10 quảng cáo 'phản chủ' nhất mọi thời đại
Nike, McDonald, KFC, hay hãng viễn thông Vodafone... từng có những clip quảng cáo tự hại mình một cách hài hước.
Hấp dẫn, lôi cuốn với sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi nổi tiếng làng túc cầu, quảng cáo Nike cho dịp World Cup 2010 được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, một điều khôi hài là Ronaldinho - cầu thủ đầy kỹ thuật trong clip này lại không thể hiện được gì tại mùa giải năm đó, hay Hà Lan và Tây Ban Nha thẳng tiến vào trận chung kết dù tại đây họ bị cho là sẽ thất bại. |
Nhằm quảng bá phiên bản màu trắng của máy chơi game cầm tay PSP, Sony đã tung ra chiến dịch quảng cáo với cuộc chiến của hai nữ chiến binh: một da trắng mặc áo trắng và một da màu mặc áo đen. Ngay sau đó, quảng cáo này bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc bất chấp lời giải thích của hãng điện tử Nhật Bản. |
Nhằm gây ấn tượng với các khách hàng tuổi teen, McDonald đã sử dụng ngôn ngữ "nhí nhảnh" nhất có thể và trong đó có câu "I'd hit it". Ở đây, hãng này ám chỉ khách hàng sẽ ăn sản phẩm của mình, song với giới trẻ, "I'd hit it" lại mang hơi hướng tình dục nhắm đến các cô nàng xinh đẹp. |
Hãng đồ ăn nhanh Burger King đã tổ chức cuộc thử nghiệm để xem khách hàng thích thú ới sản phẩm Whopper Virgins của hãng hay là Big Mac của McDonald. Sau đó, dù Whopper chiến thắng nhưng đây vẫn là một thảm họa quảng cáo, lý do nằm ở chữ Virgins (trinh nữ). |
Chi ra cả đống tiền để quảng cáo của mình có chỗ trên Super Bowl, song trang mua chung Groupon chỉ khiến người ta bực mình. Đó là khi nó nhắc đến các vấn đề bất ổn ở Tây Tạng để quảng bá cho một nhà hàng tại Chicago, đồng nghĩa với việc tầm thường hóa chúng một cách thô thiển. |
Với hãng hàng không Spirit Airlines, loại dầu mà BP làm tràn ra biển và giết chết hàng ngàn sinh vật hoang dã chắc chắn sẽ khác với loại dầu chống nắng mà những cô người mẫu sử dụng tại điểm đến Cancun hay Puerto Rico. Tuy nhiên, việc tung quảng cáo ra ở thời điểm không thích hợp đã khiến hãng này mất nhiều hơn được. |
Chocolate của Cadbury rất ngon, thậm chí có thể nói là tuyệt vời. Tuy nhiên, tự so sánh sản phẩm của nó với Kashmir - vùng đất tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan lại vô cùng nhạy cảm. Nhất là khi đã có hàng chục ngàn người đã chết vì cuộc chiến này. |
Quảng cáo của KFC tại Úc lấy bối cảnh trận đấu Cricket giữa Australia và West Indies. Theo đó, một anh chàng da trắng đã cho những người da đen xung quanh mình đồ ăn của KFC để khiến họ im lặng. Và do đó, quảng cáo này bị coi là mang tính phân biệt chủng tộc sâu sắc. |
Rõ ràng chủng tộc và tôn giáo là hai thứ không nên động đến khi quảng cáo, song hãng kem Antonio Federici đã mắc phải sai lầm này. Đó là khi nó sử dụng hình ảnh một nữ tu mang bầu đang ăn kem với thông điệp: "Thụ thai một cách trong sáng - kem là tôn giáo của chúng tôi". |
Vodafone - một trong những hãng viễn thông lớn nhất thế giới cũng từng dính phải scandal liên quan đến quảng cáo tại Ai Cập. Hãng này đã tung ra thông điệp rằng với sự giúp đỡ của mình, cuộc biểu tình thành lập chính phủ mới đã diễn ra thành công (mạng di động và Internet có vai trò quan trọng trong sự kiện này). Thế nhưng, Vodafone dường như đã quên mất rằng chính họ đã cắt dịch vụ trong giai đoạn cao trào của cuộc biểu tình dưới sức ép của chính phủ. |
Vũ Vũ
Theo Therichest/ Infonet