Lính cứu hỏa ăn hoa và uống bùn để sống
Với mong muốn khám phá nét linh thiêng của chốn hoang vu, lính cứu hỏa Robert Bogucki tới từ bang Alaska, Mỹ, đã chọn sa mạc cát Great Sandy Desert, nơi trú ngụ của giống chó hoang Dingo và loài rắn độc địa Autralia, là nơi để anh thực hiện cuộc hành trình. Bogucki bắt đầu chuyến leo núi và lái xe đạp hàng trăm km qua sa mạc cát vào ngày 11/7/1999. Đúng 15 ngày sau, một nhóm khách du lịch tìm thấy chiếc xe đạp của anh trên đường mòn cùng dấu chân dẫn tới sa mạc.
Ảnh minh họa: Listverse |
Cảnh sát đã mở một chiến dịch tìm kiếm nhưng không thấy dấu vết của người lính cứu hỏa. Sau 12 ngày, họ đưa ra hai giả thuyết, Bogucki đã quay trở về hoặc đã chết. Tuy nhiên, cha mẹ anh đã thuê một chiếc trực thăng riêng để tiếp tục quá trình tìm kiếm người con trai mất tích. Cuối cùng, họ cũng tìm thấy Bogucki sau 43 ngày anh lang thang tại sa mạc. Bogucki đã ăn hoa và uống bùn để tồn tại. Ngoài việc cân nặng giảm 20 kg, cơ thể anh chỉ hứng chịu một vài vết trầy xước và da không hề cháy nắng hay phồng rộp.
Ngồi cạnh các tử thi trong xe tải
Với 80% diện tích thuộc sa mạc Sahara, Nigeria là một trong số những nước nghèo và thưa dân nhất trên thế giới. Hằng năm, nhiều người dân Nigeria tìm cách di cư đến các nước láng giềng như Libya hay Algeria với hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đa số họ gia nhập các băng nhóm buôn người. Vào tháng 10/2013, xe tải chở một nhóm gồm hơn 100 người Nigeria tới Algeria mắc kẹt giữa sa mạc vì hết xăng. Những kẻ buôn người lái chiếc xe thứ hai để rời khỏi sa mạc và hứa hẹn sẽ quay trở lại để giúp đỡ. Nhưng chúng không quay lại. 92 người đã chết. Hơn một nửa số đó là trẻ em.
Ảnh minh họa: Listverse |
Một trong số những người sống sót sau cuộc hành trình dài trên sa mạc Sahara là cô bé Shafa, 14 tuổi. Chiếc xe tải chở Shafa hỏng, nước uống cạn dần trong vòng 4 ngày. Nhiều người đã chết và những người còn lại bị nhồi nhét vào phía sau xe với các xác chết. Khi tới trạm kiểm soát của lực lượng an ninh Algeria, những kẻ buôn lậu cảm thấy hoảng sợ. Chúng lái xe chở những người nhập cư trở lại Nigeria và bỏ rơi họ giữa đường. Trong hai ngày tiếp theo, Shafa cùng mẹ và hai em gái không có thức ăn, nước uống. Hai em gái của Shafa không thể cầm cự và đã chết. Sau đó, mẹ cô bé cũng qua đời. May mắn đã mỉm cười với Shafa khi một chiếc xe ô tô đã dừng lại và cho cô bé thức ăn và nước uống. Cuối cùng, cô bé đã sống sót trở về làng sau những ngày kinh hoàng trên sa mạc.
4. Người tự kỷ ăn ếch và rác
Vào một ngày trong tháng 6/2012, William LaFever, một người mắc chứng tự kỷ, quyết định đi bộ trên con đường dài 144 km, dọc theo sông Escalante, phía nam Utah để tới bang Arizona, Mỹ cùng với con chó của anh ta. Tuy nhiên, cuộc hành trình đã không diễn ra theo kế hoạch. LaFever hết lương thực và con chó của anh ta cũng rời bỏ chủ nhân. Người đàn ông 28 tuổi đã lạc ở sa mạc trong 3 tuần. Anh ta đã uống nước sông Escalante, bắt ếch và nhặt rác để ăn. Trong những ngày cuối cùng, LaFever đã ngủ ở bờ sông vào ban đêm và tắm vào ban ngày để làm mát cơ thể.
Anh William LaFever. Ảnh: Listverse |
Dựa vào những thông tin trong các vụ tìm kiếm người mất tích mắc chứng tự kỷ, cảnh sát biết rằng nạn thường có xu hướng tới gần những nơi có nước. Cảnh sát đã điều động máy bay trực thăng tới sông Escalante để tìm kiếm LaFever. Thật may mắn, họ đã phát hiện anh ta đang nằm trên bờ sông và cơ thể tiều tụy tới mức anh ta không thể đưa tay vẫy mọi người. Cảnh sát cho biết, mọi nỗ lực cứu chữa sẽ trở nên vô ích nếu họ đến chậm một tiếng.
Uống nước tiểu và máu dơi
“Marathon des Sables” hay “Marathon trên cát” là một trong số những cuộc đua khắc nghiệt nhất trên thế giới. Trong 7 ngày thi đấu, thí sinh phải vượt qua lộ trình hơn 250 km xuyên qua sa mạc cát Sahara, phía nam Morocco, châu Phi. Các vận động viên đều phải đối mặt với sự khốc liệt của sa mạc nhưng có lẽ chưa ai trong số họ rơi vào hoàn cảnh khủng khiếp như Mauro Prosperi, một cảnh sát Italy. Trong cuộc đua vào năm 1994, Prosperi lạc đường trong bão cát và lang thang trên sa mạc trong 9 ngày.
Ảnh minh họa: Listverse |
Để tồn tại giữa sa mạc, viên cảnh sát đã uống nước tiểu của chính ông và máu của những con dơi mà ông tìm thấy trong ngôi đền Hồi giáo cũ. Ông đã nhiều lần từ bỏ hy vọng sống và viết lời nhắn nhủ cho vợ trên mẩu than. Thậm chí ông còn tự sát bằng cách cắt cổ tay nhưng không thành công. Trong 5 ngày, viên cảnh sát đã đi qua những bãi cát hướng về phía dãy núi với hy vọng sẽ tìm thấy nước uống. Cuối cùng, một gia đình du mục đã tìm thấy Prosperi và đưa ông tới một căn cứ quân sự Algeria gần đó. Cuộc hành trình 300 km đầy gian nan của Prosperi kết thúc và trọng lượng cơ thể ông giảm 18 kg. 4 năm sau, ông trở lại cuộc thi nhưng vẫn chưa thể chinh phục những thử thách khắc nghiệt tại sa mạc.
Bệnh nhân tiểu đường gãy chân khi lạc giữa sa mạc
Tháng 4/2012, những điều tồi tệ nhất tưởng chừng đã xảy ra đối với Victoria Grover, 59 tuổi, khi cô mắc kẹt tại sa mạc Utah, Mỹ trong chuyến đi bộ đường dài. Chân Grover gãy khi cô nhảy xuống một mỏm đá nhỏ. Cô phải dùng gậy và khăn để nẹp chân và chỉ có thể di chuyển xung quanh chỗ ngồi bằng cách kéo lê người. Grove không có thức ăn và mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vì cô mắc bệnh tiểu đường loại 2. Nhiệt độ ban đêm vào thời điểm đó có thể ở dưới mức đóng băng. Cô chỉ ngủ vào ban ngày và thu người vào chiếc áo choàng để tránh gió vào ban đêm. Graver có thể nhặt củi để sưởi trong hai ngày đầu tiên. Tới đêm thứ ba, chiếc chân gãy khiến Grover quá đau đớn và chỉ nằm một chỗ.
Ảnh minh họa: Listverse |
Người ta đã tìm thấy Grover vào ngày thứ tư trong trạng thái thân nhiệt giảm mạnh. Các phi công cùng vận động viên leo núi nổi tiếng Aron Ralston trong bộ phim “127 giờ” đã đưa Graver tới bệnh viện. Sau chuyến đi, Grover trở nên nổi tiếng với câu chuyện về sự sống sót sau nhiều ngày mắc kẹt giữa sa mạc.