10 sự kiện bê bối nhất trong lịch sử World Cup (2)
Các vụ bê bối tại World Cup không chỉ diễn ra ở những ngày đầu sơ khai hay thời quá độ, mà ngay cả lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh thời hiện đại cũng phải hứng chịu tình cảnh này.
5. Khổ vì trọng tài đãng trí - World Cup 1970
Không biết do vô tình hay cố ý thiên vị đội chủ nhà World Cup 1970 mà trọng tài người Ai Cập Ali Kandil đã mắc phải một lỗi không thể chấp nhận. Phút 44 của hiệp 1 trận đấu giữa Mexico và El Salvador trong luôn khổ loạt trận thứ 2 tại bảng 1, El Salvador được hưởng quả đá phạt bên phần sân nhà. Tuy nhiên, khi các cầu thủ El Salvador chưa kịp triển khai đá phạt thì tiền đạo Aaron Padilla của Mexico giành lấy bóng trước sự ngỡ ngàng của đối phương. Sau vài nhịp đi bóng, Padilla chuyền vào cho Valdivia đánh đầu mở tỉ số cho đội chủ nhà.
Mexico hưởng lợi từ sự lơ đãng của trọng tài Kandil |
Điều đáng nói là dù rất nỗ lực thanh minh với các trọng tài, song kết quả mà họ nhận được chỉ là cái lắc đầu. Bởi theo ông “vua áo đen” Kandil thì các cầu thủ El Salvador đã chạm bóng trước (dù đứng xách xa cả mét), nên Mexico lấy được bóng và ghi bàn. Quyết định của Kandil đã khiến El Salvador nhập cuộc hiệp 2 với tâm trạng ức chế, để rồi sau đó họ phải nhận thêm 3 bàn thua nữa.
Ở các lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh thời hiện đại người ta vẫn phải chứng kiến “chuyện thật như đùa” từ các vị “vua áo đen”. Chẳng là trong trận đấu giữa Croatia và Australia tại World Cup 2006, trọng tài người Anh Graham Poll đã có sự nhầm lẫn tai hại khi dùng đến…3 chiếc thẻ vàng mới đuổi hậu vệ Josip Simunic của Croatia ra khỏi sân. Đây cũng là trường hợp đầu tiên trong lịch sử World Cup, một cầu thủ lĩnh…3 thẻ vàng.
6. Cú thiết đầu công của Zidane - World Cup 2006
Là một người nổi tiếng về điềm tĩnh và gần như không gây ra bất kỳ scandal cả trong lần ngoài sân cỏ, nhưng Zinedine Zidane đã có một hành động gây sốc cho làng bóng đá thế giới. Đáng tiếc là sự kiện đó lại diễn ra tại giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, được truyền hình trực tiếp trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Cú thiết đầu công" có một không hai của Zidane |
Chuyện là trong hiệp phụ trận chung kết World Cup 2006 giữa tuyển Pháp và tuyển Ý, hậu vệ Marco Materazzi đã có những lời lẽ không hay nhắm vào Zidane. Quá bức xúc trước hành động khiêu khích của Materazzi, “chàng hói” không nói không rằng quay lại tặng cho đối thủ một cú “thiết đầu công” vào ngực. Hành động thiếu kiềm chế của Zidane đã phải trả giá bằng chiếc thẻ đỏ. Việc Zizou bị đuổi cũng là một phần nguyên nhân khiến Les Bleus gục ngã trước Azzurri trong trận đấu quyết định.
Sau giải đấu thay vì chê trách, hàng triệu tín đồ trên khắp thế giới tỏ ra cảm thông với Zizou bởi Materazzi là người gây hấn trước với những lời lẽ không hay nhằm vào người thân của cầu thủ đang khoác áo Real Madrid khi đó. Thậm chí, đương kim Tổng thống Pháp Jacques Chirac cũng đã bày tỏ sự thông cảm đối với Zidane: "Điều mà tôi muốn nói với Zidane vào lúc này, lúc cực kỳ khó khăn đối với sự nghiệp của anh, rằng tôi luôn khâm phục và ủng hộ anh và toàn thể nước Pháp cũng vậy.
7. Cuộc lách luật bất thành - World Cup 2010
Theo điều lệ của FIFA, mỗi đội tuyển phải bắt buộc có 3 thủ môn trong danh sách 23 cầu thủ tham dự World Cup 2010. Chắc chắn ai quan tâm đến bóng đá đều biết đến điều này, song chỉ riêng CDCDND là…cố tình không biết. Có lẽ BHL đội tuyển Bắc Triều cho rằng trong vòng 1 tháng mà dùng đến 3 thủ môn thì quả là lãng phí. Nên vì thế mà họ đã tìm cách lách luật.
Tiền đạo Kim Jong-Hun (phải) làm thủ môn miễn cưỡng |
Theo đó, HLV Kim Jong-Hun của CHDCND Triều Tiên vẫn triệu tập đúng 23 cầu thủ theo quy định. Song điều đáng nói là trong số 3 môn, chỉ có hai người chơi ở vị trí chính thức là Ri Myong-Guk và Kim Myong-Gil, còn Kim Myong-Won - thủ môn số 3 lại là… một tiền đạo đang đầu quân cho CLB Amrokgang giải VĐQG Triều Tiên. Có lẽ chiến lược gia Jong-Hun hy vọng rằng sẽ tung Myong-Won khi cần tăng cường hàng công.
Tuy nhiên, quyết định lách luật của BHL Triều Tiên đã không qua mắt được các quan chức của FIFA. Kết quả là dù thế nào chăng nữa thì Kim Myong-Won cũng chỉ được phép chơi ở vị trí… thủ môn. Đến lúc này, Kim Jong-Hun chỉ còn nước cầu khấn cho hai thủ môn chính là Myong-Guk và Kim Myong-Gil không gặp chấn thương, nếu không Kim Myong-Won sẽ trở thành trò cười trước khung thành mất.
8. Peru tiếp tay cho Argentina? - World Cup 1978
Những thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước là khoảng thời gian vô cùng thăng hoa của Argentina. Đặc biệt khi giải đấu diễn ra trên sân nhà của đội bóng xứ sở Tango năm 1978. Tuy nhiên, nếu chứng kiến cách mà Albiceleste vượt qua Brazil để giành vé vào chơi trận chung kết thì vẫn là một câu hỏi không có lời giải.
Peru đã giúp Argentina vượt qua Brazil vào trận chung kết |
Sau khi kết thúc vòng đấu bảng thứ 2, Brazil có được 5 điểm với 2 trận thắng và một trận hòa, hiệu suất ghi bàn là 6-1. Trong khi đó, Argentina mới có 2 điểm, hiệu suất ghi bàn là 2-0 nhưng chưa đá trận cuối với Peru diễn ra sau trận gặp Brazil gần một giờ đồng hồ. Không biết khoảng thời gian gần 1 giờ đó, BHL chủ nhà World Cup 1978 đã nói gì với đội tuyển Peru. Để rồi sau khi trận đấu kết thúc người ta nhìn thấy tỉ số Argentina thắng 6-0.
Chiến thắng hoành tráng đó đã giúp Argentina vượt mặt đại kình địch Brazil để ghi tên vào trận chung kết nhờ hơn về hiệu số bàn thắng thua. Sau giải đấu kết thúc, không chỉ BHL Selecao mà tất cả tín đồ túc cầu trên toàn thế giới đều muốn biết về nguyên nhân Peru đại bại trước Albiceleste. Tuy nhiên, có lẽ chỉ có Chúa mới biết!
9. Hàn Quốc được thiên vị - World Cup 2002
Không chỉ người dân xứ sở Kim Chi mà giới mộ điệu túc cầu châu Á còn rất tự hào về kỳ tích mà Hàn Quốc đạt được tại World Cup 2002. Tuy nhiên, đối với giới mộ điệu châu Âu, đặc biệt là người Ý và Tây Ban Nha chắc chắn không bao giờ phục chiến thắng của các chiến binh Taegeuk. Bởi theo họ, để tiến tới bán kết, đội đồng chủ nhà Hàn Quốc đã nhận được sự hậu thuẫn cực lớn từ các trọng tài.
Hàn Quốc nhận được rất nhiều ưu ái từ các trọng tài |
Cụ thể là trong trận Hàn Quốc gặp tuyển Ý ở vòng 1/16, trọng tài người Ecuador Byron Moreno thẳng thừng từ chối bàn thắng hợp lệ mà tiền đạo Vieri ghi được cho Azzurri. Sự ức chế đã khiến tinh thần đoàn quân áo thiên thanh sa sút thảm hại để rồi họ trả giá bàng “bàn thắng vàng” của Ahn Jung Hwan ghi được ở phút 117.
Chưa hết, tại trận tứ kêt gặp Tây Ban Nha, những quyết định của trọng tài người Ai Cập Gamal Ghandour cũng khiến nhiều người phải hoài nghi. Ông Ghandour cũng đã từ chối một bàn thắng hợp lệ của Tây Ban Nha, mặc dù máy quay chậm ghi lại quả tạt bóng của Joaquin cho Morientes ghi bàn chưa đi hết đường biên ngang. Nhờ những “trợ giúp” đó của các vị “vua áo đen”, Hàn Quốc đã tạo nên một kỳ World Cup thành công nhất trong lịch sử.
10. Bó tay với Kuwait - World Cup 1982
Trong trận đấu tại bảng 4 giữa tuyển Pháp và Kuwait, Les Bleus đã cho thấy sự vượt trội bằng việc ghi tới 3 bàn vào lưới đội bóng Trung Đông ngay trong hiệp 1. Sự bê bối chỉ xảy ra trong những phút của hiệp 2. Khi đó, Kuwait đang để thua với tỉ số 1-3 thì tiền vệ Alain Giresse nâng tỉ số lên 4-1 cho tuyển Pháp sau đó. Tuy nhiên, các cầu thủ Kuwait không phục và liên tục phản đối trước quyết định của trọng tài người Nga Miroslav Stupar.
Pháp vẫn vùi dập Kuwait 4-1 dù bị từ chối một bàn thắng hợp lệ |
Các cầu thủ đến từ Trung Đông cho rằng họ đã nghe thấy tiếng còi thổi phạt nên đã cho dừng bóng. Thậm chí ngay cả hoàn tử Hoàng tử Fahid – chủ tịch liên đoàn bóng đá Kuwait cũng lao xuống đường pitch để phản đối bàn thắng. Không còn cách nào khác trọng tài Stupar buộc phải tước bỏ bàn thắng của Les Bleus, cho dù sau đó ban điều tra cho biết tiếng còi xuất phát từ trên phía khán đài.
Tuy nhiên, sự “khiếu nại” thành công của Hoàng tử Fahid và các cầu thủ Kuwait cũng chẳng giúp họ cải thiện tình hình trận đấu. Bởi một phút trước khi trận đấu kết thúc hậu vệ Maxime Bossis đã ghi bàn ấn định chiến thắng 4-1 cho “những chú gà trống thành Gaulois”. Sau giải đấu, Kuwait thậm chí còn bị phạt 8000 bảng vì hành vi “khiếu kiện trên mức cần thiết” của mình.
AN NHI
Theo DV