1.000 tàu cá Trung Quốc đến vùng biển tranh chấp
Các quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết, họ có thể buộc phải bắt giữ các thuyền trưởng của những tàu đánh cá xâm phạm vào vùng lãnh hải của họ.
Tàu cá Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua) |
Nếu số lượng lớn tàu cá Trung Quốc đi vào vùng biển do Nhật quản lý gần quần đảo tranh chấp, chúng có thể gây ra những sự cố ngoài mong đợi như đụng độ với tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Trên phiên bản trực tuyến, Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc (CNR) cho hay, giới chức ngư nghiệp Trung Quốc sẽ giám sát hoạt động của các tàu cá gần quần đảo mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư và Nhật gọi là Senkaku thông qua một vệ tinh theo dõi hàng hải. Sau khi rút khỏi vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư ngày 14/9, 6 tàu hải giám Trung Quốc sẽ làm nhiệm vụ hộ tống các tàu cá của nước này.
Phản ứng trước động thái này của phía Trung Quốc, Tokyo cho biết, Chính phủ Nhật Bản đến nay đã kiềm chế không đưa ra bất kỳ hành động khiêu khích nào đối với những cuộc biểu tình chống Nhật Bản đang lan rộng khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, những thông tin về việc Trung Quốc đưa một số lượng lớn tàu đánh cá đến vùng tranh chấp ở biển Hoa Đông đã làm tăng mối quan ngại của chính quyền ông Noda.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản buộc phải đóng cửa do quan ngại trước làn sóng biểu tình tại Trung Quốc. |
Khi được hỏi về sự chuẩn bị của Nhật Bản trước “bất kỳ tình huống bất ngờ nào có thể xảy ra”, Thủ tướng Noda cho biết, ông đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng “sẵn sàng đối phó với tình hình dựa theo luật của Nhật Bản”.
“Chính phủ đang áp dụng phương pháp tiếp cận ‘chờ xem’ vào lúc này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không ngồi yên nếu tàu cá của Trung Quốc đổ bộ đến quần đảo Senkaku với số lượng lớn. Diễn biến đó có thể dẫn tới một giai đoạn mới”, cố vấn của Thủ tướng Noda cảnh báo.
Các quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết, họ có thể buộc phải bắt giữ các thuyền trưởng của những tàu đánh cá xâm phạm vào vùng lãnh hải của họ. Nếu Lực lượng Bảo vệ Bờ biển không thể kiểm soát được tình hình quanh những hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư, Chính phủ Nhật Bản có thể buộc phải điều thêm Lực lượng Phòng vệ của nước này.
Bất chấp những phản ứng gay gắt của phía Nhật Bản, những người biểu tình Trung Quốc vẫn tỏ ra không khoan nhượng. Các cuộc biểu tình chống Nhật vẫn nổ ra khắp đất nước Trung Quốc. Điều đáng lo ngại ở đây là, các cuộc biểu tình không diễn ra hòa bình mà biến thành bạo lực với rất nhiều vụ cướp bóc, đốt phá nhằm vào các cơ sở, nhà hàng, nhà máy của các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có hãng bán lẻ quần áo nổi tiếng Uniqlo và Tập đoàn điện tử Panasonic.
Cùng lúc, đại diện hai hãng xe lớn của Nhật Bản là Toyota và Honda cho biết các cửa hàng của họ bị tàn phá nặng nề ở Thanh Đảo cuối tuần qua. Hãng tin Kyodo đưa tin, Toyota vừa thông báo sẽ ngừng hoạt động tại một số nhà máy ở Trung Quốc. Một số công ty lớn khác của Nhật hôm qua cũng tuyên bố đóng cửa và khuyến cáo người dân nước họ nên ở trong nhà vì lý do an toàn.
Hôm nay, dự kiến tại Trung Quốc sẽ nổ ra nhiều cuộc biểu tình hơn nữa vì là dịp kỷ niệm sự kiện 918. Đây là cách gọi của người Trung Quốc về việc ngày 18/9/1931, ba tỉnh Đông Bắc của nước này bị Nhật Bản đánh chiếm. Sáng sớm nay, hàng trăm người biểu tình đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản. Họ ném vỏ chai vào tòa nhà đại sứ quán.
Gian hàng của Nhật ở Thanh Đảo, Trung Quốc bị phá tan tành. |
Cửa hàng Aeon của Nhật tan hoang. |
Người biểu tình đốt cờ Nhật và Mỹ trên đường tới lãnh sự quán Nhật tại Hong Kong. |
Người biểu tình ở tỉnh Tam Cúc, Trung Quốc. |
Chiếc xe Nhật bị lật đổ ở Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc. |
Cảnh sát xịt hơi cay vào đoàn biểu tình ở Thâm Quyến. |
Người biểu tình đá vào cửa sổ kính của cửa hàng Seibu của Nhật ở Thâm Quyến. |
Cảnh sát và người biểu tình ở Thâm Quyến. |
Một cửa hàng của Nhật ở Hồ Nam tan hoang vì bị người biểu tình đập phá. |
Bình an, đỗ quyên
Theo Infonet