10 vụ trộm tranh gây chấn động thế giới
Tuyệt phẩm Mona Lisa của danh họa Leonardo Da Vinci từng bị chính một nhân viên Bảo tàng Louvre (Pháp) lấy cắp năm 1911, với mục đích ban đầu là đem trả về cho quê hương Italia.
>>5 bức tranh trị giá 620 triệu USD vừa bị đánh cắp
1. Vụ trộm "nàng Mona Lisa"
Các quan chức đang kiểm tra tác phẩm Mona Lisa, được phòng trưng bày Uffizi trông giữ khi Vincenzo Perugia cố gắng bán nó cho họ, sau khi bị trộm ở Louvre. |
Năm 1911, Vincenzo Perugia, một người nhập cư Italia và là nhân viên của Bảo tàng Louvre, đã nhét bức tranh Mona Lisa trong áo khoác rồi bình tĩnh đi ra ngoài. Đầu tiên, ý định của người đàn ông này là mang trả lại bức tranh nổi tiếng của danh họa Da Vinci cho quê hương Italia. Tuy nhiên, hai năm sau tên trộm này đã bị bắt khi đang cố bán bức tranh cho một bảo tàng ở Perugia, Italia và phải nhận mức án một năm tù. Theo Telegraph, sau vụ việc này, an ninh tại Bảo tàng Louvre đã được thắt chặt.
2. "Tiếng thét" (The Scream) bị 2 tay súng cuỗm mất
Hai kiệt tác The Scream (trái) và Madonna (phải) của Edvard Munch, bị trộm năm 2004. |
Edvard Munch, họa sĩ người Na Uy theo trường phái biểu hiện, đã vẽ 4 phiên bản khác nhau của bức tranh nổi tiếng The Scream từ năm 1893 đến 1910. Kể từ đó, một nửa số tranh bị trộm và nghiêm trọng nhất là vào năm 2004, khi 2 tay súng cuỗm đi một phiên bản cùng với bức Madonna cũng của Munch, tại Bảo tàng Munch ở Oslo. Năm 2006, những tên trộm tranh táo tợn này đã bị bắt và bị trừng phạt, nhưng các bức tranh cũng bị tổn hại một phần.
3. Trộm tranh để lại tin nhắn
Ngày 29/4/2003, một tin nhắn được cảnh sát tìm thấy khi họ phát hiện 3 bức tranh bị đánh cắp ở Bảo tàng Whitworth, Manchester (Anh). |
Cảnh sát nghi ngờ những tên trộm chuyên nghiệp đã thực hiện vụ đột nhập năm 2003 tại Bảo tàng Whitworth, sau khi chúng vượt qua hệ thống báo động, lực lượng an ninh và camera giám sát để khuân đi ba bức tranh của các danh họa Gauguin, Van Gogh và Picasso. Những chiến lợi phẩm này được bọn chúng nhét phía sau một nhà vệ sinh công cộng, cách bảo tàng chưa đến 400m. Điều đáng chú ý là bọn trộm đã để lại một bản viết tay đính kèm có nội dung: “Mục đích của chúng tôi không phải là ăn trộm tranh, mà để cảnh báo hệ thống an ninh tồi tệ của bảo tàng”. Trong khi giới chức tỏ ra hoài nghi về tin nhắn để lại, vì họ nghĩ rằng bọn trộm biết rằng không bao giờ có thể bán được những bức tranh đó, Bảo tàng Whitworth đã phải tăng cường hệ thống an ninh của họ.
4. Một tên trộm cuỗm 5 bức tranh quý
Cảnh sát kiểm tra những khung tranh phía ngoài Bảo tàng nghệ thuật đương đại quốc gia ở Paris ngày 20/10/2010, nơi 5 tác phẩm bị trộm. |
Năm ngoái, tên trộm đơn độc mặc đồ đen đã đập vỡ ổ khóa và làm hỏng một cửa sổ tại Bảo tàng nghệ thuật đương đại quốc gia ở Paris, cuỗm đi các bức tranh của Picasso, Matisse và các nghệ sĩ lớn khác. Những bức tranh bị mất lúc đầu được ước tính có giá 500 triệu euro, nhưng sau đó được làm tròn xuống 100 triệu euro. Các quan chức thừa nhận hệ thống báo động mới của bảo tàng đã không hoạt động tốt trong vòng vài tuần trước khi vụ trộm diễn ra. 5 bức tranh bị đánh cắp là Dove with Green Peas của Pablo Picasso (vẽ năm 1911), Pastoral của Henri Matisse (1906), Olive Tree near l'Estaque của Georges Braque (1906), Woman with Fan của Amedeo Modigliani (1919) và Still Life with Candlestick của Fernand Leger (1922).
5. Hàng loạt vụ trộm tại bảo tàng Van Gogh
Bức Sunflowers của Vincent van Gogh. |
Năm 1991, hai tên trộm đột nhập vào Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam và lấy đi 20 bức tranh, trong đó có tác phẩm nổi tiếng Sunflowers (Hoa hướng dương). May mắn thay, giới nghệ thuật thở phào nhẹ nhõm khi tất cả bức tranh được tìm thấy nguyên vẹn, trong một chiếc ô tô bỏ trốn vài giờ sau đó. Năm 2002, hai tên trộm khác lại lấy đi hai bức tranh cũng tại bảo tàng trên. Chúng sớm bị bắt và kết án vào năm 2003, nhưng các bức tranh vẫn chưa được tìm thấy.
6. Vụ trộm mang phong cách 007
Những tên cướp có vũ khí đã đã lấy đi 3 bức tranh từ Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển. |
Năm 2010, một vụ trộm mang phong cách điệp viên 007 James Bond xảy ra, khi 3 trên cướp đeo mặt nạ và cầm súng máy xông vào Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển. Chúng đã dụ cảnh sát tập trung vào những quả bom giả được đặt khắp thành phố, còn chúng thì thoải mái xông vào bảo tàng. Sau đó, bọn cướp ma mãnh trốn đi với các bức tranh có giá trị lên tới 30 triệu USD, trên một chiếc xuồng cao tốc đang đợi sẵn. Cuối cùng, 8 người đàn ông cũng bị bắt và tất cả 3 bức tranh, trong đó có 2 bức của Renoirs và một của Rembrandt, đều được lấy lại.
7. Hai luật sư trộm tranh
Chiếc hộp rỗng, nơi để bức tranh Madonna with the Yarnwinder (Đức Mẹ bên cây kéo sợi) của Leonardo Da Vinci sau khi bị đánh cắp, tại lâu đài Drumlanrig, Scotland. |
Năm 2003, bức tranh Madonna with the Yarnwinder của danh họa Leonardo Da Vinci, trị giá từ 45 đến 50 triệu USD, bị trộm khỏi nhà của Công tước Buccleuch ở Scotland. Hai người đàn ông đã tham gia một tour du lịch tham quan ngôi nhà, rồi khống chế bảo vệ để đánh cắp bức tranh. Bức tranh vẫn bặt vô âm tín cho đến năm 2007, khi nó được phát hiện ở một phòng luật tại Scotland. Sau đó, một số thủ phạm đã bị bắt, trong đó có 2 luật sư.
8. Trộm đeo mặt nạ cuỗm tranh của Van Gogh
Bức Poppies near Vetheuil của Claude Monet. |
Năm 2008, những tên trộm đeo mặt nạ đã lấy đi 4 kiệt tác của Cezanne, Degas, Van Gogh và Monet, có trị giá khoảng 84 triệu Bảng Anh từ một bảo tàng ở Thụy Sĩ. Bốn bức tranh hoạt cảnh từ cuối thế kỷ 19 là Poppies near Vetheuil của Claude Monet, Count Lepic and his Daughters của Edgar Degas, Blossoming Chestnut Branch của Vincent Van Gogh và Boy in a Red Waistcoat của Paul Cezanne.
9. Tài xế xe bus trộm tranh để phản đối chính phủ Mỹ
Các thám tử của cảnh sát Anh tìm bằng chứng trong một toilet nam, tại Nhà triển lãm quốc gia ngày 23/8/1961, sau khi xảy ra vụ trộm bức tranh Portrait of the Duke of Wellington của Francisco Goya ngày 24/5/1965 (bên trái). Các quan chức kiểm tra tình trạng của bức tranh bị đánh cắp, sau khi nó được trả lại (bên phải). |
Năm 1961, tài xế xe bus nghỉ hưu Kempton Bunton lấy trộm bức tranh Portrait of the Duke of Wellington để phản đối, sau khi chính phủ Mỹ bỏ ra 392.000 USD mua và giữ nó trong Nhà triển lãm quốc gia. Ba tuần sau khi chính phủ mua bức tranh, Bunton đã cuỗm nó và trốn qua cửa sổ phòng tắm của nhà triển lãm. Cuối cùng, ông trả bức tranh lại cho nhà chức trách và chỉ bị phạt tù 3 tháng.
10. Vụ trộm gây chấn động nước Mỹ
Những chiếc khung trống không, sau khi bức tranh Storm on the Sea of Galilee của Rembrandt và The Concert của Vermeer bị trộm, tại Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston. |
Isabella Stewart Gardner, một nhà sưu tập ở Boston (Mỹ), đã thu thập rất nhiều tác phẩm nghệ thuật trong chuyến tham quan vòng quanh Châu Âu. Bà đề nghị biến nhà mình thành một bảo tàng để trưng bày các tác phẩm đó khi qua đời. Năm 1990, 2 người đàn ông cải trang thành cảnh sát và khống chế nhân viên an ninh. Sau đó, chúng biến mất với các tác phẩm gồm ba bức của Rembrandt, 5 bức phác họa của Degas, một bức của Manet và một của Vermeer, với tổng giá trị 300 triệu USD. Hai thập kỷ sau, mặc dù giới chức treo thưởng 5 triệu USD, nhưng chưa có bức tranh nào được lấy lại.
Bình An
Theo Bưu Điện Việt Nam