Lớn lên dưới thời của Sa Hoàng Nicolas II, bà Tatiana Botkina từng trải qua những tháng ngày tuổi thơ đẹp đẽ. Sau những biến động năm 1917, bà rời xa quê hương.
Khi đó, cha bà, một bác sĩ riêng của Sa Hoàng, bị xử tử cùng các thành viên hoàng gia. Theo chân những nhà quý tộc, trí thức, sĩ quan quân đội chạy trốn, Tatiana kết hôn với một công nhân ở Pháp.
"Bà thường kể rằng cuộc sống trước kia rất khác, mỗi người đều giàu có theo cách riêng", cháu gái của bà Tatiana, Catherine Melnik, chia sẻ. Bà sở hữu một căn hộ tràn đầy những bức họa từ Nga giữa thủ đô Paris của nước Pháp.
Bà Melnik giữa căn phòng đầy tranh về nước Nga. Ảnh: AFP. |
Melnik, 62 tuổi, là người đại diện cho hậu duệ của những người Nga từng chạy trốn một thế kỷ trước. Họ vẫn ngày đêm đau đáu lưu giữ di sản của cha ông mình.
Lái taxi và ca sĩ phòng trà
Hàng trăm nghìn người Nga di cư đã và đang sinh sống tại những khu vực gần với đế chế mà cha ông họ xây dựng như Phần Lan, Ba Lan và các nước Balkan. Một số khác đi về hướng tây, tới Prague hoặc Berlin.
Những câu chuyện kiểu "lên voi xuống chó" của những nhà quý tộc Nga vẫn được lưu truyền. Nhiều người đã trở thành tài xế taxi, ca sĩ phòng trà hoặc thợ may ở nơi đất khách quê người.
"Pháp mất hàng triệu đàn ông sau Thế chiến I, vì vậy các doanh nhân người Pháp rất vui khi sở hữu nguồn nhân lực này", Alexandre Jevakhoff, một quan chức cấp cao đồng thời là một sử gia, nhận định về những người Nga di cư sang Pháp sau Cách mạng Tháng Mười.
Theo ông Jevakhoff, các nhà máy chào đón công nhân Nga bởi họ là những người chăm chỉ và không bè phái.
Nhiều nhân vật trong số những người Nga rời bỏ quê hương từng nuôi ý định dập tắt ngọn lửa cách mạng để được trở về. Họ tự mô tả bản thân "luôn ngồi trên hành lý" để có thể về nhà bất cứ khi nào.
Người Nga tại Pháp vẫn chưa thôi lưu luyến ký ức của cha ông họ. Ảnh: AFP. |
Suy nghĩ những thay đổi chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, họ tiếp tục nói tiếng Nga và từ chối gia nhập với nền văn hóa địa phương. Những tâm hồn tha hương luôn mong ngóng ngày trở về.
Những gia đình trải qua thế chiến và cả cuộc nội chiến lịch sử, lạc tới một vùng đất xa lạ. Họ bỗng chốc phải từ bỏ cuộc sống thoải mái và chấp nhận những công việc với mức lương bèo bọt.
Về Nga
Nhiều thập kỷ trôi qua, hậu duệ của những người Nga cũ kết hôn và sinh sống hòa nhập với người bản địa. Họ nói tiếng Pháp, ăn những món ăn Pháp nhưng vẫn đau đáu nhớ về quê hương.
Cha của bà Melnik vốn có ông nội là bác sĩ của Sa Hoàng, trở thành một điệp viên Pháp. Ông muốn tỏ lòng biết ơn đất nước này vì đã mở rộng vòng tay đón ông vào những năm tháng khó khăn lạc lõng nhất của cuộc đời.
Trong khi đó, ông Orobchenko vẫn mong muốn kết nối gia đình của mình với nguồn cội ở Nga. Lật qua lật lại giữa những tấm ảnh cũ kỹ, ông bày tỏ nỗi lo sợ về sự thu nhỏ của cộng đồng người Nga ở Pháp. Tại Sainte-Genevieve-des-Bois, nghĩa trang của Nga chỉ có 10.000 người.
Orobchenko kết hôn với một phụ nữ Pháp và vẫn dạy các con, cháu của mình nói tiếng Nga một cách thành thạo.
Giống như bà Melnik, ông đã về thăm Nga, nơi người dân tỏ ra đề phòng khi nghe câu chuyện về những quý tộc bỏ trốn sau cuộc cách mạng 100 năm trước.
"Họ cho rằng ông bà của chúng tôi tha hương để tiếp tục một cuộc sống xa hoa giàu có", bà Melnik nói.
Dù chưa bao giờ sống ở Nga, bà vẫn tràn đầy cảm giác thân thuộc khi đến đây. Vì cả cuộc đời, bà đã nghe hàng tá câu chuyện từ ông bà mình, những người từng rời bỏ quê hương để chạy trốn ngọn lửa của cuộc cách mạng lịch sử.
"Đó là cảm giác lạ lùng", bà nói.