10 thương hiệu mất giá nhất năm 2012
BlackBerry, Nokia, Yahoo... nằm trong danh sách những thương hiệu mất giá lớn nhất trong năm 2012 theo thống kê của 24/7 Wall St.
10. Dell
Giá trị thương hiệu giảm sút: 9%
Giá trị thương hiệu: 7,6 tỷ USD
Công ty mẹ: Dell Inc.
Giá trị thương hiệu của Dell đã liên tục giảm sút trong suốt 4 năm qua do tập đoàn này quyết định chuyển từ kinh doanh dòng máy tính để bàn sang các dịch vụ công nghệ thông tin, một chiến lược mà đối thủ Hewlett-Packard cũng thử sức song không mấy thành công. Năm 2012, thương hiệu Dell đã được Interband định giávào khoảng 7,6 tỷ USD, con số thấp kỷ lục đối với thương hiệu máy tính hàng đầu của Mỹ và thế giới, từng rất quen thuộc với mọi người.
Tuy vẫn giữ vị trí một trong những nhà sản xuất máy tính để bàn lớn nhất thế giới song số lượng PC xuất xưởng trong quý 2 năm nay đã giảm 11,5% so với năm ngoái. Không những thế, Dell còn phải xoay xở chật vật để cho ra đời dòng điện thoại thông minh của hãng. Hồi tháng 3 vừa qua, Dell cũng đã ngừng cung cấp dòng smartphone Venue Pro và Venue tại Mỹ.
9. Thomson Reuters
Giá trị thương hiệu giảm sút: 11%
Giá trị thương hiệu: 8,4 tỷ USD
Công ty mẹ: Thomson Reuters Corp.
Thomson Reuters từng được biết đến như một con át chủ bài trên thị trường tài chính, song vị trí này thuộc về đối thủ cạnh tranh Bloomberg vài năm trở lại đây.
Mặc dù để tuột mất thị phần về tay Bloomberg song theo Interband, Thomson Reuters vẫn tiếp tục dẫn đầu thị trường trong các lĩnh vực như cơ sở dữ liệu tra cứu dành cho các hãng luật hay cơ sở dữ liệu Checkpoint phục vụ các công ty chuyên về thuế và kế toán.
8. Honda
Giá trị thương hiệu giảm sút: 11%
Giá trị thương hiệu: 17,3 tỷ USD
Công ty mẹ: Honda Motor Company
Hậu khủng hoảng, giá trị thương hiệu của ngành công nghiệp ô tô thế giới đã bắt đầu phục hồi từ mức 128 tỷ USD năm 2010 lên tới 160 tỷ USD năm 2012. Tuy nhiên, sự tăng trưởng trở lại về giá trị thương hiệu của những nhà sản xuất ô tô hàng đầu này không có tên hai “ông lớn” Honda và Kia. Năm 2012, giá trị thương hiệu của Honda chỉ ở mức 17,3 tỷ USD, mức thấp kỷ lục kể từ năm 2006 và kém đối thủ cạnh tranh Toyota Motor Corp. tới 13 tỷ USD.
Có thể thấy những sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của con người như trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản và lũ lụt ở Thái Lan đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất và nhà cung cấp của Honda. Tuy nhiên, chính hãng này cũng có những động thái làm ảnh hưởng trực tiếp tới thương hiệu, trong đó có nhiều đợt thu hồi xe do lỗi kỹ thật trong những năm trở lại đây.
7. MTV
Giá trị thương hiệu giảm sút: 12%
Giá trị thương hiệu: 5,6 tỷ USD
Công ty mẹ: Viacom Inc.
Nhìn vào hoạt động của MTV những năm gần đây, hẳn không ít người tự hỏi liệu âm nhạc có còn là một phần quan trọng của MTV nữa hay không, khi mà kênh truyền hình này tiếp tục thử nghiệm những nội dung chi phí thấp và bỏ quên cái gốc âm nhạc xuyên suốt 30 năm qua. Ngay cả những chương trình chủ đạo của MTV cũng có những thay đổi bất thường. Jersey Shore, show truyền hình được yêu thích nhất trong lịch sử MTV đã chứng kiến sự sụt giảm về lượng người xem từ đầu năm 2011 và chính thức chấm dứt sau Season 6 ra mắt vào ngày 4/10. Trong khi đó, lượng người xem chương trình MTV Movie Awards hồi tháng 6 vừa qua cũng giảm tới 29% so với năm ngoái.
6. Citi
Giá trị thương hiệu giảm sút: 12%
Giá trị thương hiệu: 7,6 tỷ USD
Công ty mẹ: Citigroup Inc.
Sau 5 năm liên tiếp luôn nằm trong tình trạng giảm sút, giá trị thương hiệu của Citi năm 2012 chỉ còn dưới 1/3 so với mức kỷ lục 23,4 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị những thương hiệu như J.P. Morgan Chase & Co. và những ngân hàng tên tuổi khác đã tăng đều đặn trong hai năm trở lại đây. Hàng loạt vụ kiện về vai trò của tập đoàn tài chính số một Hoa Kỳ trong cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp đã khiến chỗ đứng của Citi trên thị trường thêm lung lay. Thêm vào đó, việc nhận khoản cứu trợ tài chính trị giá 45 tỷ USD từ Bộ Tài chính Mỹ và không vượt qua bài kiểm tra khả năng tồn tại trong khủng hoảng của ngân hàng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng của Citi.
5. Yahoo
Giá trị thương hiệu giảm sút: 13%
Giá trị thương hiệu: 3,9 tỷ USD
Công ty mẹ: Yahoo Inc.
Năm vừa qua, sự kiện Yahoo sa thải Scott Thompson do hành vi gian lận hồ sơ cá nhân đã trở thành tâm điểm của dư luận. Mặc dù tập đoàn này cuối cùng cũng đã tìm được Marissa Mayer, người có thể trụ vững lâu dài trên chiếc ghế nóng CEO, song động thái này cũng không giúp cho sự thay đổi về giá trị thương hiệu của Yahoo diễn ra dễ dàng.
Trong vài năm trở lại đây, Yahoo đã để tuột mất thị phần mảng quảng cáo trực tuyến về tay Google và Facebook. EMarketer mới đây đã đưa ra dự đoán mức doanh thu từ hoạt động quảng cáo của Yahoo chỉ đạt 9,3% trong năm 2012, trong khi đó còn số này đối với Google và Facebook lần lượt là 15,4% và 14,4%.
4. Moët & Chandon
Giá trị thương hiệu giảm sút: 13%
Giá trị thương hiệu: 3,8 tỷ USD
Công ty mẹ: LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton
Giá trị thương hiệu của sâm banh Moët & Chandon – một trong nhiều nhãn hiệu của Tập đoàn số 1 thế giới LVMH chuyên kinh doanh hàng xa xỉ đã giảm sút hơn 500 triệu USD trong năm vừa qua. Nguyên nhân của sự suy giảm này là do Moët & Chandon quá tập trung vào việc mở khách sạn và tour du lịch thế giới. Nhằm khôi phục lại thương hiệu, Moët & Chandon mới đây đã kí hợp đồng tài trợ với giải đua thuyền lớn nhất thế giới American’s Cup.
3. Nokia
Giá trị thương hiệu giảm sút: 16%
Giá trị thương hiệu: 21 tỷ USD
Công ty mẹ: Nokia Corp.
2012 là một năm khó khăn đối với Nokia khi mà giá trị cổ phiếu của tập đoàn đã giảm hơn một nửa. Tháng 6 vừa qua, Nokia thậm chí còn phải tuyên bố cắt giảm 10.000 việc làm để bảo toàn lượng tiền mặt. Nokia đặt cược niềm tin của hãng sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới vào hệ điều hành Microsoft Window bằng việc cho ra mắt dòng smartphone Lumia không mấy ấn tượng đối với các nhà đầu tư. Nhà phân tích Mark Sue thuộc Ngân hàng RBC cho hay, trong khi thế giới đang sử dụng các thiết bị di động phiên bản 4, 5 và 6 thì Nokia vẫn đang chật vật đi lên từ con số 1.
2. Goldman Sachs
Giá trị thương hiệu giảm sút: 16%
Giá trị thương hiệu: 7,6 tỷ USD
Công ty mẹ: Goldman Sachs Group Inc.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, Goldman Sachs cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do có liên quan đến việc bán lỗ nợ của các công ty và bị cáo buộc nhúng tay vào cuộc khủng hoảng nợ ngày một trầm trọng ở Hy Lạp.
Doanh thu trong nửa đầu năm 2012 của Goldman Sachs ở mức thấp kỷ lục kể từ năm 2005, chủ yếu do lượng giao dịch giảm sút. Để đối phó với tình trạng này, công ty đã phải cắt giảm chi tiêu và nhân công trong 6 tháng đầu năm.
1. BlackBerry
Giá trị thương hiệu giảm sút: 39%
Giá trị thương hiệu: 3,9 tỷ USD
Công ty mẹ: Research in Motion Ltd.
Cuối năm 2011, thất bại nặng nề với việc ra mắt máy tính bảng Playbook và cuộc cạnh tranh không khoan nhượng với iPhone của Apple và thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android của Google đã dẫn đến tình trạng giảm sút nhanh chóng về giá trị thương hiệu của BlackBerry. Theo comScore, thị phần smartphone của hãng này đã giảm từ 21,7% hồi tháng 7/2011 xuống còn 9,5% chỉ một năm sau, trong khi đó, thị phần của Apple và Google đều tăng mạnh. Tháng 6 vừa qua, RIM thông báo tập đoàn này sẽ cắt giảm gần 5.000 trong số 16.500 nhân công đang làm việc tại đây.
Hoài Thu
Theo Business Insider/Infonet