Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10.000 trẻ sứt môi, hở vòm miệng được phẫu thuật

12 năm qua, 10.000 trẻ em dị tật sứt môi, hở vòm miệng được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) phẫu thuật thành công.

Sau 3 lần bị hoãn vì con gái không đủ máu để thực hiện phẫu thuật hở hàm ếch, chị Trương Thị Quyến (44 tuổi, ngụ Kiên Giang) vẫn không nguôi hy vọng tìm lại nụ cười cho con. Đến nay, con gái 6 tháng tuổi của chị Quyến đã được phẫu thuật lần đầu.

Kể lại câu chuyện này trong lần hội ngộ bác sĩ sáng 26/8, chị Quyến cho biết mình mang thai khi giãn cách xã hội nên không có điều kiện theo dõi thai kỳ. Khi thai 4 tháng tuổi, chị mới biết con bị chẩn đoán hở hàm ếch. Chị Quyến quyết định giữ lại thai và sinh con.

"Ngay sau khi xuất viện, tôi lên TP.HCM tìm bác sĩ để chữa bệnh cho con. Đến khi bé được 6 tháng tuổi, đủ cân nặng và máu, con được phẫu thuật", chị Quyến chia sẻ.

ho vom mieng anh 1

Trẻ phẫu thuật hở hàm ếch được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Ngọc An.

Đồng hành cùng chị Quyến để điều trị cho trẻ từ những ngày đầu, bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi đồng 1, nói lần nào đến gặp bác sĩ, người mẹ này cũng bật khóc.

"Bác sĩ luôn cố gắng mổ sớm cho trẻ, nhưng vì dịch bệnh, phương pháp gây mê không an toàn, cơ địa của trẻ chưa đảm bảo, không thể phẫu thuật ngay", bác sĩ Hằng nói.

Phẫu thuật đóng khe hở môi vòm cho các bé được Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện hơn 60 năm trước, nhưng chỉ được phẫu thuật đóng kín nên khi trẻ lớn lên vẫn còn nhiều tồn tại về hình thể, thẩm mỹ, tiếng nói.

Đến năm 2009, Bệnh viện Nhi đồng 1 triển khai chương trình điều trị toàn diện cho các cháu mắc di chứng này. Sau 12 năm, nơi đây đã thực hiện thành công 10.000 trường hợp phẫu thuật miễn phí cho trẻ sứt môi, hở vòm miệng.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi đồng 1, Việt Nam có khoảng 3.000 ca hở môi vòm được ghi nhận mỗi năm. Nếu không chữa trị kịp thời, trẻ sẽ kém về thể chất lẫn trí tuệ và tự ti về thẩm mỹ.

Là tuyến cuối, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận những ca hở môi vòm khá nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Trẻ kèm theo cơ địa tim bẩm sinh, dị dạng sọ mặt, thần kinh, rối loạn đông máu. Tỉ lệ này chiếm 5% trong tổng số ca bệnh.

"Phẫu thuật khe hở môi đem lại hiệu quả toàn diện hơn khi trẻ được chữa trị các bệnh lý đi kèm, nâng đỡ tâm lý, luyện tập giọng nói,... thay vì chỉ giải quyết vấn đề thẩm mỹ'', bác sĩ Đẩu nói và cho biết trẻ sau khi có được nụ cười lành lặn, tiếng nói rõ ràng, học tập tốt, đạt nhiều thành tích giúp bác sĩ thêm động lực để tiếp tục điều trị.

Ngày 26/8, Bệnh viện Nhi Đồng 1 khai trương Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo về Chăm sóc toàn diện khe hở môi vòm đầu tiên tại TP.HCM, nhân dịp tổng kết thành công 10.000 ca mổ.

Bệnh viện dự kiến phát triển trung tâm này trở thành một mô hình mẫu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trở thành nơi nghiên cứu và đào tạo cho các bác sĩ ở khu vực phía nam và nhiều địa phương khác trong cả nước.

7 người phẫu thuật thẩm mỹ 'chui' trong khách sạn trung tâm TP.HCM

7 người không có bằng cấp chuyên môn nhưng bày máy đốt, dụng cụ tiểu phẫu, hộp tiêm filler… để phẫu thuật thẩm mỹ tại ở quận 1.

Anh Nhàn

Bạn có thể quan tâm