10 sự kiện quân sự nổi bật nhất năm 2012
Năm 2012 đánh dấu nhiều sự kiện quốc phòng có sức ảnh hưởng lớn tới chính trị, an ninh thế giới. Tờ Thời báo Hoàn cầu điểm lại 10 sự kiện quân sự đáng chú ý nhất này.
Mỹ tăng cường triển khai lực lượng tại châu Á - Thái Bình Dương
Mỹ tăng cường lực lượng quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương. |
Tổng thống Mỹ Obama cam kết sẽ tăng cường hiện diện về mặt quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương bất chấp gánh nặng của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu. Washington sẽ tiếp tục “đầu tư” vào các quan hệ đối tác và đồng minh chủ chốt. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, đến năm 2020, Mỹ sẽ triển khai 60% lực lượng Hải quân ở Thái Bình Dương. Washington sẽ bố trí tại các căn cứ Nhật Bản máy bay chiến đấu mới F-22 và MV-22 Osprey. Năm 2017, tại căn cứ ở Iwakuni, Mỹ sẽ bố trí chiến đấu cơ tàng hình F-35.
Theo giới phân tích, chiến lược “quay lại châu Á” của chính quyền Obama khiến giỡi lãnh đạo Bắc Kinh thật sự quan ngại, bởi dù vị thế có suy giảm thời gian qua, nhưng Mỹ vẫn là siêu cường thế giới và còn lâu Trung Quốc mới có thể theo kịp “Chú Sam”.
Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ tên lửa đạn đạo liên lục địa
Ấn Độ thử thành công tên lửa đạn đạo tầm xa Agni V. |
Ngày 19/4/2012, Ấn Độ thử thành công tên lửa đạn đạo tầm xa Agni V có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nặng một tấn. Theo giới phân tích, thành công này là một thông điệp cho toàn thế giới rằng, New Delhi đủ sức thiết kế và chế tạo loại tên lửa tối tân như Agni V; và điều này cho thấy Ấn Độ đã sẵn sàng để trở thành cường quốc tên lửa.
Việc phóng thử thành công tên lửa Agni V được cho là nền tảng quan trọng để Ấn Độ tiến tới phát triển tên lửa liên lục địa có tầm bắn lên đến 8.000 km. Hiện tại, các nước chính thức sở hữu tên lửa liên lục địa chỉ có Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Với tầm bắn 5.000 km, tên lửa này được giới quan sát nhận định đủ sức tấn công bất cứ mục tiêu nào tại Trung Quốc.
Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC
Cuộc tập trận đa quốc gia RIMPAC 2012. |
Đây là diễn tập hải quân quy mô nhất thế giới với sự tham gia của 22 nước, gồm 42 tàu chiến, 6 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 binh sĩ từ ngày 29/06 đến 03/08. RIMPAC 2012 có hai điều mới mẻ: lần đầu tiên Nga gửi tàu chiến tham gia và Mỹ lần đầu triển khai “Hạm đội Xanh” - một số tàu chiến Mỹ chạy bằng năng lượng sinh học.
Tại RIMPAC 2012, biên đội tàu chiến Nga gửi tới gồm: tàu khu trục lớp Udaloy Đô đốc Panteleyev (BPK 548), tàu kéo Fotiy Krylov và tàu tiếp dầu Irkut. Trong đó, khu trục hạm săn ngầm Đô đốc Panteleyev thuộc lớp Udaloy được Nga thiết kế và chế tạo từ những năm 1980. Tàu có lượng giãn nước 8.400 tấn, dài 163 m. Tàu trang bị động cơ diesel kết hợp động cơ tuốc bin cho phép đạt tốc độ tối đa 35 hải lý/h, tầm hoạt động hơn 10.000 km. Udaloy thiết kế cho vai trò săn ngầm nên nó được trang bị: 8 tên lửa chống ngầm SS-N-14 (tầm bắn 50 km, xuyên sâu xuống mặt nước 500 m) cùng 2 máy phóng ngư lôi chống ngầm cỡ 533 mm và 2 giàn rocket săn ngầm RBU-6000 cỡ 213 mm. Ngoài ra, ở đuôi tàu còn có sàn đáp máy bay và nhà chứa máy báy đáp ứng cho hai trực thăng săn ngầm Ka-27.
Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. |
Tàu sân bay Liêu Ninh có chiều dài 304 m, chiều rộng 70,5 m, độ mớn nước 281 m, trọng tải 67.000 tấn, được trang bị 8 súng phòng không AK-630 AA, 08 CADS-N-1 Kashtan CIWS, 12 tên P-700 Granit SSM, 18 bệ phóng tên lửa hải đối không 3K95 Kinzhal SAM VLS, và hệ thống pháo phản lực chống ngầm RBU-12000 UDAV-1 ASW. Cũng theo thiết kế, tàu sân bay này có thể mang 26 máy bay và 24 trực thăng.
Tàu sân bay vốn được xem là thứ vũ khí bá chủ trên đại dương, là biểu tượng sức mạnh trên biển của bất kỳ quốc gia nào sở hữu nó. Chính vì vậy, Trung Quốc coi tàu sân bay Liêu Ninh là niềm tự hào của lực lượng hải quân bởi đây là lần đầu tiên nước này được sở hữu một chiếc siêu tàu chiến như vậy.
Israel không kích Dải Gaza
Dải Gaza ngập trong khói lửa. |
Ngày 14/11, máy bay chiến đấu Israel bay vào Dải Gaza, khai hỏa tiêu diệt thủ lĩnh Ahmed al-Jaabari của Nhóm Hồi giáo vũ trang Hamas tại thành phố Gaza. Chưa dừng ở đó, các nhà chức trách Nhà nước Do thái cho biết, đây mới chỉ là phần “mở màn” của hàng loạt các động thái nhằm tiêu diệt các tay súng Hamas trên Dải Gaza. Đúng như tuyên bố của Israel, vụ việc mới chỉ là động thái khơi ra sự căng thẳng ở khu vực tranh chấp. Đáp lại những vụ không kích, bắn tên lửa và nã pháo của Israel là hàng loạt vụ trả đũa của các chiến binh Hamas nhằm vào những khu tái định cư đông đúc của người Israel. Thậm chí, tên lửa của các tay súng Hồi giáo Hamas còn bay tới Thủ đô Tel Aviv của Israel sau hơn 2 thập kỷ.
Nhật Bản tăng cường hợp tác quân sự với nước ngoài
Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản diễn tập tác chiến. |
Ngày 24/4, tờ Sankei Shimbun cho biết, Nhật Bản và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về việc diễn tập quân sự chung tại các căn cứ của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Cũng theo tờ báo này, các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng có kế hoạch đồn trú các lực lượng cùng quân Mỹ ở căn cứ Palawan, Philippines.
Kể từ thập niên 90, đối mặt với những thay đổi về an ninh tại Bắc Á, Mỹ và Nhật Bản đã đẩy mạnh hợp tác quân sự, và dần mở rộng phạm vi hợp tác ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản. Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng Trung - Nhật leo thang liên quan tới tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, sự mở rộng hợp tác này khiến Bắc Kinh rất quan ngại, đặc biệt với việc Hiệp uớc an ninh chung Mỹ - Nhật có đề cập đến vấn đề này.
Không chỉ hợp tác với Mỹ, Nhật Bản còn đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với nhiều nước khác, đặc biệt những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc như Philippines. Tetsuo Kotani, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế Nhật Bản ở Tokyo cho biết: “Chiến lược của chúng tôi là tạo ra một lực lượng phòng vệ Nhật Bản mini xung quanh khu vực Biển Đông, nơi Trung Quốc đang nỗ lực chứng minh “đây là chủ quyền của quốc gia mình”. Các quan chức Nhật Bản tuyên bố rằng họ sẽ viện trợ Philippines khoảng 10 tàu cảnh sát biển trị giá khoảng 12 triệu USD mỗi chiếc. Các quan chức Cục phòng vệ Nhật Bản cũng tuyên bố họ có thể cung cấp các tàu tương tự cho một số đối tác khác tại Đông Nám Á.
Mỹ đẩy mạnh phát triển vũ khí không gian
Máy bay không gian X-37B của Mỹ. |
Sáng ngày 12/12, tại căn cứ Canaveral, bang Florida, Không quân Mỹ đã phóng thành công máy bay không gian không người lái X-37B (hay còn gọi là phi thuyền, tàu vũ trụ, tàu con thoi mini) vào không gian, nhờ tên lửa đẩy Atlas-V.
Được biết, máy bay không gian X-37B dài 8,9 m, rộng 4,5 m, nặng 5-6 tấn, hoạt động nhờ năng lượng mặt trời và hệ thống pin nhiên liệu, do Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ - NASA phát triển (từ năm 1999), sau đó bàn giao cho Không quân Mỹ (năm 2006). Tân Hoa Xã cho rằng, máy bay không gian X-37B của Mỹ bị dư luận nghi ngờ là một loại máy bay chiến đấu không gian có thể dùng để tiêu diệt vệ tinh nước thù địch, hoặc là máy bay ném bom không gian có thể rải bom nguyên tử từ không gian, và cũng có thể, như hãng AP phỏng đoán, là một chiếc camera do thám cỡ lớn nhằm vào trạm không gian Thiên Cung 1 của Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng, lĩnh vực không gian vũ trụ lại đang dấy lên một cuộc “chạy đua vũ trang” mới, với sự vượt trội của Mỹ, bám theo sau là Nga và Trung Quốc. Đối với việc Mỹ phóng X-37B, dư luận Nga cũng đã có những phản ứng mạnh mẽ. Trong lần phóng đầu tiên năm 2010, cựu tư lệnh Không quân Nga đã cảnh báo rằng, Nga có thể trở thành một Iraq thứ hai, kêu gọi Nga nhanh chóng xây dựng hệ thống phòng thủ “không đối thiên” (bầu trời-vũ trụ) để ứng phó với mối đe dọa quân sự hóa không gian vũ trụ của Mỹ.
Châu Âu thử nghiệm máy bay không người lái Neuron
Máy bay không người lái Neuron. |
Ngày 1/12, mẫu máy bay chiến đấu không người lái của châu Âu mang tên Neuron đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên xuất phát từ một căn cứ không quân ở miền Nam nước Pháp.
Bộ Quốc phòng Pháp cho rằng, việc trình làng mẫu máy bay mới là nhằm duy trì vị thế hàng đầu của châu Âu trong lĩnh vực này. Neuron là một máy bay nguyên mẫu dùng để thử nghiệm và phát triển các công nghệ để một ngày nào đó sẽ được sử dụng cho máy bay chiến đấu không người lái nhằm trang bị cho các lực lượng không quân châu Âu vào năm 2030. Chương trình chế tạo Neuron do Pháp khởi xướng vào năm 2003 dưới sự hỗ trợ của Italy, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Hy Lạp với chi phí 527 triệu USD.
Khủng hoảng leo thang tại Syria
Chiến sự leo thang ở Syria. |
Khủng hoảng leo thang tại Syria đã làm thụt lùi nền kinh tế và đẩy giá tất cả các mặt hàng tăng cao. Ngày 26/12, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này, bắt đầu từ tháng 3/2011 đến nay đã khiến hơn 45.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, con số thực sự có thể lên tới 100.000 người. Khủng hoảng tại Syria khiến cộng đồng quốc tế vô cùng quan ngại bởi những hệ lụy mà nó kéo theo là vô cùng to lớn, không chỉ với người dân Syria, mà là cả khu vực và quốc tế. Có thể nói, trong năm 2012, người dân đất nước này chưa một ngày được bình yên khi hàng ngày, hàng giờ phải chứng kiến những cuộc xung đột, đánh bom giữa lực lượng quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad và phe nổi dậy. Mặc dù từ trước đến nay, có rất nhiều Hội nghị, Hội thảo và sáng kiến được đưa ra nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria nhưng đều bế tắc và thất bại.
Philippines tăng cường hiện đại hóa quốc phòng
Tàu tuần tra của Philippines. |
Đầu tháng 12/2012, Tổng thống Philippines Benigno Aquino ký luật mới, theo đó sẽ mở rộng chương trình hiện đại hóa quân sự cho các lực lượng vũ trang thêm 15 năm. Theo luật mới, 75 tỷ peso (1,82 tỷ USD) sẽ được phân bổ cho các lực lượng vũ trang trong 5 năm tới nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc rất căng thẳng liên quan tới tranh châp chủ quyền lãnh thổ.
Ngày 27/12, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines, ông Voltaire Gazmin, đã tuyên bố chính phủ nước này quyết định sẽ mua 03 chiếc máy bay lên thẳng AW 109 Power để trang bị cho hải quân. Những chiếc AW 109 này được đặt hàng tại tập đoàn AgustaWestland với chi phí lên tới 1,33 tỷ peso (32 triệu USD). Ông Gazmin còn cho biết quân đội cũng sẽ mua thêm 60 xe cứu thương và 12 xe tải với tổng trị giá 300,78 triệu peso (7,33 triệu USD) từ công ty Kia Motors Corp của Hàn Quốc. Theo ông Gazmin, việc mua sắm này là bước đi thể hiện mạnh mẽ và rõ ràng mục tiêu hiện đại hóa quân sự của Philippines.
THANH HƯƠNG
Theo Infonet