Trung Quốc mang cả quan tài lên đảo Điếu Ngư/Senkaku
Một số người dân Trung Quốc tuyên bố sẽ mang theo quan tài để đổ bộ lên đảo Senkaku/Điếu Ngư nhằm thể hiện cái mà họ gọi là “sẵn sàng chết vì biển đảo nước nhà”.
Căng thẳng Trung Quốc – Nhật Bản tiếp tục tăng cao khi hàng ngàn người ở đặc khu Hong Kong tiếp tục biểu tình trước cửa lãnh sự quán Nhật Bản tại đây. Theo mô tả của Hoàn Cầu thời báo, khoảng 2.000 đến 3.000 người thuộc Hiệp hội bảo vệ đảo Điếu Ngư (tiếng Nhật là Senkaku) với chủ đề “Không quên nỗi nhục quốc gia, kỷ niệm sự kiện 918, xây dựng đảo Điếu Ngư”. Sự kiện 918 là cách gọi của người Trung Quốc về việc ngày 18/9/1931, ba tỉnh vùng Đông Bắc của nước này bị Nhật đánh chiếm.
Tuần duyên Nhật bắt giữ người Trung Quốc đổ bộ lên đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 15/8 vừa qua. |
|
Hiệp hội bảo vệ đảo Điếu Ngư cho biết, tàu Khởi Phong 3 đã được sửa chữa hoàn chỉnh sau khi “bị cảnh sát biển Nhật Bản đâm hỏng nặng”. Dự kiến, con tàu này sẽ lại đến đảo tranh chấp Điếu Ngư đúng ngày 18/9 sắp tới. Sau đó, vào cuối tháng, một số ngư dân Đài Loan cũng được nói là sẽ đổ bộ lên đảo Điếu Ngư – nơi đang do Nhật Bản kiểm soát.
Trong diễn biến khác, hôm qua, Cục hải dương Trung Quốc công bố vị trí 71 “cọc tiêu địa lý” xung quanh đảo Điếu Ngư trên trang chủ của cơ quan này. Bản đồ chi tiết các đảo và “hệ thống giám sát, quan trắc thời tiết” cũng được cập nhật với mục đích “giúp người dân hiểu rõ tình hình đảo Điếu Ngư”.
Trước đó, hôm 13/9, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, Lý Bảo Đông cũng trình lên Tổng thư ký Ban Ki-moon về các vị trí “cọc tiêu địa lý” và bản đồ Điếu Ngư mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền.
Một ngày sau sự việc trên, trang chủ của Tòa án tối cao Nhật Bản bị hacker tấn công. Nội dung trang bị xóa hoàn toàn, thay vào đó là bản đồ Điếu Ngư với quốc kỳ Trung Quốc.
Cho tới hôm 15/9, theo Nhân dân nhật báo của Trung Quốc, nhiều nguồn tin cho rằng, trang chủ nêu trên đã bị đánh sập hoàn toàn, các nhân viên an ninh mạng Nhật Bản vẫn chưa tìm được thủ phạm.
Cũng trong ngày 15/9, blog của Nhân dân nhật báo Trung Quốc đăng bài phê phán những hành động chống Nhật thời gian qua. Theo bài báo này, việc một số ít người lợi dụng danh nghĩa yêu nước để đập phá xe mang nhãn hiệu Nhật là sai trái và thuộc hành vi cướp đoạt tài sản cá nhân. Việc đánh đập người nước ngoài, kích động bạo lực là hành vi không đáng có ở một quốc gia văn minh.
Tuy nhiên, bài viết này cũng cảnh báo Nhật Bản sẽ gặp “thất bại nặng nề” nếu tiếp tục quốc hữu hóa đảo tranh chấp Điếu Ngư/ Senkaku.
Ngoài ra, blog này cũng nói tàu hải giám Trung Quốc không hề được trang bị vũ khí và chỉ là công cụ để duy trì pháp luật trên các vùng biển được Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền. Trong khi đó, tàu công vụ của Nhật Bản bị tố cáo là trang bị súng máy hạng nặng. Tác giả bài viết còn tố cáo, ngư dân Trung Quốc thường xuyên bị “cảnh sát biển Nhật đi trên tàu có trang bị súng máy uy hiếp, sử dụng vòi rồng tấn công, xua đuổi”.
Tại Tokyo, tờ Kyodo News đưa tin, 19 quan chức thuộc Lực lượng tuần duyên Nhật sẽ đi khảo sát tại các vùng biển có tranh chấp, đặc biệt là khu vực xung quanh Senkaku/Điếu Ngư. Nhật cũng sẽ thay đổi một số nội dung trong luật của lực lượng tuần duyên, theo đó, đơn vị này sẽ có quyền “bắt giữ những người nước ngoài xâm phạm trái phép lãnh thổ Nhật Bản”.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 16/9 vừa qua, hạm đội Đông Hải - lực lượng được cho là đơn vị tiên phong trong những cuộc giao tranh với nhiệm vụ đánh phủ đầu và đổ bộ lên đảo của Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật với sự có mặt của các tàu khu trục, tàu ngầm và máy bay với 16 chương trình huấn luyện chiến đấu khác nhau.
Các tàu khu trục của hạm đội Đông Hải. |
Tham gia cuộc diễn tập và một tình huống chiến đấu giả định này có hơn 100 phương tiện chiến đấu và 40 tên lửa đã được bắn ra. Đồng thời, cuộc tập trận cũng đưa vào thử nghiệm nhiều chiến thuật quân sự mới.
Bài tập đổ bộ trong một cuộc tập trận do hạm đội Đông Hải tổ chức. |
Theo VTC