Sáng 27/10, tại buổi giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Chống ngập TP, cho biết: Đến nay TP mới chỉ lắp đặt được hơn 2.500 km cống thoát nước chống ngập các loại (trên tổng số 6.000 km).
Về đê bao ngăn triều và nước mưa, TP mới chỉ làm được 64/149 km ở khu vực sông Sài Gòn và 1/10 cống kiểm soát triều (cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè)…
Theo Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín, các giải pháp đặt thêm cống, làm đê bao, van ngăn triều, xây hồ điều tiết… chỉ là tình thế mang lại kết quả tạm thời… và 10 năm qua mới chỉ giải quyết được khoảng 10% tình trạng ngập ở TP. Trong khi tình trạng ngập do mưa, do triều cường ngày càng trầm trọng.
“Chúng ta chống ngập chỗ này lại đẩy ngập sang chỗ khác. Thậm chí có công trình chống ngập mới xong trong năm nay thì năm sau khu vực đó lại ngập”, ông Tín nói.
“Công trình” chống ngập của người dân không ngăn nổi nước tràn vào nhà. |
Theo ông Tín, có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập ở TP diễn biến phức tạp là: điều kiện tự nhiên của Sài Gòn không thuận; biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, không thuận lợi; quản lý nhà nước về thoát nước và chống ngập còn quá nhiều bất cập…
“Không nhìn thấy ba nguyên nhân căn bản, cốt lõi này thì các giải pháp chống ngập đưa ra không mang tính tổng thể, không toàn diện và không trúng…” - ông Tín nói.
Ông Tín dẫn chứng cao độ trung bình của TP từ Bắc xuống Nam, từ Đông qua Tây là 1.0, trong khi vũ lượng, thời gian mưa và triều cường kết hợp nhiều lúc đã đẩy lượng nước tràn, dâng lên 1.5 đến 1.68…
Với tình hình đó, tới đây có đến 2/3 diện tích TP nằm dưới nước mưa, triều cường” - ông Tín cảnh báo.
Từ tình hình trên, ông Tín cho biết việc chống ngập ở TP cần chú trọng vào ba giải pháp: Một là xử lý thông thoáng hệ thống thoát nước nội đô bằng việc nạo vét, tạo thông thoáng cho toàn bộ hệ thống kênh, rạch đang bị lấp, bồi (như dự án Tham Lương - Vàm Thuật cần khoảng 450 triệu USD); dần thay mới hệ thống cống cũ trên 100 năm và có tiết diện quá nhỏ (chỉ trung bình 800 mm, thay bằng cống hộp từ trên 2.000 x 2.000 mm…).
Hai là xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở 12 khu vực trọng điểm với mức kinh phí không dưới 200 triệu USD/dự án (hiện mới chỉ xây dựng được ở Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm)… Ba là xây dựng hệ thống đê bao ở các khu vực trọng điểm, đông dân cư ven các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ…
“Tuy nhiên, không phải làm đê bao tràn lan. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, nhiều nơi đất trống, dân cư không đông thì vẫn phải để nước thâm nhập tự nhiên, không nên làm đê bao, ngăn nước triệt để vì sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực cho môi trường” - ông Tín lưu ý.
Tuy nhiên theo ông Tín, những biện pháp công trình trên sẽ không giải quyết được ngập nếu ý thức xả, thải của người dân còn thấp.
“Thượng nguồn - nơi hợp lưu của kênh Nhiêu Lộc phải thoát nước mưa nhanh, thoát mạnh sao lại tắc, lại ngập? Nguyên nhân vì dân xả rác cả trên đường lẫn trên miệng xả, miệng cống nên mưa xuống, nước dồn về kéo theo rác gây kẹt cống, cửa xả luôn. Vì vậy tuyên truyền, vận động, thậm chí xử phạt hành chính luôn người xả rác phải được chú trọng” - ông Tín nói.