Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

10 sự kiện nổi bật của thể thao Việt Nam 2009

Việt Nam giành vị trí á quân ở cả AIG III và SEA Games 25, Nguyễn Hữu Việt lập kỷ lục mới cho làng bơi Việt Nam... là những mốc son đáng nhớ của thể thao Việt Nam một năm qua.

10 sự kiện nổi bật của thể thao Việt Nam 2009

Việt Nam giành vị trí á quân ở cả AIG III và SEA Games 25, Nguyễn Hữu Việt lập kỷ lục mới cho làng bơi Việt Nam... là những mốc son đáng nhớ của thể thao Việt Nam một năm qua.

1. Việt Nam tổ chức thành công Asian Indoor Games 3

Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức một đại hội thể thao cấp châu lục. Đó là Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần thứ 3 (Asian Indoor Games 3) từ 28/10 đến 8/11/2009. Với 94 huy chương các loại, trong đó có 42 huy chương vàng, thể thao Việt Nam xếp thứ 2 toàn đoàn sau Trung Quốc. Đoàn thể thao Việt Nam đã vượt chỉ tiêu tới 22 HCV.

10 sự kiện nổi bật của thể thao Việt Nam 2009
Vovinam bội thu vàng tại AIG3

Tuy nhiên, điều có ý nghĩa nhất là nước chủ nhà đã ghi dấu ấn về trình độ tổ chức, sự thân thiện, mến khách của người dân Việt Nam. Dưới góc độ tổ chức, đây có thể xem là một bước tiến vượt bậc giúp Việt Nam tới gần hơn với các cơ hội lớn hơn trong tương lai, từ SEA Games cho tới ASIAD.

2. Thể thao Việt Nam đoạt ngôi Á quân SEA Games 25

Tiếp nối thành công tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần thứ 3, thể thao Việt Nam tiếp tục giành thành tích cao tại đấu trường khu vực SEA Games 25 với 215 Huy chương, trong đó có 83 HCV. Nếu không kể SEA Games 22 diễn ra trên sân nhà, SEA Games 25 đã trở thành kỳ Đại hội đầu tiên đoàn thể thao Việt Nam đứng thứ 2 chung cuộc. Thậm chí, theo nhiều chuyên gia, nếu may mắn hơn chúng ta đã có thể đạt luôn cả vị trí số 1 từ tay người Thái. Điều đó khẳng định sự tiến bộ vượt bậc và toàn diện của thể thao Việt Nam sau 20 năm tham gia trở lại đấu trường thể thao khu vực, khi mà chúng ta không chỉ duy trì được sức mạnh ở những môn sở trường, mà còn gây ngạc nhiên khi thi đấu thành công ở các nội dung thế mạnh của các quốc gia khác, trong đó có nhiều môn thể thao Olympic như điền kinh, bơi lội…

3. Bóng đá nữ vô địch, bóng đá nam thua cay đắng

Hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần vượt khó của thể thao nước nhà tại SEA Games chính là chiến thắng tuyệt vời của tuyển nữ Việt Nam. Bước vào giải đấu với những sự chuẩn bị không được như ý, nhưng những cô gái Việt Nam đã từng bước khắc phục khó khăn, tiến bộ theo từng trận, để rồi xuất sắc mang về tấm Huy chương Vàng sau trận chung kết nghẹt thở cùng Thái Lan.

10 sự kiện nổi bật của thể thao Việt Nam 2009
Bóng đá nam Việt Nam lại bỏ lỡ cơ hội giành HCV Sea Games

Ngược lại, các nam đồng nghiệp lại tiếp tục không vượt qua được chính mình. Áp lực tâm lý và sư tự tin thái quá khiến các cầu thủ Việt Nam đã đánh mất mình trong trận chung kết, để rồi bất ngờ gục ngã trước Malaysia – đối thủ bị đánh giá dưới cơ.

4. Nguyễn Hữu Việt phá kỉ lục SEA Games

Người ta vẫn nói bước lên đỉnh cao đã khó, nhưng giữ được đỉnh cao còn khó hơn. Thế nhưng, Hữu Việt còn đã làm được điều khó hơn ấy. Kể từ khi lần đầu tiên giúp bơi lội Việt Nam giải cơn khát vàng kéo dài tới 46 năm ở SEA Games 23, VĐV người Hải Phòng đã giữ vững ngôi "độc cô cầu bại" ở nội dung 100m ếch nam 3 kì SEA Games liên tiếp. Không những thế, chiếc HCV lần này của Việt càng có ý nghĩa khi anh còn đã phá cả kỉ lục SEA Games với thành tích 1’01’’60. Chỉ tính riêng trong năm 2009 thì đây đã là lần thứ 3 Việt phá kỉ lục của bản thân (đồng thời dĩ nhiên cũng là kỉ lục quốc gia). Hai lần trước đó ở giải VĐTG tháng 8/2009 (1’02”17) và giải VĐQG tháng 9/2009: (1’02”05).

5. Lần đầu tiên, cầu lông Việt Nam có một đại diện lọt vào danh sách 10 tay vợt nam hàng đầu thế giới.

10 sự kiện nổi bật của thể thao Việt Nam 2009

Bất chấp việc không thi đấu thành công ở SEA Games 25, nhưng đây vẫn có thể xem là một năm vàng của Tiến Minh. Tay vợt TP HCM đã chính thức chinh phục top 10 thế giới, thậm chí có lúc Tiến Minh đã leo lên tận thứ 4 thế giới. Thành công của Tiến Minh khiến người hâm mộ cả nước nức lòng, bởi đây cũng là lần đầu tiên người ta được chứng kiến một tay vợt Việt Nam thể hiện sự chuyên nghiệp tầm cỡ quốc tế trong cả tập luyện và thi đấu. Dẫu vậy, điều đáng lo ngại là phía sau Tiến Minh vẫn còn một khoảng trống mênh mông của đội ngũ kế cận.

6. Thất bại của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn ở SEA Games 25

Cho dù Hoàng Anh Tuấn đã nhận được sự chuẩn bị, đầu tư kĩ càng từ các cấp lãnh đạo, đồng thời chính bản thân cũng đã thể hiện một sự tự tin sẽ lấy vàng rất lớn trước khi vào giải. Nhưng một lần nữa sự chủ quan và thiếu chuyên nghiệp trong thi đấu đã làm hại Tuấn, dù anh được xem là ứng cử viên nặng ký nhất ở hạng cân sở trường 56kg. Thất bại thứ 3 liên tiếp ở đấu trường SEA Games này là không thể bào chữa và nó sẽ buộc những nhà quản lý có cái nhìn thấu đáo hơn về “bệnh ngôi sao”, về thái độ tập luyện, cũng như trách nhiệm cống hiến của những VĐV nước nhà. Còn với riêng Tuấn đây sẽ lại là một bài học nhớ đời nữa trong sự nghiệp vốn đã có quá nhiều cú vấp của lực sĩ người Bắc Ninh.

7. SHB Đà Nẵng vô địch V-League, Becamex Bình Dương vào bán kết AFC Cup

Lần đầu tiên sau 17 năm dài chờ đợi, người Đà Nẵng đã lại chinh phục thành công chức VĐQG. Chiến công này của thày trò Lê Huỳnh Đức càng trở nên ý nghĩa khi SHB Đà Nẵng đã thể hiện một phong độ hết sức thuyết phục ở mùa giải năm nay, đồng thời còn giành luôn cả chiếc Cup QG.

10 sự kiện nổi bật của thể thao Việt Nam 2009

Dẫu không thể cạnh tranh với Đà Nẵng ở giải quốc nội, Becamex Bình Dương cũng khiến người ta phải nhớ đến mình. Với thành tích rất đáng khen ngợi ở AFC Cup 2009, khi trở thành CLB Việt Nam đầu tiên đi đến tận vòng bán kết của 1 giải đấu cấp Châu lục (trước đó còn chưa có đội bóng nào của VN đi xa hơn vòng 2).

Sự thành công của Đà Nẵng và Bình Dương thực sự đã trở thành một biểu tượng khó vượt qua không chỉ ở thành tích trên sân cỏ, mà còn cả ở những sự đầu tư dài hạn, nghiêm túc.

8. Bóng đá trẻ lên ngôi

Năm 2009 là năm đánh dấu những bước tiến vượt bậc của bóng đá trẻ Việt Nam, khi nhiều đội U của chúng ta đã có những thành tích rất đáng khen ngợi. Những chiến thắng oanh liệt của U16 và U19 Việt Nam trong các cuộc tranh tài cấp châu lục, qua đó đều ngạo nghễ giành vé tham dự VCK Châu Á trong một bảng đấu có những đối thủ cứng cựa như Hàn Quốc, Thái Lan… thực sự đã làm lu mờ việc đàn anh U23 chỉ giành HCB SEA Games 25.

9. Công Vinh “du học” Bồ Đào Nha

Tuy việc Công Vinh gia nhập CLB Leixoes của Bồ Đào Nha theo hợp đồng cho mượn phần nhiều dựa trên sự lobby, quan hệ của HLV Calisto và bầu Hiển. Nhưng đây vẫn xứng đáng được xem là sự kiện của thể thao nước nhà khi lần đầu tiên chúng ta có một cầu thủ được thi đấu ở một giải VĐQG Châu Âu. Điều này rất có thể sẽ là tiền đề cho những bước tiến mới của thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng trong tương lai gần.

10. Nguyễn Hoàng Thiên vô địch Orange Bowl Championships

Vào những ngày chuẩn bị khép lại năm 2009 thì thể thao Việt Nam đã lại được đón nhận thêm một chiến tích nữa. Không những trở thành tay vợt tennis Việt Nam đầu tiên được tham dự giải Orange Bowl Championships (Mỹ), mà Hoàng Thiên còn làm được nhiều hơn thế, khi cậu bé đã lần lượt bỏ lại sau lưng các đối thủ để lên ngôi ở lứa tuổi U14.

Cần phải nhấn mạnh rằng đây là một thành công rất lớn của Thiên, vì Orange Bowl Championships được xem là một giải đấu quan trọng bậc nhất ở lứa tuổi trẻ (một loạt huyền thoại làng banh nỉ như Andre Agassi, Steffi Graf, Monica Seles, Roger Federer...cũng đều đã kinh qua giải đấu này). Và nếu nhìn vào danh sách những tay vợt từng vô địch ở lứa tuổi 14 như Del Potro, Tipsarevic, Haas, Mathieu, Magnus Norman... thì rõ ràng chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng, một ngày không xa Việt Nam cũng sẽ sở hữu một tay vợt hàng đầu thế giống như thế.

Hải Hà

Theo Bưu điện Việt Nam

Bạn có thể quan tâm