10 tấn vàng phi SJC sắp được đưa ra thị trường
Dự kiến trong 10 ngày tới, sẽ có 10 tấn vàng phi SJC do các ngân hàng huy động được chuyển đổi để đưa ra thị trường.
Sau khi vàng SJC trở thành thương hiệu vàng miếng độc quyền của nhà nước và chỉ có Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được tiếp tục dập đúc loại vàng này, tâm lý của người dân chỉ muốn nắm giữ vàng SJC mặc dù NHNN khẳng định: “Không phân biệt đối xử vàng miếng SJC và các loại vàng miếng thương hiệu khác”.Chính vì thế, nguồn cung vàng SJC trên thị trường khoảng 1 năm qua thiếu hụt, dẫn đến việc giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới trên 2 triệu đồng/lượng mặc dù Thống đốc NHNN cho rằng, mức giá chênh lệch này vàng khoảng 400.000 đồng/lượng là hợp lý.
Dự kiến trong 10 ngày tới, 10 tấn vàng SJC do các ngân hàng huy động sẽ được cung ứng ra thị trường. |
Hiện các ngân hàng còn khoảng 10 tấn vàng “phi SJC” do huy động của người dân trước đây phải chuyển sang vàng SJC. Tuy vậy, do công suất kiểm định của Công ty SJC hiện không đủ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nên số lượng vàng này đã được NHNN cho phép xuất vàng miếng, nhập vàng khối để dập đúc thành vàng SJC. Hiện 100 kg vàng của Ngân hàng Đông Á được tạm xuất tái nhập đã được chuyển sang vàng miếng SJC và được đưa ra thị trường. Khoảng 10 tấn vàng “phi SJC” tại ngân hàng đang được tiếp tục tạm xuất tái nhập để chuyển đổi thành vàng SJC nhằm rút ngắn thời gian so với chuyển đổi ở trong nước để nhanh chóng đưa ra thị trường trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, hiện 4 ngân hàng TMCP: Đông Á, Việt Á, Sài Gòn Thương tín (Sacombank) và Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đang thực hiện các quy trình tạm xuất tái nhập. Dự kiến trong khoảng 10 ngày tới, số lượng vàng này sẽ được chuyển sang vàng SJC để cung ứng cho thị trường. “Việc tạm xuất tái nhập vàng là biện pháp mà NHNN đưa ra để tăng nguồn cung cho thị trường. Sau khi lượng vàng này được đưa ra thị trường sẽ kéo giảm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới” - ông Minh khẳng định.
Theo Sài Gòn Giải phóng