Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 sự thật giới tỷ phú không nói với bạn

"Một hay mười triệu USD không còn như trước nữa" và "Bạn sẽ có cơ hội trở thành tỷ phú lớn hơn nếu ở Thung lũng Silicon thay vì Phố Wall".

1. Người giàu đang giàu thêm

Năm 2013, tài sản của giới tỷ phú đạt mức cao kỷ lục với 1.426 cái tên và trung bình đạt 5,4 tỷ USD – cao hơn 17% so với năm ngoái (4,6 tỷ USD). Trong đó, có 442 tỷ phú ở Mỹ, 386 tỷ phú ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, 266 ở châu Âu... Bất chấp tổng tài sản của nhiều quốc gia đang giảm đi do khủng hoảng kinh tế, chính việc cố gắng duy trì tỷ lệ lạm phát và lãi suất cho vay thấp, kết hợp với sự phục hồi phần nào của thị trường nhà đất đã khiến giới siêu giàu ngày càng giàu thêm.

2. Một hay mười triệu USD không còn như trước nữa

Trong thời đại mà một ngôi nhà ở quận Manhattan, New York đã có giá hơn 1 triệu USD, trở thành triệu phú không đồng nghĩa với việc bạn là người giàu có nữa. Thậm chí, một chiếc siêu xe Bugatti Veyron cũng lấy đi của bạn 2,4 triệu USD, trực thăng cá nhân khoảng 7 triệu USD và một hòn đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương cũng có giá khoảng 20 triệu USD. Đúng vậy, tỷ phú và triệu phú có thể được xem là tầng lớp thượng lưu, họ có thể bắt tay nhau trong những buổi tiệc, song trong đôi mắt của giới tỷ phú, các triệu phú là không cùng đẳng cấp với họ.

3. Đây cơ bản vẫn là câu lạc bộ của các chàng trai

Phụ nữ đang tiến nhanh trên con đường giàu có, chiếm 138 trên 1.426 tỷ phú thế giới – cao hơn con số 104 của năm ngoái. Mặc dù vậy hơn 90% số tỷ phú toàn cầu vẫn là nam giới, đó là chưa kể chỉ có 4% số CEO của các công ty thuộc nhóm Fortune 1.000 là phụ nữ. Có một điều thú vị là với những tỷ phú nam trẻ tuổi như Mark Zuckerberg và Eduardo Saverin, họ là những “tỷ phú tai nạn” khi từ mục tiêu được gặp gỡ các cô gái ban đầu bỗng trở thành việc khai sinh ra mạng xã hội lớn nhất thế giới.

4. Họ thông minh, song họ vốn đã có khởi đầu quá tốt

Để trở thành tỷ phú USD, bạn không chỉ cần sự thông minh mà cũng cần có thêm chút may mắn. Đó là việc bạn được học trong những ngôi trường đào tạo tốt nhất và được sinh ra trong một gia đình khá giả. Ví dụ như Bill Gates, cha của ông là một luật sư thành đạt. Ví dụ như David và Charles Koch, đã giúp sản nghiệp do cha mình để lại cất cánh thành tập đoàn trị giá nhiều tỷ USD, hay S. Robson Walton – chủ tịch của Wal-Mart – con trai của Sam Walton là người đã sáng lập ra chuỗi bán lẻ đình đám này.... Mặc dù vậy, cũng có một số tỷ phú đi lên từ hai bàn tay trắng, như Sheldon Adelson, CEO của Las Vegas Sands lớn lên trong khu lao động nghèo ở Boston. Hay như Lynn Tilton – nhà sáng lập hãng phim Patriarch Partners – người có bà mẹ phải làm việc tới 100 tiếng mỗi tuần khi 20 tuổi.


5. Sự xa hoa chỉ là tương đối

Tỷ phú Donald Trump từng đề nghị tài trợ 100 triệu USD để xây phòng khiêu vũ cho Nhà trắng, song điều đó chưa là gì khi so với du thuyền 1 tỷ USD của tỷ phú Nga Roman Abramovich, hay chiếc Airbus A380 trị giá 400 triệu USD của hoàng tử Ả-rập Alwaleed bin Talal bin Abdul Aziz al-Saud. Trong rất nhiều trường hợp, những sự chi tiêu xa hoa này chỉ là tương đối, ví dụ như Oprah Winfrey bỏ ra 38.000 USD để mua một chiếc túi xách chỉ chiếm 0,001% khối tài sản 2,9 tỷ USD của bà. Theo David Friedman của Wealth-X phát biểu: “Hầu hết tỷ phú đều rất keo kẹt, họ có thể gọi lễ tân ra mặc cả vì 50 xu song ngay sau đó lại đi mua chiếc máy bay trị giá 50 triệu USD”.

6. Các luật sư phụ trách việc ly hôn là đáng sợ nhất

Có một điều may mắn là trong số 84% tỷ phú đã lập gia đình, tỷ lệ ly hôn của họ chỉ là 8%, thấp hơn rất nhiều so với con số tương ứng 40 – 50% ở Mỹ theo báo cáo của nhóm nghiên cứu trường đại học Virginia. Theo đó, ly dị trong giới tỷ phú thực sự là một cơn ác mộng, khi bên cạnh số tiền phải chia cho bạn đời của mình, đời tư của họ còn bị xâm hại ghê gớm. Các cuộc điều tra về tài sản, chi tiêu và cả hoạt động kinh doanh khi ly hôn là những thứ mà không một tỷ phú nào muốn đón nhận.

7. Họ không giàu nhờ chứng khoán

Theo hầu hết các nhà tư vấn tài chính, nếu bạn muốn trở thành tỷ phú khi bạn mới bắt tay lập nghiệp, hãy tránh xa cổ phiếu. Martin Fridson – tác giả cuốn ““How to Be a Billionaire: Proven Strategies From the Titans of Wealth” khẳng định “Bạn sẽ là ngôi sao lớn nếu liên tục ăn lời 1% từ chứng khoán trong suốt 20 năm”. Hoặc, theo một góc nhìn khác, nếu bạn kiếm được 15% tiền đầu tư vào chứng khoán mỗi năm (điều hầu như không có ai thực hiện được), bạn sẽ phải mất 20 năm với con số khởi đầu 65 triệu USD để đạt mốc 1 tỷ USD. Thực tế, rất nhiều tỷ phú như Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerberg đã trở thành tỷ phú nhờ sáng lập nên các doanh nghiệp thành công. Nghĩa là, “bạn sẽ dễ trở thành tỷ phú hơn nhiều khi ở thung lũng Silicon thay vì phố Wall”.

8. Bạn nói trốn, họ nói tránh

Có một ranh giới mỏng manh giữa trốn thuế bất hợp pháp và trốn thuế hợp pháp. Với các tỷ phú, sự giàu có của họ cũng tạo điều kiện cho việc hưởng những mức thuế thấp hơn vì số tiền họ kiếm được là từ đầu tư, thay vì các loại lương,thưởng. Theo báo cáo, khoảng 25% số triệu phú ở Mỹ - 94.500 người – chịu mức thuế suất thấp hơn 10.4 triệu người có mức thu nhập vừa phải.


9. Gia đình ghét họ, chỉ yêu tiền của họ

Một trường hợp khá ầm ĩ trên báo chí gần đây là về nữ tỷ phú người Úc Gina Rinehart 59 tuổi đã bị kiện bởi hai người con là John Hancock, 37 và Bianca Rinehart, 36 tuổi. Lý do là cô đã “xâm phạm niềm tin của gia đình” khi trì hoãn ngày tiếp cận với khối tài sản trị giá nhiều tỷ USD của chúng. Dĩ nhiên, không phải tất cả các tranh chấp diễn ra trong gia đình giới tỷ phú đều liên quan đến tiền bạc, song cũng chẳng hay ho gì. Chẳng hạn như hồi tháng hai, tỷ phú T. Boone Pickens đã kiện con trai mình về tội phỉ báng, xâm phạm đời tư khi đăng tải lên Blog câu chuyện gia đình có tên “5 ngày ở Connecticut”.


10. Vua Lear dạy họ nhiều thứ

King Lear – nhân vật trong vở kịch của William Shakespeare là người đã gây ra những tranh chấp đau lòng giữa những đứa con sau khi chia thừa kế cho chúng – là một tấm gương được rất nhiều tỷ phú cân nhắc khi nói về di sản của họ. Dĩ nhiên, hầu hết những tên tuổi này đều để lại tài sản cho con cái hay đưa vào công việc kinh doanh của gia đình, song nhiều người lại có quan điểm rằng để lại quá nhiều là không tốt. Ví dụ như Warren Buffett, người đã tuyên bố cho đi 99% tài sản của ông, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi muốn cho những đứa trẻ của tôi đủ nhiều để chúng cảm thấy rằng mình có thể làm mọi thứ, song không nhiều đến mức khiến chúng nghĩ chúng chẳng cần làm gì cả”. 

Vũ Vũ

Theo Marketwach/ Tri Thức

Bạn có thể quan tâm