Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 trường hợp sống sót thần kỳ giữa sa mạc (kỳ 2)

Vì hai chân liệt nên Ricky Gilmore rơi khỏi xe giữa sa mạc, ông phải bò bằng hai tay. Tuy thận hư, thân nhiệt giảm và máu nhiễm trùng nhưng ông vẫn thoát chết.

Đoàn thủy thủ Mỹ thoát hiểm nhờ mưu trí

James Riley, một thuyền trưởng người Mỹ, cùng các thủy thủ rơi vào tình thế nguy hiểm trong sa mạc Sahara sau khi tàu của họ mắc cạn tại bờ biển Maroc vào tháng 8/1815. Tại sa mạc Sahara, một nhóm thổ dân Sharawi bắt Riley cùng các thủy thủ. Họ dẫn những người đàn ông Mỹ vượt sa mạc trong nhiều tuần để bán họ như những nô lệ. Trong cuộc thương lượng với bọn mua người, Riley nói dối rằng Swearah, một người đàn ông sống tại thành phố Swearah của Maroc, sẽ trả cho chúng số tiền hậu hĩnh nếu chúng thả tự do cho ông và các thủy thủ. Một người mua mang tên Hamet đồng ý nhưng dọa rằng hắn sẽ cắt cổ Riley nếu ông bịa chuyện.

Sa mạc Sahara. Ảnh: Flickr

Thành phố Swearah cách họ hàng trăm dặm nên đoàn người phải di chuyển suốt một tháng để tới đó. Trong quá trình di chuyển trọng lượng cơ thể của Riley giảm hơn một nửa. Những người Mỹ buộc phải uống nước tiểu của lạc đà để tồn tại. Khi đoàn gần tới thành phố, tên Hament bắt thuyền trưởng Riley viết một lên một tờ giấy để nhắn cho “người bạn” của ông. Trong tâm trạng tuyệt vọng, ông đã ghi địa chỉ của các lãnh sự quán Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Mỹ và kêu gọi họ chuộc ông cùng các thủy thủ đoàn. Thật may mắn, lãnh sự quán Anh nhận được một trong số những lời nhắn đó và một cuộc thương lượng nhằm trả tự do cho những người đàn ông Mỹ đã diễn ra. Sau khi trở về Mỹ, năm 1817, ông viết cuốn sách kể về chuyến giao thương ly kỳ trên sa mạc.

Sáng tác thơ khi lạc giữa sa mạc

Ed Rosenthal – một người làm vườn, nhà báo, nhà xuất bản nổi tiếng người Mỹ - đã nhiều lần đi bộ qua quãng đường 6,5 km qua sa mạc Mojave, bang California. Tuy nhiên, trong chuyến hành trình vào tháng 9/2010, ông đã lạc đường do rẽ vào một hẻm núi rồi lại tiếp tục tạt sang một hẻm núi khác.

“Lúc ấy tôi không hiểu sao tôi lại làm vậy”, ông thừa nhận trong một cuộc họp báo sau khi thoát nạn.

Vì không đem theo nước uống, Rosenthal đành hút nước đọng lại trên cây. Sau vài ngày, tâm lý bỏ cuộc xuất hiện và ông bắt đầu viết “chúc thư” lên mũ. Trong giây phút tuyệt vọng, ông đã sáng tác thơ và viết lời nhắn nhủ cho gia đình về nguyện vọng tổ chức tang lễ sau khi ông chết. Sau đó ông cầu Chúa ban mưa và mưa xuất hiện.Vào ban đêm, ông ra hiệu cho mọi người bằng cách đốt lửa nhưng vô ích. Tới ngày thứ sáu, ông ngã xuống một hẻm núi và không còn hy vọng sống sót. May mắn thay, một chiếc trực thăng cứu hộ phát hiện ra Rosenthal và đưa ông tới bệnh viện. Sau chuyến đi đó, ông quyết định từ bỏ sở thích đi bộ đường dài.

Phi đội máy bay gặp nạn vì hết nhiên liệu

Noel St Malo Juul là một thợ máy trên phi cơ chiến đấu của Không quân Nam Phi trong Thế chiến thứ hai. Vào ngày 4/5/1942, anh cùng 11 người khác lên ba phi cơ trong căn cứ ở thành phố Kufra, Libya để thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Sau vài giờ, họ trở về căn cứ với lượng nhiên liệu khá ít ỏi trong mỗi máy bay. Sai lầm đầu tiên của họ là không để ý phương hướng của căn cứ nên cả phi đội lạc đường. Chẳng bao lâu sau, cả ba máy bay buộc phải đáp xuống sa mạc vì nhiên liệu cạn kiệt.

Sau một đêm, nhóm dồn hết nhiên liệu cho một phi cơ để nó bay về nhiều hướng trong khoảng 30 phút. Mọi người nghĩ rằng họ sẽ tìm thấy căn cứ một cách nhanh chóng. Vì thế họ uống tới 75 lít nước ngay trong hôm đầu tiên. Thế nhưng chiếc máy bay kia không thể tìm thấy căn cứ và đương nhiên xăng của nó cũng cạn. Tới ngày thứ ba, nhóm không còn giọt nước nào để uống và họ cuống quýt tìm chất lỏng để chống cơn khát. Họ đập những la bàn rồi uống dung dịch bên trong. Đó là hành động sai lầm, bởi dung dịch trong la bàn là methanol - một chất rất độc.

Vị trí ba máy bay chiến đấu của Không quân Nam Phi rơi giữa sa mạc Libya. Ảnh: fjexpeditions.com

Để chống chọi thời tiết nóng nực, họ dùng các bình cứu hỏa trên máy bay để phun vào người. Họ cảm thấy mát trong vài giây, nhưng ngay sau đó chất chống cháy gây nên những vết thương hở trên da khiến họ cảm thấy đau đớn. Ngày hôm sau cả nhóm bắt đầu chết dần. Người đầu tiên tự sát bằng súng vì không thể chịu nổi sự đau đớn trong dạ dày do chất methanol trong la bàn gây nên. 5 người chết trong buổi sáng tiếp theo. Những người còn lại lần lượt chết vì mất nước và các vết thương.

Sau 8 ngày, máy bay cứu hộ đã phát hiện ra ba phi cơ xấu số. Noel là người duy nhất trong số 12 thành viên của phi hành đoàn còn sống. Cho tới nay, các ngôi mộ của những phi công đã tử nạn, những chiếc máy bay và thậm chí thức ăn của họ vẫn còn ở sa mạc.

Bị ném ra giữa sa mạc vì không chịu chia rượu

Mọi chuyện diễn ra thật tồi tệ với Ricky Gilmore, một người đàn ông 49 tuổi tại thành phố Newcomb, bang New Mexico, Mỹ, khi ông đi nhờ ô tô một cặp vợ chồng để tới một thị trấn gần đó vào năm 1995. Sau khi Gilmore từ chối chia rượu cho hai người kia, gã đàn ông trong xe ô tô tóm chân của ông và đẩy ông ra giữa sa mạc. Vì hai chân liệt sau tai nạn xe hơi vài năm trước nên Gilmore không còn sự lựa chọn nào khác là dùng tay để di chuyển cơ thể.

Ông Ricky Gilmore cầm chiếc quần mà ông mặc khi ông gặp nạn giữa sa mạc. Ảnh: AP

Giữa sa mạc nóng bức, người đàn ông tội nghiệp đã  di chuyển khoảng 6,5 km theo cách đó trong tình trạng không có thức ăn hay nước uống. Hai ô tô di chuyển gần Gilmore, nhưng người lái chỉ bóp còi rồi phóng tiếp. Tới ngày thứ ba, một người lái xe dừng lại để giúp Gilmore. Lúc đó, tình trạng của Gilmore thật tồi tệ. Thân nhiệt giảm tới 34,5 độ C, thận hư hại, máu nhiễm trùng, lớp da trên chân và mông không còn nguyên vẹn, quần áo rách nát. 19 năm sau, Gilmore cho biết, bây giờ là thời điểm thích hợp để ông dừng hồi tưởng về những ký ức kinh hoàng đó.

Ông lão 84 tuổi lạc đường

Đầu năm 2011, sau khi rời khỏi quán ăn yêu thích, Hank Morello,, một cư dân 84 tuổi tại bang Arizona, Mỹ, nhận ra rằng ông lạc đường tới sa mạc Arizona. Khi ông cố gắng quay lại, chiếc ô tô trượt xuống một khe núi. Ông không mang theo nước và không thể nhận tín hiệu điện thoại trước khi pin cạn kiệt. Nhiệt độ tại sa mạc Arizona vào tháng hai chỉ ở ngay trên mức đóng băng. Morello quyết định ngồi trong xe ô tô. Ông đã phải uống nước đọng trên kính chắn gió của ô tô vì quá khát. Sau 5 ngày mắc kẹt ở khe núi, một nhóm người leo núi đã tìm thấy Morello trong trạng thái khỏe mạnh một cách đáng ngạc nhiên. Chất lỏng trên kính chắn gió chứa methanol - một chất độc mà theo một nhà nghiên cứu cho biết, người uống chất lỏng này có thể ốm, thậm chí sẽ mù mắt chỉ trong vài ngày. Như vậy, Morello quả là một người may mắn.

10 trường hợp sống sót thần kỳ giữa sa mạc (kỳ 1)

Một cảnh sát Italy uống nước tiểu và máu dơi khi lạc giữa sa mạc trong 9 ngày, còn một lính cứu hỏa Mỹ uống bùn và ăn hoa khi rơi vào cảnh tương tự.

Hải Anh (theo Listverse)

Bạn có thể quan tâm