Sáng 24/9, vài giờ sau khi Luxury bar trên phố Yên Phụ (Hà Nội) bốc cháy, rất đông người nhà bệnh nhân bị ngạt khí túc trực tại bệnh viện Saint Paul để chờ thông tin từ người thân.
Chị Hoa (người nhà một nam bệnh nhân) chia sẻ, các bác sĩ nói anh này chỉ bị bỏng nhẹ nên gia đình cũng tạm yên tâm. "Không cho đi chơi thì bảo cấm đoán, chứ đêm hôm nghe tin mà tôi không thở được.", chị Hoa nói.
Đôi mắt thâm quầng sau một đêm thức trắng, cô gái hơn 20 tuổi cho biết, tối qua lần đầu tiên cùng bạn đi bar thì gặp sự cố. "Tối qua bạn của em phải nhập viện nhưng sáng nay các bác sĩ thông báo tình hình đã khá hơn", thiếu nữ này nói và phỏng đoán, hỏa hoạn có thể do chập điện hệ thống lèn led trên trần nhà.
Sau nhiều giờ cháy, quán bar 3 tầng đã bị thiêu rụi. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Trong khi đó, hơn 1 tiếng sau vụ cháy, nhiều nhóm thanh niên tỏ ra hốt hoảng khi không thể liên lạc với những người bạn cùng vào quán bar. Hải My (23 tuổi) cho biết, cả nhóm 6 người tới đây chơi từ 21h nhưng hơn 22h Hải My cùng hai bạn về trước. Không lâu sau họ nhận được tin bar bốc cháy liền quay lại nhưng không liên lạc đươc với các bạn còn lại.
Theo Hải My, khi tới trước quán để liên lạc với bạn thì một nhân viên ở đây cho hay, cửa ra vào bị sập và mọi người mắc kẹt bên trong đang tìm cách thoát thân.
Đứng trước khách sạn Thắng Lợi (đối diện Luxury bar), một nhóm gần 20 nam, nữ nhân viên và một số người vừa thoát khỏi đám cháy nằm vật vạ trên thảm cỏ. Một số người do ngạt khói phải nằm nghỉ lấy sức, số còn lại cố gắng liên lạc với bạn bè vẫn còn ở trong quán.
Hơn 2h sáng, ngọn lửa được dập tắt nhưng khói và hơi nóng vẫn hừng hực khiến lực lượng chức năng vẫn phải phun nước, chưa thể tiếp cận đám cháy. Sáng 24/9, khi đám cháy đã nguội hẳn, lực lượng chức năng mới bắt đầu khám nghiệm hiện trường.
Sáng 24/9, nhân viên của quán đã tới thu dọn đồ đạc, tài sản trước khi cảnh sát tới khám nghiệm hiện trường. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Trao đổi với Zing.vn, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, bệnh viện Saint Paul (Hà Nội) cho biết, tối 23/9 tiếp nhận 10 thanh niên tới cấp cứu nhưng hiện tình hình các bệnh nhân đã tạm ổn.
"Hầu hết họ đều bị bỏng hô hấp do ngửi phải khí độc. Các vết bỏng ở mặt, tay hay lưng không nhiều và không gây nguy hiểm. Vấn đề đáng lo ngại nhất là bỏng hô hấp, phần bên trong mới phức tạp", ông Thống nói.
Theo ông Thống, bệnh nhân bỏng hô hấp do hít phải khí độc sẽ được theo dõi trong 1 tuần, nếu tình hình ổn định mới cho ra viện. Các trường hợp bỏng này tương tự như bỏng của 3 chiến sỹ trong vụ máy bay rơi Mi-171 nên phải theo dõi kỹ.
Ông Thống cũng cho biết thêm, trong 10 trường hợp cấp cứu có 1 bệnh nhân nam (23 tuổi) là bị nặng nhất, do hít phải quá nhiều khí độc. Dù bệnh nhân này đã qua cơn nguy kịch nhưng bị bỏng nội tạng nên việc điều trị rất phức tạp.
"Ca này không đơn giản như điều trị bỏng ngoài da nên cần theo dõi mới có thể tiên lượng", ông Thống nhấn mạnh.