10 thiết bị quan trọng nhất trong lịch sử máy tính
Nhìn lại 40 năm phát triển máy tính cá nhân và điểm qua những cái tên quan trọng nhất trong lịch sử ngành công nghiệp này.
Máy tính cá nhân của hôm nay đã mang đến cho con người sự tiện ích và những trải nghiệm tuyệt vời. Thế nhưng, hầu hết chúng chỉ đi theo lối mòn của hai khái niệm cơ bản “nhanh hơn” và “nhỏ hơn”. Hầu hết những cú đột phá công nghệ đều là những điều đã thuộc về quá khứ.
Cùng nhìn lại lịch sử 40 năm máy tính cá nhân để xem những cái tên nào đã đặt những viên gạch vững chắc hình thành khái niệm máy tính hiện đại của hôm nay.
10. Commodore Amiga 1000
Xuất hiện vào thời điểm hầu hết các dòng máy tính có mặt trên thị trường đang dần rơi vào các lối mòn nhàm chán, chiếc Amiga đã có mặt để thổi một luồng gió mới lạ. Ra mắt năm 1985 và được bán với giá 1.295 USD (khoảng 27,3 triệu đồng), Amiga được coi là chiếc máy tính đa phương tiện thực sự đầu tiên trên thế giới. Thiết bị này được trang bị khả năng hiển thị và truyền tải âm thanh vượt trội vào thời điểm lúc bấy giờ với khả năng chạy các đoạn hoạt hình 3D hay các video chuyển động đầy đủ. Amiga đã làm được những điều vượt xa các đối thủ cùng thời.
9. Samsung Galaxy Tab 7.7
Là thiết bị trẻ tuổi nhất trong danh sách, chiếc máy tính bảng ra đời năm 2012 này dấn thân vào một thị trường khi ấy đã có quá nhiều đối thủ sừng sỏ. Điều làm Tab 7.7 nổi bật nhất chính là kích thước khá phù hợp của nó, thêm vào đó là điểm cộng cho thiết bị máy tính bảng LTE mỏng nhất trên thị trường bấy giờ. Tab 7.7 cũng là tablet đầu tiên được trang bị màn hình Super AMOLED Plus. Có thể nói một cách chủ quan, Samsung Galaxy Tab 7.7 đã đặt ra một tiêu chuẩn phát triển cho các máy tính bảng Android nói chung về sau.
8. MITS Altair 8800
Ngược lại với Galaxy Tab 8800, MITS Altair 8800 là thiết bị “già” nhất có mặt trong danh sách. Ra đời vào năm 1975, MITS Altair 8800 nổi tiếng không phải nhờ những sự đột phá công nghệ mà bởi vì sự thật rằng chính thiết bị này đã làm cho các ông lớn như Microsoft nhận ra một ngành công nghiệp máy tính trong tương lai không xa sẽ phát triển như vũ bão. Lần đầu tiên được bán thông qua các đơn đặt hàng qua thư nhờ đoạn quảng cáo trên tạp trí “Điện tử phổ thông”. Nhà sản xuất hy vọng họ có thể bán được vài trăm chiếc MITS, thế nhưng những gì họ nhận lại đã không khỏi làm người ta bất ngờ. Từ đây, ngành công nghiệp máy tính, một cách không chính thức, đã ra đời.
7. Sony VAIO 505GX
Năm 1998, Sony hứa hẹn với cả thế giới về một kỉ nguyên máy tính xách tay sắp bắt đầu với dòng máy Vaio 505GX và họ đã làm được điều đó. Việc một chiếc loa, màn hình, microphone, touchpad... tất cả được tổng hợp lại trong một thiết bị gọn nhẹ đã làm cả thế giới thay đổi quan niệm về máy tính. Vaio 505GX ra đời khiến việc trao đổi dữ liệu giữa các địa điểm trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều dù cho lúc bấy giờ Internet cũng đang “nhen nhóm” trong những ngày đầu tiên của mình. Năng suất công việc đã được tăng lên rất nhiều nhờ một trong những “ông tổ” của máy tính xách tay này.
6. Apple II
Khi Steve Wozniak thiết kế Apple II vào năm 1977, sự ra đời của nó đã đặt dấu mốc cho một thế giới máy tính khác hoàn toàn những gì người ta đã từng được trải nghiệm. Apple II cũng là hệ máy tính đầu tiên được phổ biến trong các trường học, mở ra điều kiện quan trọng để trẻ em được tiếp cận với máy tính.
5. Tandy TRS-80 Model I
Cùng thời điểm ra đời với chiếc Apple II là Tandy TRS-80 Model I của Radio Shack. Một trong những yếu tố tạo ra sự thành công của dòng máy này đó là nó cung cấp cho người dùng một hệ thống phần mềm đa dạng. Trong vòng 2 năm vào khoảng cuối những năm 70 của thế kỉ trước thuộc thời kì thăng hoa đỉnh điểm của PC, TRS-80 là thiết bị được tiêu thụ mạnh nhất trên thị trường. Nếu điều này không xảy ra, có lẽ Apple hay Commodore đã là người chiến thắng những trận chiến đầu tiên ở thị trường đầy mới mẻ này.
4. IBM PC 5150
Năm 1981, IBM PC ra đời. IBM là một cái tên lớn trong ngành công nghiệp nhưng có một điều đáng tiếc là họ đã để lỡ mất thời kì phát triển cao độ của máy tính vào những năm 1970. Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng sửa sai bằng việc mở cho mình một lối đi riêng với sự hợp tác cùng rất nhiều các nhà sản xuất thiết bị gốc. Thay vì xây dựng mọi thứ từ con số 0, họ mua lại linh kiện đơn lẻ từ nhiều hãng và tiến hành lắp ráp lại với nhau. Bằng cách này, IBM nhanh chóng vượt lên và trở thành một trong những cái tên khai sinh ra thời kì hiện đại của máy tính cá nhân.
3. Apple iPad 2
iPad đã thay đổi thế giới, nhưng có lẽ phải đợi đến chiếc iPad 2 Apple mới gần như cải tạo thành công hoàn toàn những gì người ta nghĩ về máy tính bảng. Được trang bị camera, thời lượng pin ấn tượng cùng thiết kế tinh tế chính là bàn đạp Apple thực hiện để thực sự tạo nên sự phổ biến của máy tính bảng. iPad 2 đã chứng minh cho cộng đồng công nghệ thấy tablet không phải một quả “bom xịt” như netbook. Không giống như thế hệ đầu tiên, iPad 2 vẫn có doanh số bán ra rất tốt mặc cho sau đó Apple đã tung ra thêm hai phiên bản nữa là New iPad và iPad Mini.
2. Commodore 64
Có lẽ sẽ có nhiều người hoài nghi về vị trí số 2 Commodore 64 đạt được, thế nhưng, nhận định tỏ ra công bằng bởi Commodore 64 chính là dòng máy tính cá nhân bán chạy nhất mọi thời đại. Ra mắt vào năm 1982, doanh số của Commodore 64 được ước tính nằm trong khoảng từ 12 đến 17 triệu máy. Thậm chí, nhà sản xuất dòng máy tính này 2 năm trước còn tung ra một phiên bản Commodore 64 2011 như một dấu mốc để nhớ lại thời kì hoàng kim của mình.
1. Macintosh
Nếu nhìn vào doanh số bán ra và sự đón nhận sản phẩm đơn thuần thì có lẽ Macintosh khó có thể lọt vào Top 10. Thế nhưng, những gì thiết bị này mang lại đã vượt ra ngoài những con số đơn thuần ấy, Macintosh là một tượng đài đột phá. Với sự xuất hiện của chuột và giao thức người dùng đồ họa, Macintosh 1984 của Apple đã vượt xa các đối thủ cùng thời đến từ IBM, Microsoft hay Intel.
Theo Sohanews