Vua Anh chết vì mũi tên của cận thần khi săn thú
William II là con trai thứ hai của William I, người mang biệt danh “kẻ chinh phục”. Nóng nảy và tự phụ, ông là vị vua tồi của nước Anh.
Vào ngày 2/8/1100, William II cùng một đoàn người, bao gồm em trai Henry, đi săn trong rừng New Forest. Đoàn người chia thành hai nhóm do William cùng một người mang tên Walter Tirel tách riêng. Nhà vua đưa cho Tirel hai trong số 6 mũi tên của ông. Một lát sau, một mũi tên găm vào ngực ông.
Một tranh chân dung của vua William II. Ảnh: blogspot.com |
Hiển nhiên, Tirel nhằm vào một con nai nhưng anh ta bắn trượt khiến mũi tên bay về phía vua. Những tai nạn như vậy khá phổ biến trong các cuộc săn thú. Chính anh trai và một người anh họ của William từng chết bởi những mũi tên lạc. Tirel rời khỏi hiện trường rồi trốn do lo ngại kết cục mà anh ta phải hứng chịu bởi cái chết của William.
Nhưng nếu William không phải là nạn nhân của một tai nạn thì có thể Tirel là một phần của một âm mưu ám sát ông.
Rõ ràng Henry, người kế vị William, có động cơ để ám sát anh. Henry tỏ ra vội vàng trong việc đoạt ngai vàng ở Winchester trong khi người ta vẫn đang chở thi hài William tới nơi an nghỉ cuối cùng. Ngoài ra, Henry tỏ ra rất hào phóng với gia đình Tirel.
Gần đây, một giả thuyết cho rằng Tirel thông đồng với Raoul d’Equesnes, một gián điệp Pháp. Raoul muốn William chết để ngăn chặn kế hoạch xâm lược Pháp của Anh. Nếu giả thuyết này đúng thì Raoul đã đạt được mục đích, bởi sau khi Henry lên ngôi, ông đã hủy kế hoạch ngay lập tức.
Nghi án vợ tổng thống Mỹ giết chồng
Warren G. Harding, tổng thống thứ 29 của Mỹ, theo đuổi lối sống không lành mạnh, bởi ông uống rượu, hút xì gà và đánh bài xì thâu đêm. Ông là ứng cử viên lý tưởng cho một cơn đau tim.
Vào tháng 7/1923, Harding thực hiện chuyến công du khắp nước Mỹ, với các điểm dừng tại Vancouver, Alaska và bang Washington. Ông tỏ ra mệt mỏi, yếu và phải hủy việc phát biểu tại thành phố Portland và San Francisco. Ngày 2/8/1923, Harding qua đời. Sử sách cho rằng ông chết vì đau tim.
Tổng thống Mỹ Warren G. Harding. Ảnh: blogspot.com |
Song 4 bác sĩ từng điều trị cho Harding trong tuần cuối cùng của đời ông không thể nhất trí về nguyên nhân chính xác khiến tổng thống tử vong. Khám nghiệm tử thi – một việc có thể giải đáp mọi câu hỏi – không bao giờ diễn ra bởi đó là mệnh lệnh của Florence Harding, đệ nhất phu nhân Mỹ. Những diễn biến đáng ngờ đó khiến người ta nghi chính quyền muốn giấu điều gì đó.
Lời kể về những phút cuối cùng của Harding mâu thuẫn với nhau. Dường như tổng thống Mỹ gục ngã do chứng khó tiêu và viêm phổi vào tối 2/8/1923. Bà Florence đã dìu ông về phòng trong khách sạn. Khi đệ nhất phu nhân rời khỏi phòng để về phòng của bà, một y tá bước vào và thấy khuôn mặt của tổng thống co giật. Một người khác kể rằng Charles Sawyer, một bác sĩ mà cả Harding và vợ tin tưởng, chứng kiến cái chết của tổng thống.
Nếu Harding là nạn nhân của một vụ ám sát, nghi phạm đáng ngờ nhất chính là đệ nhất phu nhân – bởi bà có động cơ, phương tiện và cơ hội để thực hiện vụ ám sát. Harding là một người đàn ông hay tán tỉnh phụ nữ và rất có thể ông có con riêng với Nan Britton, người tình của ông. Chuyện đó đủ cấu thành động cơ giết người của Florence. Nhưng Harding còn có quan hệ tình ái với Carrie Phillips, một phụ nữ đã kết hôn. Chồng của Carrie dọa hai người rằng ông sẽ tố giác mối tình vụng trộm của họ. Vì thế một số người đoán Florence giết chồng để tránh nỗi nhục trước công chúng. Bà có thể đầu độc Harding dễ dàng khi ở cùng tổng thống trong phòng khách sạn.
Một năm sau khi Harding qua đời, bác sĩ Sawyer cũng tử vong theo cách tương tự. Ông chết sau khi gặp bà Florence. Như vậy, một giả thuyết khác nảy sinh: Có thể Florence giết chồng nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ Sawyer, sau đó bà đoạt mạng vị bác sĩ để đảm bảo rằng ông sẽ im lặng mãi mãi. Florence qua đời hai tháng sau đó, mang theo những bí mật xuống mồ.
Napoleon chết vì thạch tín hay ung thư?
Sử sách nói rằng Napoleon Bonaparte qua đời vào ngày 5/5/1821 do ung thư dạ dày. Trước đó, căn bệnh tương tự đã giết Carlo Bonaparte, cha của ông.
Song các bằng chứng cho thấy những dấu vết của hành vi đầu độc bằng thạch tín trong tóc của Napoleon. Sten Forshufvud, một bác sĩ người Thụy Điển, quảng bá giả thuyết Napoleon chết vì thạch tín khiến nó trở nên phổ biến. Theo Sten, một trong những người thân cận với Napoleon đầu độc ông.
Hoàng đế Napoleon Bonaparte. Ảnh: blogspot.com |
Những học giả khác chỉ ra rằng việc thạch tín tồn tại trong cơ thể Napoleon không đồng nghĩa với một vụ ám sát. Thạch tín là nguyên liệu khá phổ biến trong nhiều sản phẩm gia dụng trong thế kỷ 19. Người ta chỉ ra một thủ phạm: Màu xanh lục trên giấy dán tường trong ngôi nhà của Napoleon tại St. Helena. Chất nhuộm màu đó giải phóng thạch tín khi nó gặp không khí ẩm. Như vậy, rất có thể vị hoàng đế Pháp nhiễm thạch tín từ môi trường.
Giả thuyết về thạch tín có nhiều điểm vô lý. Những mẫu tóc của Napoleon có hàm lượng thạch tín tương đương mẫu tóc của con trai và vợ ông, bà Josephine. Ngoài ra, cơ thể Napoleon khá béo khi ông qua đời, trong khi những nạn nhân của thạch tín luôn sút cân ghê gớm trước khi chết. Giả thuyết về ung thư cũng không đáng thuyết phục. Các báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy căn bệnh ung thư của Napoleon chưa tới giai đoạn nguy hiểm khi ông lìa đời. Vì thế ông chỉ có thể mất mạng vì biến chứng của ung thư - như xuất huyết dạ dày. Người ta chỉ có thể chứng minh nhà quân sự thiên tài của Pháp chết vì ung thư nếu kiểm tra mô của cơ thể. Song các hậu duệ của ông đều không cho phép các chuyên gia tiếp cận thi hài ông.