Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

100 năm trước, Pháp nhìn nhận người Việt tàn nhẫn?

"Những người phong cùi và tất cả những người không may mắc phải một căn bệnh truyền nhiễm nào đó, chỉ sau một thời gian ngắn, liền bị tàn nhẫn đuổi khỏi nhà" - Paul Giran viết.

Psychologie du peuple annamite của tác giả Paul Giran xuất bản năm 1904 thể hiện cái nhìn của người Pháp về tâm lý người Việt cách nay hơn 100 năm. Tác phẩm mới được xuất bản tiếng Việt qua bản dịch của Phan Tín Dụng với tên Tâm lý dân tộc An Nam. Được sự đồng ý của Omega Plus, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách. 

Khi đề cập đến ảnh hưởng môi trường vật chất, chúng ta đã bàn kỹ về khía cạnh cảm giác của người An Nam. Nhưng chúng ta cũng mới chỉ xem xét nó theo quan điểm sinh lý, trong mối quan hệ của nó với thể tạng chủng tộc và khí hậu. Chúng ta còn phải nghiên cứu nó trong những dạng thức cao hơn, những tình cảm, cái cùng với cảm giác phối nên tính cách, nếu như ta có thể nói như vậy.

Sự tiến hóa tình cảm có liên kết chặt chẽ với sự tiến hóa trí tuệ. Duy nhất, chỉ trong các phương pháp phân tích, cần thiết cho mọi nghiên cứu tâm lý, chúng ta mới tách ra những yếu tố vốn dĩ luôn kết hợp với nhau trong tự nhiên.

Nguoi Viet xua co thu dong? anh 1
Sách Tâm lý dân tộc An Nam.

Mỗi tình cảm, như chúng ta biết, đòi hỏi phải có trước đó một ý tưởng mấu chốt cấu thành nên cơ sở của nó, bất kỳ tình cảm nào cũng che giấu một biểu hiện tinh thần, hình tượng hoặc ý tưởng. Do đó, sự tưởng tượng tái hiện, nghĩa là, khả năng khơi gợi một ấn tượng đã được cảm nhận, tạo nên một ảnh hưởng chủ đạo lên cảm xúc của não. Bằng tác động mạnh hay yếu nó sẽ in dấu lên tình cảm với lực mạnh hay nhẹ, theo hướng này hay hướng khác.

Điều này bổ sung đầy đủ cho lời giải thích mà chúng tôi đã đưa ra ở trên, về sự bình tĩnh của người An Nam, về sự thanh thản của họ khi đối mặt với cái chết. Những gì E. Boutmy nói về người Anh có thể ứng hợp ở đây: “Họ không mong che giấu bằng sự kích động tăng tốc, bằng những cảnh sống động một viên đạn sượt qua trước mặt kèm âm thanh vút qua, rồi xương gãy, những cơn đau nhức nhối, như người Pháp".

Chúng ta cũng có thể nói về sự lặng lẽ này như những gì Dugald-Stewart đã nói về sự hèn nhát: “Đó là một căn bệnh của trí tưởng tượng".

Không nghi ngờ gì nữa, đó cũng là nguyên nhân góp phần gây nên sự vắng mặt gần như hoàn toàn cái cảm giác ngượng ngùng và thiếu lòng vị tha nơi người An Nam. Cảnh tượng một người khỏa thân không hề khơi dậy nơi họ bất cứ ý tưởng xấu nào, họ không thể đồng cảm với nỗi đau hay sự thống khổ của người khác.

Trong mối liên hệ này, cần lưu ý rằng, một cách tổng quát, tất cả tình cảm của người An Nam đều mang dấu ấn của sự vị kỷ thuần túy nhất. Không có một chút nhiệt tình hào phóng hay lòng nhân từ rộng lượng nào, trái tim thì đanh cứng, cằn cỗi, khô khốc. “Trái tim của bạn ngày càng nhỏ bé”, một triết gia nào đó từng nói. Nhờ vào câu châm ngôn tương tự, tình yêu cao thượng lại trở thành nhục dục tầm thường, tình cảm con cái dành cho cha mẹ chỉ là đạo hiếu.

Tóm lại, không thể khởi được những ý tưởng quá trừu tượng, trí óc của họ chỉ có thể hoạt động trước những sự vật có thực, người An Nam không có khả năng cảm nhận những tình cảm quá phức tạp.

Khuynh hướng của họ chủ yếu vẫn hướng về gia đình, họ không thể vượt ra ngoài vòng giới hạn. Chắc hẳn tâm hồn người An Nam đã phải thụ nhận những ý niệm về tổ quốc và lòng nhân đạo để hiểu được tình huynh đệ và lòng yêu nước.

Tình thương yêu đồng loại, biểu hiện ở lòng trắc ẩn và bác ái, là những đức tính ít khi thấy hành xử ở An Nam. Không được có người nghèo ở xứ này, và trên thực tế không hề có. Mỗi gia đình phải tự chu cấp cho những nhu cầu của mình, mỗi làng xã phải lo liệu được cho người dân.

Nguoi Viet xua co thu dong? anh 2
Người An Nam xưa. 

Khí hậu, đất đai màu mỡ, thể chất chủng tộc đã tạo điều kiệu để xứ này áp dụng và duy trì một quy tắc như vậy. Người An Nam, nhẫn nại và thụ động, bằng lòng với sự thiếu thốn, nhưng hiếm khi ở trong tình trạng bần cùng, ngược lại, họ không bao giờ tránh khỏi hàng vạn nỗi khổ nhân sinh khác.

Bệnh tật chủ yếu gây ra cho họ những tai ách nghiêm trọng và đặc biệt vào lúc đó họ thể hiện tính ích kỷ thầm kín của mình. Lịch sử cho chúng ta biết rằng những nạn nhân của bệnh dịch hạch, những người phong cùi và tất cả những người không may mắc phải một căn bệnh truyền nhiễm nào đó, chỉ sau một thời gian ngắn, liền bị tàn nhẫn đuổi khỏi nhà, bị bỏ rơi ngoài đồng hoặc nhốt cách ly ngoài làng như súc vật.

Chưa chắc một đô thị quan trọng ở An Nam đã có “trại phong” chỉ vì nó có “trường thi”, tòa án, nhà tù hoặc đền chùa của riêng mình, chủ nghĩa vị kỷ có những đền đài của nó cũng như tôn giáo, trật tự và an ninh công cộng.



Trích sách "Tâm lý dân tộc An Nam"

Bạn có thể quan tâm