng tưng bừng với các chương trình “khuyến mãi”, “xả hàng tồn kho cuối năm”, “bán với giá sốc”...Ngoài những “khẩu hiệu” đó, thì họ còn phát qua loa, làm cho người đi đường phải chú ý. Chị Lê Thị Hoa, ngụ Q.8 chia sẻ: “Mới đây tôi có mua một cái quạt, họ nói là hàng tồn kho bán giảm giá 50% nên tôi quyết định mua. Thế nhưng sau đúng 3 ngày thì nó dở chứng, mang đến đòi đổi lại thì được nhân viên ở đây cho biết là: “Hàng khuyến mãi nên không thể đổi. Chị muốn bảo hành thì hai tuần sau mới xong”. Ấm ức không biết làm gì, với lại nghĩ số tiền không lớn nên tôi mang về đem đi sửa”.
Nói về các mặt hàng đua nhau giảm giá khuyến mãi cuối năm, ông Nguyễn Bằng, Giám đốc công ty Công nghệ số Le Nguyen (TP.HCM) phân tích, khi vào nhìn các mặt hàng được bày bán và có dán nhãn “giảm giá sốc”, “xả hàng cuối năm” hay “bán giá gốc”... thì người tiêu dùng có thể dễ dàng quan sát thấy chúng thường là các mẫu hàng cũ, ít người ưa chuộng. Kế đến là so với những sản phẩm có giá ngang bằng thì lại kém về mặt công nghệ. Hoặc cũng có thể đó là những sản phẩm đã trưng làm hàng mẫu, hàng kém chất lượng cũng được các công ty, nhà phân phối dán bảng... giá rẻ. Thế nên, người tiêu dùng phải tỉnh táo trước khi quyết định có nên mang sản phẩm kiểu này về nhà hay không.
Bà Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch hội Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng TP.HCM cho biết, thời gian qua, Hội cũng có nhận được nhiều thông tin phản ánh của người tiêu dùng về việc mua các sản phẩm khuyến mãi, giảm giá nhưng họ cho rằng bị lừa, đặc biệt là dịp cuối năm. Do vậy, để tránh mua phải những loại hàng hóa như vậy thì trước hết người tiêu dùng phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin của sản phẩm: Xuất xứ, nhà sản xuất, giá, các thông số kèm theo... và có sự so sánh, đối chiếu để mua được sản phẩm phù hợp, chất lượng.
Cũng theo bà Thu thì nếu trường hợp khách hàng đã mua hàng dởm, kém chất lượng hoặc nghi ngờ là hàng giả... thì người tiêu dùng cần phải giữ lại các giấy tờ liên quan: Phiếu bảo hành, hóa đơn, nhãn mác... để làm cơ sở pháp lý khi khiếu nại. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần phải cẩn trọng với hàng lậu. Một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, bên cạnh các mặt hàng kém chất lượng thì thời điểm cận Tết cũng là lúc hàng lậu tìm cách tràn ra thị trường. Thời gian tới, Chi cục phối hợp với các đơn vị chức năng sẽ tăng cường kiểm tra để dẹp tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái...