10 vụ ly hôn đắt giá nhất Trung Quốc (Kỳ 1)
Hôn nhân tan vỡ dẫn đến việc những ông chủ giàu có, đứng đầu các công ty hàng đầu của Trung Quốc phải chấp nhận bỏ ra khoản tiền "kếch xù" hoặc lượng cổ phần trị giá hàng triệu USD trong công ty cho vợ cũ.
Dưới đây là 10 vụ ly hôn đắt giá nhất của Trung Quốc:
10. Vụ ly hôn của Wang Wei và Yang Lei
Khoản bồi thường ly hôn: 44,1 triệu nhân dân tệ (7 triệu USD)
Ông Wang Wei và vợ cũ Yang Lei. |
Tháng 6/2011, ông Wang Wei, 39 tuổi, Giám đốc điều hành và người sáng lập trang mạng video trực tuyến nổi tiếng của Trung Quốc Tudou, giải quyết vụ ly hôn với vợ cũ là Yang Lei với khoản bồi thường 44.100.000 nhân dân tệ (7 triệu USD). Với khoản tiền này, Yang chấp thuận từ bỏ quyền sở hữu 38% cổ phần của Tudou. Điều này phá vỡ kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ của công ty trong hơn 6 tháng. Thảm hại hơn, cổ phiếu của Tudou sụt giảm 38% trong vòng có ba ngày sau khi ra mắt hôm 17/8/2011.
Trước đó, Wang kết hôn với Yang, một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng trên kênh Thượng Hải TV hồi tháng 8/2007. Tuy nhiên, cặp đôi đệ đơn ly dị một năm sau đó. Nguyên nhân khiến cặp đôi Wang – Yang tan vỡ được cho là do Wang có quan hệ ngoài luồng với một vũ công người Trung Quốc của Mỹ. Trong khi đó, Yang phàn nàn, Wang quá tham công tiếc việc, chỉ tối ngày chăm chút cho trang mạng Tudou mà bỏ bê vợ. Sau đó, trang mạng video trực tuyến kếch xù của Trung Quốc là Youku chính thức "sáp nhập" Tudou ngày 20/8/2012.
9. Vụ ly hôn của Li Dongsheng và Hong Yanfen
Khoản bồi thường ly hôn: 120 triệu nhân dân tệ (19 triệu USD)
Ông Li Dongsheng và người vợ hiện tại Wei Xue. |
Một báo cáo của “gã khổng lồ” ngành điện tử dân dụng, Tập đoàn TCL tiết lộ, Chủ tịch tập đoàn Li Dongsheng chấp nhận chuyển giao khoảng 20% cổ phiếu trong tổng số 122 triệu cổ phiếu trị giá 120 triệu nhân dân tệ (19 triệu USD) của ông cho vợ cũ, Hong Yanfen xem như là khoản bồi thường ly hôn sau khi Li và Hong "đường ai nấy đi". Nhờ số cổ phiếu trên bà Hong trở thành một trong 10 cổ đông chính của công ty.
Tuy nhiên, doanh nhân giàu có họ Li vẫn còn lại số cổ phiếu trị giá 615 triệu nhân dân tệ (98 triệu USD). Sau vụ ly hôn, Li kết hôn với Wei Xue, Giám đốc điều hành của Công ty Tư vấn Quan hệ Công chúng Trung Quốc PRAP vào năm 2006, 3 năm sau ngày họ quen biết nhau lần đầu tại một diễn đàn doanh nghiệp do Wei chủ trì. Lễ cưới của họ khi đó được xem là sự hợp nhất quan hệ kinh tế có ảnh hưởng nhất của Trung Quốc trong năm đó.
8. Vụ ly hôn của Wang Youzhi và Yang Limei
Khoản bồi thường hôn nhân: 156 triệu nhân dân tệ (24,8 triệu USD)
Ông Wang Youzhi chấp nhận bồi thường ly hôn cho vợ cũ số cổ phần trị giá 156 triệu nhân dân tệ (24,8 triệu USD. |
Wang Youzhi, 47 tuổi, Tổng giám đốc đồng thời cũng là nhà đồng sáng lập của hãng sản xuất các thiết bị công nghệ cao Chengdu Guibao có trụ sở ở Sichuan, đã quyết định chia đôi 18,8 triệu cổ phần trong công ty cho người vợ cũ Yang Limei để kết thúc cuộc hôn nhân của họ.
Số cổ phần bà Yang nhận được từ chồng cũ trị giá tới 156 triệu nhân dân tệ (24,8 triệu USD). Sau khi chuyển giao một nửa số cổ phần của mình, ông Wang rơi từ vị trí thứ 2 trong công ty xuống ở vị trí thứ 3. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc, một cổ đông chính của công ty mới xuất hiện, đó chính là bà Yang, nhờ số cổ phần bà vừa được chồng cũ chuyển giao. Trước đó, bà Yang chỉ là một công chức địa phương bình thường.
Sau khi ly hôn không lâu, ông Wang kết hôn với con gái của cổ đông lớn thứ 2 trong công ty Guo Dimin. Tuy nhiên, sau đó, giá trị cổ phiếu của Wang sụt giảm đáng kể, xuống gần 35% trong bối cảnh thị trường liên tục biến động.
7. Sun Taoyan và Hu Linghua
Khoản bồi thường hôn nhân: Hơn 167 triệu nhân dân tệ (26,5 triệu USD)
Chủ tịch Sun Taoran bồi thường ly hôn cho vợ cũ số cổ phần trị giá 167 triệu nhân dân tệ (26,5 triệu USD. |
Ngày 12/5/2011, Sun Taoran, Chủ tịch và đồng thời là cổ đông lớn thứ 2 của Tập đoàn Truyền thông BlueFocus có trụ sở ở Bắc Kinh dựa BlueFocus tuyên bố, ông đã chia đôi 9,62% lượng cổ phần của mình trong công ty cho vợ cũ là Hu Linhua để giải quyết êm xuôi vụ ly hôn.
Giá trị của số cổ phần trên là hơn 167 triệu nhân dân tệ (26,5 triệu USD). Việc chia đôi cổ phần và chuyển giao cho vợ cũ khiến Sun từ cổ đông lớn thứ 2 trong tập đoàn rơi xuống đứng ở vị trí thứ 7. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho hay, số cổ phần trị giá hơn 167 triệu nhân dân tệ của BlueFocus mà Sun đồng ý chia cho vợ cũ chỉ là một phần trong khoản bồi thường hôn nhau sau khi cặp đôi ly dị.
Về phía Sun Taoran, ông còn được biết đến là Chủ tịch của công ty dịch vụ thanh toán Lakala Bắc Kinh, một công ty cung cấp các dịch vụ thanh toán ngoại tuyến lớn nhất của Trung Quốc.
6. Cai Dabiao và Pan Minfeng
Khoản bồi thường hôn nhân: 470 triệu nhân dân tệ (74,6 triệu USD)
Cặp đôi Cai Dabiao và Pan Minfeng thuở còn mặt nồng (ảnh nhỏ bên dưới) và sau khi "đường ai nấy đi". |
“Gã khổng lồ” thức ăn nhanh, J-Kung Fu, một công ty được điều hành theo kiểu gia đình, từng là chiến trường trong cuộc đại chiến khốc liệt để tranh giành cổ phần. Cuộc chiến bao gồm Chủ tịch J-Kung Fu là Cai Dabiao, 41 tuổi và em trai của bà Minfeng Pan là Pan Yuhai, vợ cũ của Cai đồng thời cũng là người đồng sáng lập công ty vào năm 1994. Cặp vợ chồng Cai giữ 50% giá trị cổ phần của J-Kung Fu và Pan Yuhai cũng giữ số cổ phần tương ứng.
Tuy nhiên, năm 2006, ông Cai Dabiao và bà Minfeng Pan tuyên bố ly hôn sau 15 năm chung sống. Đồng thời, bà Pan quyết định chuyển giao lại 25% cổ phần của mình trong J-Kung Fu cho hai người con trai của hai người. Tuy nhiên, sau đó, tháng 4/2009, bà Minfeng Pan đệ đơn kiện chồng cũ, yêu cầu ông Cai phải trả lại cổ phần của J-Kung Fu cho bà hoặc bồi thường khoản tiền mặt trị giá 470 triệu nhân dân tệ (74,6 triệu USD) sau khi phát hiện ông Cai lừa dối bà, có quan hệ tính ái kéo dài tới 11 năm với một phụ nữ. Cặp tình nhân vụng trộm cũng có một cậu con trai. Có tin đồn rằng, việc ông Cai bị bắt tháng 4/2011 với tội danh kinh tế có liên quan chặt chẽ tới bà Minfeng và cậu em trai Pan Yuhai của bà.
Phương Đăng
Theo Infonet