10 thành phố nguy hiểm nhất thế giới
Baghdad của Iraq là thành phố nguy hiểm nhất thế giới năm 2012 bởi các vụ tấn công liều chết, đánh bom xảy ra liên tục.
Mercer vừa công bố kết quả khảo sát các thành phố nguy hiểm nhất thế giới. Tổng điểm đánh giá là 39, trong đó có các yếu tố ổn định nội bộ, tội phạm, hiệu quả thực thi pháp luật, quan hệ quốc tế...
Cuộc khảo sát này được tiến hành từ tháng 12 năm ngoái. Dưới đây là 10 thành phố nguy hiểm nhất thế giới:
10. Conakry, Cộng hòa Guinea
Conakry là Thủ đô, thành phố cảng bên Đại Tây Dương và có vai trò là trung tâm văn hóa, tài chính của Guinea. Bọn tội phạm thường xuyên gây rối thành phố này. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo công dân nước họ rằng, những kẻ phạm tội ở Conakry thường nhắm vào người nước ngoài để tấn công, trong đó có người Mỹ.
Dù cảnh sát rất nỗ lực nhưng không thể ngăn cản nổi tình trạng phạm tội tăng nhanh ở Conakry. Những kẻ tội phạm thường nhắm tới các du khách tại sân bay, siêu thị, khách sạn hoặc nhà hàng thường xuyên có người nước ngoài qua lại.
9. Nairobi, Kenya
Nairobi là Thủ đô và thành phố lớn nhất của Kenya. Khủng bố là điều đáng lo ngại ở Nairobi. Gần đây, một vụ khủng bố tại nhà thờ gần trung tâm thành phố khiến một người thiệt mạng. Nhiều vụ nổ tại trung tâm thương mại hôm 10/3 làm ít nhất 6 người tử vong và nhiều người bị thương.
Hôm 23/4, Đại sứ Mỹ tại Nairobi cảnh báo, họ nhận được thông tin về một vụ đánh bom tại các khách sạn và tòa nhà chính phủ quan trọng của Kenya. Thời gian vụ tấn công không được tiết lộ nhưng phía Mỹ cho hay, kế hoạch tấn công đã ở những khâu cuối.
8. Sana’a, Yemen
Kể từ khi Mercer Survey tiến hành thăm dò ở Sana’a, tình hình an ninh của Yemen ngày càng tồi tệ do các cuộc nổi dậy chống chính phủ và sự mất ổn định mở đường cho các nhóm khủng bố. Cả bộ ngoại giao Mỹ và Anh đều cảnh báo người dân nước họ không nên đến Sana’a và thúc giục họ sớm kết thúc công việc để về nước.
Ở thành phố của Yemen này luôn rình rập nguy cơ bị bắt cóc. Hôm 15/1, một nhân viên của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc bị bắt và được thả 12 ngày sau đó.
7. Tbilisi, Georgia
Tbilisi là Thủ đô và là thành phố lớn nhất Georgia. Gần đây tình hình an ninh ở Tbilisi được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn rình rập nguy cơ bị tấn công và khủng bố ở thành phố này.
Chẳng hạn như, hồi đầu tháng 2 vừa rồi, người ta phát hiện ra một thiết bị phát nổ trong xe của một nhân viên Đại sứ quán Israel. Biểu tình cũng thường xuyên xảy ra ở Tbilisi và dễ dàng biến thành bạo lực. Khách du lịch nước ngoài được khuyến cáo không nên đến thành phố này. Bộ Ngoại giao Mỹ và Anh khuyên người dân 2 nước không nên đến khu vực miền Nam của Ossetia và Abkhazia, nơi tình trạng bạo động ở mức cao.
6. Karachi, Pakistan
Karachi là thủ phủ của tỉnh Sindh và là thành phố đông dân nhất của Pakistan. Nơi đây luôn rình rập nguy cơ cao bị tấn công. Chỉ tính riêng năm 2011 đã xảy ra một vài vụ tấn công ở đây. Bộ Ngoại giao Mỹ và Anh khuyến cao người dân nước họ không nên tụ tập đông, hạn chế di chuyển vào các ngày thứ 6 hàng tuần hoặc trong các ngày lễ Hồi giáo. Những kẻ phạm tội thường nhắm tới các nơi công cộng, đặc biệt khi có sự xuất hiện của chính quyền Pakistan.
5. Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo
Kinshasa là Thủ đô và là thành phố lớn nhất của Cộng hòa Dân chủ Congo. Đây là thành phố có tỉ lệ tội phạm rất cao. Các công dân Mỹ tiếp tục trở thành nạn nhân của các vụ tấn công. Tình trạng các băng trộm trẻ con đường phố ngày càng tăng và có động thái nguy hiểm hơn.
Một số băng nhóm còn dùng các cô gái để dụ dỗ người khác vào bẫy. Trong những năm vừa qua, chính quyền ở đây đã bắt giữ trái phép một số công dân Mỹ.
4. Bangui, Cộng hòa Trung Phi
Bangui là Thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất Cộng hòa Trung Phi. Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo người dân không nên du lịch ở Bangui vì lý do mất an toàn. Hồi đầu tháng 6 năm ngoái, tại đây bùng phát bạo lực khiến thành phố phải thực hiện lệnh giới nghiêm. Gần đây, một số người châu Âu cũng bị tấn công trong khu vực thành phố.
Nơi đây từng xảy ra một số trường hợp công dân Mỹ bị bắt và giam giữ trong điều kiện khắc khổ. Có khi còn chuyển tù nhân Mỹ mà không hề thông báo cho Đại sứ quán Mỹ.
3. Abidjan, Bờ Biển Ngà
Abidjan là thành phố nằm ở Đông Nam của Bờ Biển Ngà, là Thủ đô, cảng chính và là thành phố lớn nhất quốc gia này. Tình hình an ninh của thành phố Abidjan được cải thiện nhiều kể từ khi cựu Tổng thống Laurent Gbagbo bị bắt hôm 11/4 và ông Alassane Ouattara lên thay. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ vẫn rất lo ngại cho công dân của họ ở thành phố này.
Các vụ trộm, cướp xảy ra ở thành phố này có thể nguy hiểm cho du khách nước ngoài. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát hoạt động kém hiệu quả cũng là vấn đề cần quan tâm. Chính phủ Anh, Mỹ khuyến cáo công dân nước họ không nên tụ tập đông, không tham gia vào các cuộc biểu tình chính trị để tránh mất an toàn.
2. N’Djamena, Chad
N’Djamena là Thủ đô và thành phố lớn nhất Tchad. Đây cũng là trung tâm văn hóa, hành chính và kinh tế toàn quốc, chủ yếu là nơi mua bán gia súc, muối, chà là và ngũ cốc. Dù không có rào cản du lịch nào cho khách nước ngoài tới Thủ đô của Chad nhưng chính phủ Anh, Mỹ vẫn khuyến cáo người dân nước họ không nên đến đây du lịch. Tình hình an ninh ở N’Djamena dù được cải thiện đáng kể sau khi khí hiệp định hòa bình với Sudan từ đầu năm 2010 nhưng vẫn còn nhiều bất ổn. Sự biến động chính trị ở Libya phần nào ảnh hưởng đến nhiều vùng của Chad, đáng chú ý là tình trạng bắt cóc và khủng bố.
1. Baghdad, Iraq
Thủ đô Baghdad của Iraq là thành phố nguy hiểm nhất thế giới theo xếp hạng của Mercer. Chính quyền Anh, Mỹ cảnh báo người dân không nên đến Baghdad. Nếu cần thiết, phải có công ty bảo vệ đi cùng. Gần đây, số vụ đánh bom và tấn công vào mục tiêu là người Mỹ ở toàn Iraq vẫn tiếp tục tăng. Các biện pháp tấn công rất đa dạng, chẳng hạn như cài bom trong ô tô, đánh bom tự sát, cài thiết bị phát nổ…
đỗ quyên
Theo Infonet.vn