Vào hôm thứ sáu tuần trước, các nhà khoa học của Cơ quan Khí quyển và Hải dương Quốc gia Mỹ (NOAA ) đã chụp hình những con hải mã chen chúc trên các bãi biển của hòn đảo nằm gần Point Lay, ngôi làng của người Eskimo. Đảo này cách thành phố Barrow 500 km về phía tây nam và cách thành phố Anchorage 1.100 km về phía tây bắc.
10.000 con hải mã chen chúc trên bờ biển bang Alaska. Ảnh: AP. |
Theo các nhà khoa học, đàn hải mã tới khu vực này kể từ trung tuần tháng 9 vừa qua. Họ thấy chúng trong chuyến khảo sát các loài động vật có vú sống tại Bắc cực thường niên của NOAA. Những bức ảnh cho thấy, có khoảng 2.000 – 4.000 con hải mã đang chen chúc trên các bờ biển và tiếp tục tăng lên.
Trên thực tế, hải mã là loài động vật nhút nhát và vô cùng dễ hoảng loạn. Để theo dõi chúng, máy bay của các nhà khoa học phải duy trì khoảng cách tương đối xa. NOAA cũng phải làm việc với dân làng để họ không gây nên tình trạng hoảng loạn trong đàn hải mã. Những hải mã non có thể chết nếu đàn đè lên nhau vì hoảng loạn.
Một con gấu Bắc Cực, một người thợ săn hay một chiếc máy bay bay quá thấp đều có thể là nguyên nhân khiến hải mã hoảng loạn. Trong tháng 9/2009, người ta đã tìm thấy xác của hơn 130 con hải mã, chủ yếu là hải mã non, sau một vụ hỗn loạn nghiêm trọng ở Mũi Icy, bang Alaska.
Trên thực tế, việc những con hải mã liên tục xuất hiện trên các bờ biển là hậu quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến băng ở các cực tan nhanh. Sống ở vùng biển Bering vào mùa đông, hải mã cái sinh con ngay trên các tảng băng trôi và kiếm ăn dưới đáy biển. Khi mùa hè tới, chúng quay trở lại Bắc Cực và sinh sống ở đó.