"Trước 1945 không có tác phẩm nào đáng kể"?
“Phù điêu bất hủ của văn chương Việt hiện đại” chính là đánh giá của GS Phong Lê dành cho Nam Cao trong hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Thế mà, theo khảo cứu của Phong Lê, sinh thời Nam Cao chưa từng hưởng vinh quang, kém may mắn hơn Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài... nhiều. Những truyện ngắn cực hay đã được nhà văn hiện thực hàng đầu Việt Nam viết từ trước cách mạng, thế mà trong tự thuật gửi Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1950, Nam Cao của chúng ta tự ti: “Trước 1945 không xuất bản được tác phẩm nào đáng kể”.
Bà Trần Thị Hồng con gái nhà văn Nam Cao phát biểu tại hội thảo. |
Mãi sau khi ông qua đời, với Điếu văn của Nguyễn Huy Tưởng trong lễ truy điệu Nam Cao năm 1951, bài Nam Cao của Nguyễn Đình Thi năm 1952, hay hồi ký của Tô Hoài 1956 thì “tổn thất về Nam Cao mới thật sự thấm thía không chỉ trong giới nghề nghiệp mà cả công chúng”- lời Phong Lê.
Nam Cao quen thuộc với độc giả và giới nghiên cứu đến nỗi tưởng không còn gì mới để bàn về ông nữa. Đây có lẽ là nhà văn đạt sự thống nhất cao nhất trong đánh giá của thế hệ sau. Khi đi sâu đọc ai người ta dễ thấy người đó thú vị nhất, như Nguyễn Minh Châu đọc Nguyên Hồng thấy “ngổn ngang gò đống kéo lên” (trích dẫn của GS Hà Minh Đức). Tuy nhiên giờ hỏi nhà văn Việt Nam rằng bậc tiền bối họ thần tượng là ai, câu trả lời có thể không đồng nhất nhưng cộng lại thì Nam Cao có thể đoạt số phiếu cao nhất? Ngoại trừ Trần Đăng Khoa có lúc tỏ ra khắt khe cho rằng việc luôn viết về cái đói, mở trang nào cũng thấy đói đã làm tầm vóc Nam Cao gầy đi một nửa! Đối thoại với Lê Lựu nhiều năm trước, Trần Đăng Khoa nêu nhận định không dễ đồng tình rằng về tài, Nam Cao có thể không thua Tsekhov, Lỗ Tấn nhưng tầm thì khác hẳn. Và liên tưởng: “Nguyễn Du có thể sánh Tagor hay bất cứ đỉnh tháp nào của thế giới, thế mà đọc ông ấy có thấy cho cô Kiều ăn miếng nào đâu”.
Số phận khắc nghiệt của Nam Cao được bà Trần Thị Hồng, con gái nhà văn kể phần nào trong buổi sáng qua. Lấy vợ rất sớm - 18 tuổi, Nam Cao lao vào cuộc mưu sinh khốn khó trong khi vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ chiến sĩ. Khốn đốn đến nỗi con gái thứ ba- Bình Yên chết trẻ ở quê, Nam Cao ở Hà Nội được tin về đến nơi, trong khi vợ đau buồn than khóc thì ông bảo “Thôi thế còn may, tôi cứ tưởng về lần này chẳng gặp ai, chết đói hết cả rồi ấy chứ”. Trong năm người con của ông, con trai thứ hai - Trần Mai Thiên thành đạt nhất, được phong giáo sư tiến sĩ khoa học từ rất sớm.
“Nếu chỉ tính thế hệ thành danh trước 1945 thì Nam Cao là người duy nhất hy sinh ở tuổi đời 36 và tuổi nghề chỉ trên 10 năm. Mười năm- một sự nghiệp gắn nối hai giai đoạn trước và sau 1945; cả hai kết thành một phù điêu bất hủ trong lịch sử văn chương Việt hiện đại”.
GS Phong Lê
Cũng thuộc số độc giả cảm thấy nặng nề khi đọc Nam Cao như Trần Đăng Khoa, PGS.TS Trần Thị Việt Trung (ĐH Thái Nguyên) lại nêu lý do khác: “Không biết ai thế nào chứ tôi chỉ đọc hai, ba truyện là phải dừng, để lúc khác đọc tiếp, vì quá đau đớn xót xa”.
Cũng vì quá đói mà nhiều truyện như Ngày lụt, Cái miếu, Một đời người, Cái bát... mất bản thảo vì tác giả phải bán bản quyền cho nhà xuất bản để có tiền nuôi con. Bản thảo Sống mòn nếu không được Tô Hoài mang theo gìn giữ suốt cuộc kháng chiến thì không có cơ hội ra mắt bạn đọc để rồi nằm đó đồ sộ trong gia tài văn chương Việt Nam. GS Hà Minh Đức, người có công trình Nam Cao- nhà văn hiện thực xuất sắc từ rất sớm - 1962, dày 240 trang kể rằng tại một hội thảo ở ĐH Harvard (Mỹ), có học giả hỏi ông, Nam Cao có học mà sao viết cộc thế. “Tôi bảo không cộc mà cực hiện đại”.
Tầm nhân loại
“Người đưa lên đỉnh cao và kết thúc vẻ vang trào lưu hiện thực 1930-1945”- GS Phong Lê tóm tắt về Nam Cao. Theo nhà thơ - nhà phê bình Vũ Quần Phương “Hiện thực của Nam Cao là hiện thực tâm lý, từ tâm lý mà soi lên hiện trạng”.
Vũ Quần Phương cũng cho rằng, việc chọn giới tiểu tư sản làm nhân vật đinh trong tác phẩm Nam Cao là một kinh nghiệm tư tưởng. Bởi trí thức nhỏ chính là tầng lớp tích lũy nhiều kinh nghiệm đời sống trong khi trí thức lớn bận làm việc khác. Có lẽ trái ngược với Trần Đăng Khoa, Vũ Quần Phương đánh giá nhân vật của Nam Cao hội đủ hai yếu tố - hùng tâm và sinh kế, không chỉ có một trong hai.
Người ta thường trách tôi vô tình cảm. Nhầm. Tôi chỉ ghét sự giả trá mà thôi. Mà bởi ghét giả trá quá, tôi lại thành ra giả trá. Có điều tôi giả trá theo cách khác: Tôi cố ý đóng cũi sắt tình cảm tôi. Thấy người ta thương xót quá dễ dàng, tôi hóa sợ lòng thương; thấy nhiều người khóc quá tài tình, tôi bỗng xấu hổ mỗi khi chực khóc.
Nam Cao - trích truyện ngắn Điếu văn
TS Lê Hải Anh (ĐH Sư phạm Hà Nội) trích dẫn Tsekhov “Trong cuộc sống cũng như nghệ thuật, lạnh lùng mới nhìn được sự việc một cách tỏ tường” để cắt nghĩa bút pháp Nam Cao. Cụ thể, Tsekhov quan niệm “Nhà văn phải đứng trên tất cả phiền muộn hay hân hoan để thấu triệt mọi vật, phải tỏ ra thản nhiên khi viết những chuyện thương tâm”. Còn Nam Cao, theo khảo cứu của Lê Hải Anh, “Thái độ khách quan và ngôn từ lạnh lùng có lúc làm người đọc băn khoăn về ranh giới giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên khi con người được miêu tả như con vật cả ngoại hình, hành động, tính cách. Nam Cao có bản lĩnh của một nhà văn chân chính, là cái gốc nhân đạo sâu vững đến mức dù ngòi bút sắc sảo cố ý tỏ ra khách quan, dù đối tượng được quan sát từ góc nhìn tưởng lạnh lùng đến tàn nhẫn thì người đọc vẫn nhận ra tài năng lớn, trái tim lớn”.
“Thật táo bạo khi Nam Cao mong muốn lọc máu cho cả dân tộc: Thế kỷ sau sẽ lọc cho máu chúng ta trong trẻo lại, và đầy trách nhiệm khi tự hỏi Nhưng sao ta lại không thể nghĩ đến chuyện lọc máu ta ngay từ giờ Sống mòn”- khảo cứu của Trần Đăng Suyền.
Chân dung nhà văn Nam Cao. |
Lời kết hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh nói: “Tôi rất thích khi GS Trần Đăng Suyền nói về cách Nam Cao xử lý những vấn đề biến số và hằng số. Biến số là thời thế còn hằng số là số phận con người. Nam Cao chuyên nghiệp, chín sớm vì ông biết vượt qua cái biến số để tiếp cận cái hằng số - số phận con người. Mọi biến số rồi qua nhưng tác phẩm còn lại vì nó cho chúng ta hiểu số phận, tâm trạng con người Việt Nam một thời. Đấy là cống hiến không chỉ cho Việt Nam mà cả nhân loại. Hôm nay với chúng ta, cái đói cái nghèo qua rồi nhưng tính thời sự, câu chuyện về cái thiện, cái tử tế vẫn đầy bức xúc và trên con đường giải quyết nó, Nam Cao trở thành một tác nhân, một lực lượng, một năng lượng đồng hành với chúng ta”.
100 năm, con số đẹp, tuy nhiên dịp này chỉ hội thảo này là hoạt động hướng về Nam Cao. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói hoa mỹ, đại ý những gì chúng ta làm cho Nam Cao là chưa đủ về mặt văn hóa: Đặt tên đường, tên trường, vườn tưởng niệm, vài tiết học mỗi năm... Theo ông Thỉnh, cần tiếp tục “nghĩ đến Nam Cao, làm giàu có thêm Nam Cao, phát huy ảnh hưởng của Nam Cao, không phải vì Nam Cao”.