Sáng 5/12, tại kỳ họp thứ 7, với 94,12% đại biểu biểu quyết tán thành, HĐND Hà Nội thông qua về quy hoạch bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Theo tờ trình của UBND TP, quy hoạch sẽ chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2018 đến 2025, với tổng mức đầu tư dự báo là 36.700 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 bắt đầu thực hiện từ 2025 đến 2030, tổng mức đầu tư hơn 242.327 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư cho cả hai giai đoạn lên tới gần 280.000 tỷ (khoảng 12 tỷ USD), thời gian thực hiện theo kế hoạch chỉ hơn 10 năm.
Mục tiêu của quy hoạch là xây dựng các bến, bãi đỗ xe theo tiêu chí "bền vững - đồng bộ - hiện đại", đáp ứng nhu cầu đi lại, dừng đỗ xe, giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông.
Quy hoạch cũng hướng đến đảm bảo việc phát triển đô thị được bền vững và đồng bộ với hạ tầng giao thông vận tải. Trong giai đoạn 1, Hà Nội dự kiến đầu tư gần 30.000 tỷ đồng vào các bãi đỗ xe công cộng với 204 dự án và nguồn vốn chủ yếu từ đầu tư xã hội hóa.
TP dự kiến đầu tư cho 5 bến xe khách liên tỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng, 5 bến xe tải (2.570 tỷ đồng) và 4 trung tâm tiếp vận (1.950 tỷ đồng).
Tổng mức đầu tư cho các bãi đỗ xe công cộng ở giai đoạn 2 vẫn chiếm phần lớn và dự kiến mức đầu tư là 232.723 tỷ đồng.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (huyện Sóc Sơn) cho rằng quy hoạch được trông đợi từ lâu, đáp ứng các nhu cầu về phát triển giao thông vận tải và xây dựng đô thị thủ đô văn minh hiện đại.
"Các cơ quan thành phố, các cử tri và nhân dân đều rất mong đợi có một quy hoạch về bến bãi đỗ xe ở khu vực trung tâm đô thị, cũng như là các hệ thống giao thông tĩnh nói chung trên địa bàn TP", ông Bình nói.
Theo Ban Đô thị HĐND Hà Nội, các bãi đỗ xe ngầm dự kiến sẽ có thêm các chức năng thương mại dịch vụ tiện ích để tăng tính hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đẩy nhanh thời gian thu hồi vốn của dự án.
Về vấn đề này, đại biểu Bình nhận định đây là biện pháp phù hợp với thực tiễn, phù hợp với mô hình các bến xe ở các nước tiên tiến trên thế giới.