Tuy nhiên, đến nay, tất cả các bãi xe này vẫn chỉ nằm trên giấy vì thiếu cơ chế hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư không mặn mà
Là dự án được chuyển đổi từ dự án khách sạn cao tầng sang bãi đỗ xe ngầm từ năm 2012, tuy nhiên theo ghi nhận của Báo Giao thông, khu đất rộng hơn 10.000 m2 trong Công viên Thống Nhất có cổng ra vào tại số 295 Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn chỉ là một bãi đất trống.
Bà Trần Thị Tuyết Lan, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng cho biết khi hay tin có dự án bãi đỗ xe ngầm, nhiều người dân ở đây cũng đã đồng thuận.
“Chính tôi là người ký biên bản lấy ý kiến người dân về quy hoạch bãi xe tại Công viên Thống Nhất nhưng từ đó đến nay cũng không thấy triển khai”, bà Lan nói.
7 dự án bãi đỗ xe ngầm tại Hà Nội đều không tìm được nhà đầu tư, còn các dự án tại TP.HCM nhà đầu tư đăng ký rồi để đấy. |
Dự án trên được thành phố giao cho một đơn vị công ích là Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thực hiện. Sau đó, đơn vị này đã bắt tay triển khai. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo công ty cho biết với dự toán 100 tỷ đồng, trong khi cơ chế để hoàn vốn trả nợ lại chỉ phụ thuộc vào việc thu phí trông giữ xe, khiến đơn vị “không dám” tiếp tục.
Ngoài dự án bãi đỗ xe trên, từ năm 2010 đến nay, UBND TP cũng đưa ra chủ trương xây dựng 7 dự án bãi đỗ xe ngầm tại các địa điểm khác gồm: tại Khu thể thao Quần Ngựa, tại Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, quảng trường Ngân hàng Nhà nước (quận Hoàn Kiếm), Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng). Tuy nhiên, đến nay tất cả các dự án này vẫn nằm trên giấy do không tìm được nhà đầu tư.
Gần đây nhất, Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ đề xuất lên UBND TP Hà Nội dự án bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Cầu Giấy với diện tích 1,45 ha (trên tổng diện tích 10 ha), với lý do khu vực xung quanh đang thiếu trầm trọng bãi đỗ xe. Nếu được thành phố chấp thuận, chủ đầu tư cam kết tối đa 12 tháng, dự án này sẽ được hoàn thành. Hiện dự án vẫn đang được lấy ý kiến người dân trong khu vực.
Theo tìm hiểu, không ít nhà đầu tư quan tâm đến các dự án này. Tuy nhiên, do vướng mắc thủ tục và cơ chế đầu tư, thu hồi vốn nên chưa có dự án nào được triển khai. Bởi lẽ, vốn đầu tư thường lên tới cả trăm tỷ đồng, trong khi hầu hết nguồn vốn đầu tư doanh nghiệp đi vay ngân hàng, nếu chỉ trông chờ vào tiền trông giữ xe mà không được kết hợp với dịch vụ thương mại thì không biết đến bao giờ mới trả hết nợ.
TP.HCM mỏi mòn chờ 4 bãi đậu xe ngầm
Ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện TP có 4 dự án bãi đậu xe ngầm đầu tư theo hình thức xã hội hóa đang tiến hành triển khai gồm: Bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, sân khấu Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư.
Riêng bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám với sức chứa khoảng 1.300 xe ôtô, 2.000 xe máy, tổng vốn đầu tư 1.748 tỷ đồng được động thổ từ năm 2008 nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn chưa xong phương án tài chính.
Dự án bãi đỗ xe ngầm Công viên Lê Văn Tám (TP.HCM) vẫn nằm trên giấy. |
Ngày 9/4, PV trở lại Công viên Lê Văn Tám (TP.HCM) và ghi nhận hoạt động triển khai xây dựng bãi đỗ xe vẫn im lìm. Tương tự, dự án bãi đậu xe ở sân khấu Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư, Công viên Tao Đàn vẫn chưa có dấu hiệu sắp triển khai. Tại dự án sân khấu Trống Đồng mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, các chương trình biểu diễn diễn ra đều đặn hàng đêm…
Một nhân viên thu phí gửi ôtô tại khu vực công viên Lê Văn Tám cho biết: “Từ lâu người dân đã biết thông tin sẽ có bãi đậu xe ngầm ở đây vậy mà đã hơn 10 năm nay dự án vẫn không nhúc nhích. Nếu dự án triển khai sớm sẽ giải tỏa được hàng nghìn xe gửi ở công viên mỗi ngày để tài xế đỡ vất vả đi tìm chỗ đậu xe”.
Theo ông Nguyên, sở và các đơn vị liên quan đã phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư sớm triển khai. Tuy nhiên, đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa hoàn tất các thủ tục khởi công công trình theo dự kiến và chưa chứng minh được nguồn tài chính để triển khai. Sở GTVT đã báo cáo tiến độ về tình hình dự án trên với UBND TP, hiện TP chưa có phản hồi gì.
Theo Sở GTVT, dự án bãi đỗ xe ngầm Công viên Lê Văn Tám và sân khấu Trống Đồng vướng mắc cơ chế, chính sách, chưa có ưu đãi, thủ tục hành chính phức tạp… nhưng đã xử lý xong. Các nhà đầu tư chưa tính toán xong phương án tài chính nên chưa thể triển khai.
“Quan điểm của TP lúc nào cũng ủng hộ các nhà đầu tư, vì TP luôn cần các bãi đậu xe ngầm. Dự án công viên Lê Văn Tám có khả năng bị “chìm xuồng” vì tình hình dự án đến nay thế nào nhà đầu tư không có báo cáo. Về việc này Sở GTVT đã báo cáo UBND TP để TP xem xét chỉ đạo tiếp”, một cán bộ của Sở GTVT nói.
Phải cấp bách gỡ vướng
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết khi UBND thành phố đưa ra chủ trương xây dựng bãi đỗ xe ngầm đều có nhà đầu tư đặt vấn đề muốn triển khai. Tuy nhiên, do vướng mắc thủ tục và cơ chế đầu tư, thu hồi vốn nên chưa có dự án nào triển khai, hoàn thành.
Vị trí dự kiến xây bãi đỗ xe ngầm trong Công viên Thống Nhất (Hà Nội). |
“Một số nhà đầu tư quan tâm đến dự án bãi đỗ xe ngầm Hà Nội cho rằng với tổng mức đầu tư với bãi đỗ xe rất lớn phải mất nhiều năm mới thu hồi vốn. Đơn cử, nhà đầu tư khi gửi văn bản kiến nghị cũng tính toán cụ thể, xây bãi xe ngầm ít cũng khoảng 100 tỷ đồng, như bãi đỗ xe ngầm tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô lên đến cả 1.000 tỷ đồng, nếu thu hồi vốn chỉ qua mức giá trông giữ xe do thành phố ban hành hiện nay thì phải mất rất nhiều năm”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cho biết cơ quan chức năng đang tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, đảm bảo tính khả thi cũng như hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Hà Nội dự kiến đề xuất cho phép nhà đầu tư được lồng ghép chức năng dịch vụ tiện ích, thương mại khi đầu tư xây dựng nhưng không làm thay đổi chức năng quy hoạch cơ bản của ô đất, cũng như công suất đỗ xe; Xem xét cho phép bán một số chỗ đỗ xe ngầm sau khi đầu tư xong; ưu đãi về vay vốn, tiếp cận nguồn vốn; ưu đãi về thuê đất, giao đất; ưu đãi trong việc sử dụng, áp dụng các công nghệ khoa học hiện đại tiên tiến cho dự án...
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, cho biết Liên Sở KH&ĐT - GTVT vừa có tờ trình tham mưu cho UBND thành phố về cơ chế chính sách kèm đồ án quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe để thu hút đầu tư đầu tư vào bãi xe ngầm trên địa bàn.
“Sau khi được HĐND thành phố thông qua, thời gian tới ngoài phí, giá, thành phố đã có chủ trương sẽ dành một phần diện tích bãi đỗ xe ngầm để nhà đầu tư tự kinh doanh, sớm thu hồi vốn”, ông Quyền thông tin và cho biết thêm, đối với bãi xe ngầm khu vực Công viên Thống Nhất, đến nay đã có một số nhà đầu tư đăng ký với Sở KH&ĐT, chỉ chờ HĐND TP Hà Nội thông qua sẽ tiến hành triển khai.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung:
Bên lề kỳ họp HĐND TP ngày 9/4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, chắc chắn trong tương lai 10 - 12 năm nữa, các bãi đỗ xe tronng thành phố sẽ thiếu trầm trọng.
“Xu hướng của các nước đều tận dụng không gian ngầm để bố trí cho các bãi đỗ xe. Vì thế, việc dành không gian công cộng để kêu gọi các nhà đầu tư để đầu tư các không gian ngầm phục vụ cho thương mại, nhất là bãi đỗ xe là rất cần thiết”, ông Chung nói.
Tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua việc thành phố sẽ dành khoảng 1.800 ha đất để làm bãi đỗ xe. Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, 12 quận nội thành của thành phố hiện chỉ có 590 điểm đỗ, bãi xe tập trung với diện tích khoảng 37,88 ha.
Trong khi đó, lượng xe cộ các loại của thành phố khoảng 5,8 triệu xe. Ước tính, diện tích các điểm, bãi đỗ xe tại Hà Nội mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đỗ xe của người dân. Còn lại khoảng 90% số phương tiện có nhu cầu đỗ hiện nay đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện, các khu đất trống của các dự án...
TS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, để thu hút nhà đầu tư tham gia vào xây dựng, phát triển bãi xe ngầm trên địa bàn TP, các cơ quan chức năng cần tạo niềm tin cho nhà đầu tư thấy được lợi nhuận của việc bỏ vốn ra đầu tư.
“Xây dựng bãi xe ngầm có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Mức đầu tư rất cao nhưng vẫn thu hút được tư nhân tham gia vào lĩnh vực này nếu TP có quy hoạch dài hạn, đi kèm là một số cơ chế đặc thù khác như cho phép trông giữ xe kết hợp với khai thác dịch vụ để rút ngắn thời gian hoàn vốn...”, ông Nghiêm cho hay.