Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 thương vụ bất động sản đình đám năm 2015

2015 là năm các ông lớn bất động sản tìm kiếm và thực hiện nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập, thâu tóm vị trí “đất vàng” tại những khu vực trung tâm đô thị.

Thị trường bất động sản năm 2015 đã có nhiều tín hiệu khả quan. Số lượng giao dịch tăng lên tại nhiều phân khúc, trong khi giá cũng tương đối ổn định. Theo thống kê của 60 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, tổng doanh thu năm 2015 tăng trưởng 13%, đạt hơn 37.400 tỷ đồng. 

Năm 2015 cũng nổi lên những thương vụ mua bán, thâu tóm lớn trên thị trường địa ốc. 

1. Lotte thâu tóm Diamond Plaza

Sau 15 năm hoạt động, tháng 3/2015, Diamond Plaza đã đổi chủ khi được Tập đoàn Lotte đã mua lại 70% cổ phần từ Posco. Giá trị của thương vụ trên không được hai bên tiết lộ.

Diamond Plaza là tòa cao ốc gồm 22 tầng, tọa lạc ở góc đường Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thạch, nằm phía sau lưng Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, ngay trung tâm TP HCM. Đây là một tổ hợp thương xá, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp có vị trí đắc địa bậc nhất TP HCM.

Một trong những thương vụ thâu tóm đình đám của năm 2015 song giá trị không được tiết lộ. 

Diamon Plaza là dự án thuộc liên doanh Tổng công ty Xây dựng số 1 và Posco Engineering & Construction Co. (POSEC) thuộc Tập đoàn Posco. Công trình được khánh thành tháng 8/2000 với vốn đầu tư ban đầu khoảng 60 triệu USD.

2. Sacomreal và Thành Thành Công chuyển nhượng Celadon City cho Gamuda Land

Tháng 6/2015, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) và CTCP Đầu tư Thành Thành Công đã quyết định chuyển nhượng Dự án khu đô thị Celadon Citycho Gamuda Land Việt Nam. Tổng giá trị hợp đồng khoảng 1.400 tỷ đồng.

Gamuda Land đã mua lại dự án từ tay Sacomreal. Ảnh: G.L. 

Dự án có tổng diện tích hơn 82,5 ha, nằm ở phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP HCM với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 24.758 tỷ đồng.

Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng. Công ty này được thành lập bởi liên doanh giữa Sacomreal và Gamuda Land – tập đoàn phát triển bất động sản hàng đầu của Malaysia.

3. Vingroup thâu tóm dự án 32 ha Mễ Trì

Ngày 30/11, Tập đoàn Vingroup đã nhận chuyển nhượng 56,02 triệu cổ phần, chiếm 67,17% vốn điều lệ Công ty cổ phần Phát triển Thể thao và Giải trí Mễ Trì.

Công ty này có trụ sở tại số 7 Đại lộ Thăng Long, Hà Nội, là đơn vị được giao phát triển dự án “Khu chức năng chính là cây xanh, hồ điều hòa và một phần công trình công cộng kết hợp nhà ở” trên khu đất có quy mô 32,1 ha tại Mễ Trì.

Vingroup thâu tóm Dự án 32 ha Mễ Trì.

Vingroup thâu tóm Dự án 32 ha Mễ Trì.

Khu đất có vị trí ngay gần Trung tâm hội nghị quốc gia, phía Bắc giáp Đại lộ Thăng Long, phía Đông Bắc giáp đường quy hoạch và tòa nhà Viglacera, phía Đông Nam giáp hồ điều hòa và khu đô thị mới Phùng Khoang, phía Tây Nam giáp đường Lương Thế Vinh, khu Đài Phát sóng phát thanh Mễ Trì và dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Theo một số thông tin, giá trị của thuơng vụ này là hơn 560 tỷ đồng.

4. Chi 500 tỷ đồng mua lại dự án Flora Anh Đào

Sau quá trình đám phán, hai tập đoàn phát triển bất động sản của Nhật Bản là Hankyu Reatly và Nishi Nippon Railroad đã “bắt tay” với Công ty BĐS Nam Long mua lại toàn bộ dự án Flora Anh Đào.

Thương vụ thực hiện thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ của Công ty Nguyên Phúc - chủ đầu tư của dự án Flora Anh Đào, với tổng chi phí phát triển dự án khoảng 500 tỷ đồng.

Dự án Flora Anh Đào. Ảnh: A.Đ.

Dự án Flora Anh Đào tọa lạc ở phường Phước Long B, quận 9, TP HCM, được xây dựng trên khuôn viên 1,1 ha, cao 16 tầng gồm 500 căn hộ. Dự án này là một phiên bản nâng chuẩn của EHome về mọi khía cạnh quan trọng của Bất động sản như vị trí đắc địa hơn, môi trường sống tốt hơn, vật liệu sử dụng chất lượng cao hơn và dịch vụ cung cấp đầy đủ hơn.

5. Indochina Land chuyển nhượng 4 dự án cho Gaw Capital Partners

Tháng 5/2015, Indochina Land, công ty thành viên của Indochina Capital đã thông báo hoàn tất thương vụ bán lại 4 trong số 12 dự án mà quỹ Indochina Land Holdings 2 đã đầu tư ban đầu. Đó là Indochina Plaza Hanoi, Hyatt Regency Danang và 2 dự án đang phát triển khác tại Quảng Nam và TP HCM. Tổng giá trị chuyển nhượng 4 dự án trên là khoảng 106 triệu USD.

Indchina Plaza Hanoi. Ảnh: IDCN.

Indochina Plaza Hanoi là khu tổ hợp căn hộ, văn phòng, thương mại nằm trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, gồm một cao ốc văn phòng 16 tầng và 2 tòa tháp căn hộ 31 và 35 tầng. Trong khi đó, Hyatt Regency Danang là khu nghỉ dưỡng tại bãi biển Đà Nẵng, gồm 3 hạng mục: khu khách sạn 5 sao, 180 căn hộ và 27 căn biệt thự hạng sang.

6. Văn Phú Invest đầu tư vào 1,5 ha đất “kim cương” 138B Giảng võ

Tháng 7/2015, Văn Phú Invest đã ký hợp đồng với Bộ Y tế về việc xây dựng mới Đại học Y tế cộng cộng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Khu đất mặt tiền phố Giảng Võ được mệnh danh là đất "kim cương". 

Để triển khai dự án này, từ tháng 4/2015 Văn Phú Invest đã lập Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Văn Phú - Giảng Võ. Theo đó, đơn vị này sẽ bỏ ra gần 644 tỷ đồng để xây dựng Đại học Y tế cộng cộng mới tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đổi lại, Văn Phú Invest sẽ là Chủ đầu tư triển khai dự án trên khu đất được đánh giá là “kim cương” tại mặt tiền số 138B phố Giảng Võ, Hà Nội.

Khu đất trên có diện tích khoảng 15.600 m2 do Đại học Y tế Công cộng quản lý và được đánh giá là mảnh đất “kim cương”. Vị trí của địa điểm này khá đắc địa tại trung tâm nội đô tại ngã 3 phố Núi Trúc và Giảng Võ sát với ga tàu điện ngầm (Cát Linh). Khu đất có diện tích đủ lớn để phát triển một dự án bất động sản cao cấp.

7. Nhà Khang Điền thâu tóm CTCP Xây dựng Bình Chánh

Cuối tháng 11/2015, CTCP Nhà Khang Điền (KDH) quyết định mua thêm 32 triệu cổ phiếu của CTCP Xây dựng Bình Chánh (BCI) để nâng sở hữu tại đây lên 57,3% vốn điều lệ và chính thức sở hữu BCI như là một công ty con của KDH. Số tiền bỏ ra là gần 800 tỷ đồng.

CTCP Xây dựng Bình Chánh gắn liền với sự nghiệp của đại gia Trầm Bê. Ảnh: B.C.

BCI được biết tới như một doanh nghiệp có quỹ đất lớn nhất nhì TP HCM và hiện đang là chủ đầu tư các dự án bất động sản lớn. Nhiều thông tin cho rằng, với việc thâu tóm thành công BCI, Khang Điền đang có kế hoạch thực hiện một bước tiến lớn trong việc đầu tư các dự án tại khu vực phía Tây Nam TP.HCM.

8. Hoành Sơn hợp tác Cao su Sao vàng triển khai dự án tại khu đất vàng 231 Nguyễn Trãi

Sau khi Hà Nội có chủ trương di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm, nhà máy ra khỏi khu trung tâm nội đô, mảnh đất 6,2 ha tại 231 Nguyễn Trãi của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng đã được rất nhiều đại gia bất động sản nhòm ngó và đánh tiếng muốn được sở hữu.

Dự đoán là Cao su Sao vàng sẽ chuyển nhượng hoặc hợp tác với một tập đoàn lớn nào đó như Vingroup, FLC Group, T&T, BRG để triển khai dự án trên. Tuy nhiên, tháng 11/2015, đơn vị này đã ký kết hợp đồng với CTCP Tập đoàn Hoành Sơn để triển khai “Khu phức hợp Thương mại – Nhà ở Cao su Sao Vàng”.

Mảnh đất vàng 231 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) không rơi vào tay các đại gia bất động sản đình đám ở Việt Nam. Ảnh: SRC.

Theo đó, hai bên sẽ thành lập Công ty dự án là CTCP Sao Vàng – Hoành Sơn với vốn điều lệ dự kiến 1.673 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Hoành Sơn là ông Phạm Hoành Sơn, sinh năm 1972 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nhân vật này khá xa lạ với giới đầu tư dù công đã triển khai nhiều dự án nghìn tỷ tại Miền Trung.

9. Sông Đà Thăng Long chuyển nhượng một phần Usilk City cho Hải Phát Thủ Đô

Sau nhiều lần thất hứa việc bàn giao nhà cho khách hàng, năm 2015, Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long đã chuyển nhượng tòa CT2-105 Khu đô thị mới Văn Khê (Usilk City) cho Công ty cổ phần Hải Phát Thủ Đô với giá trị vào khoảng 50 tỷ đồng. CT2-105 là một block có 2 tầng hầm và 50 tầng nổi với 752 căn hộ.

Usilk City đã được chuyển nhượng một phần cho đơn vị khác. Ảnh: TP.

Usilk City là dự án tổ hợp căn hộ có quy mô khá lớn trên địa bàn quận Hà Đông do Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư. Dự án này gồm 13 toà nhà cao tầng hiện đại từ 25 đến 50 tầng với 2.700 căn hộ với tổng diện tích sàn trên 553.000 m2, diện tích tầng hầm trên 113.000 m2. Được xây dựng trên khu đất 9,2 ha trải dài khoảng 1 km đường Lê Văn Lương kéo dài thuộc Văn Khê, tổng mức đầu tư dự án khoảng 10.000 tỷ đồng.

Khởi công xây dựng từ năm 2009 nhưng dự án này nhiều lần trễ hẹn. Hiện tại, khách mua nhà vẫn chưa được bàn giao. Việc chuyển nhượng một phần cho đơn vị khác là tín hiệu vui cho những khách hàng đã trót đổ tiền vào dự án trên.

10. SCIC thoái vốn tại Khách sạn Kim Liên

Với chủ trương thoái vốn đầu tư của nhà nước tại các lĩnh vực không cần thiết, tháng 11/2015 Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thông báo sẽ đấu giá cả lô cổ phần là 3,6 triệu cổ phiếu tại CTCP Du lịch Kim Liên. Giá khởi điểm là 30.600 đồng một cổ phần, tương đương 112 tỷ đồng.

Khách sạn Kim Liên được bán với giá gần 1.000 tỷ đồng. Ảnh: Mạnh Thắng.

Khu đất tọa lạc khách sạn Kim Liên có diện tích 3,5 hecta, được coi là “đất vàng” do nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Phiên đấu giá thu hút nhiều đại gia tổ chức và cá nhân tham gia. Người thắng đã phải bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng, gấp 9 lần mức chào bán, để sở hữu số cổ phần nói trên.












Phương Diệp (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm