10 khoảnh khắc lịch sử Mỹ - Triều trong 65 năm biến động
Thứ tư, 13/6/2018 14:28 (GMT+7)
14:28 13/6/2018
Từ kẻ thù chiến tranh đến cái bắt tay lịch sử kéo dài 12 giây, Mỹ và Triều Tiên đã trải qua chặng đường 65 năm đầy sóng gió.
Kẻ thù chiến tranh (1950-1953): Sau khi Triều Tiên tấn công Hàn Quốc tháng 6/1950, Mỹ đã can thiệp và hậu thuẫn Hàn Quốc chống lại lực lượng Triều Tiên. Hơn 36.000 lính Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến khốc liệt này. Kể từ đó, Triều Tiên coi Mỹ là kẻ thù số một, còn Mỹ thì vẫn duy trì quân sự ở Hàn Quốc đề phòng Triều Tiên đánh chiếm miền nam. Ảnh: Getty.
"Nỗi xấu hổ" USS Pueblo (1968): Tháng 1/1968, Triều Tiên đã tóm gọn tàu do thám Mỹ USS Pueblo. Tuy là chiến hạm trinh sát, thuyền trưởng và các thủy thủ không phát hiện ra hải quân Triều Tiên. USS Pueblo hiện được trưng bày tại Bình Nhưỡng và binh lính Triều Tiên hiếm khi bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng chiến tích của bên mình. Ảnh: KCNA/AP.
Máu đổ tại khu phi quân sự DMZ (1976): Vào mùa hè năm 1976, hai sĩ quan Mỹ đã bị lính Triều Tiên dùng rìu chém tới chết tại làng Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự ngăn cách Hàn Quốc và Triều Tiên. Sự cố đáng tiếc bắt nguồn từ việc phía Mỹ - Hàn tìm cách đốn cây bạch dương, được cho là do ông Kim Nhật Thành trồng, vì nó che khuất tầm nhìn của quan sát viên Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP.
Mỹ trong vai trò trung gian (1994):
Tháng 6/1994, cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã gặp gỡ Kim Nhật Thành trong chuyến thăm Triều Tiên. Sau đó, ông chuyển lời đề nghị của nhà lãnh đạo Triều Tiên về thượng đỉnh liên Triều tới Hàn Quốc. Do ông Kim Nhật Thành qua đời sau đó, con trai Kim Jong Il đã thay mặt cha tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên cùng cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung vào năm 2000. Ảnh: KCNA/AP.
Thỏa thuận khung: Niềm hy vọng ngắn ngủi (1994): Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton mỉm cười dõi theo cựu thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Gallucci tuyên bố về "Thỏa thuận khung" trong buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm 18/10/1994. Thỏa thuận giải trừ hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên chỉ kéo dài đến năm 2002 sau khi quan chức Mỹ cáo buộc Triều Tiên bí mật tiến hành chương trình hạt nhân. Ảnh: AP.
Chuyến thăm "kẻ thù thời chiến" (2000): Phó nguyên soái Jo Myong Rok, cánh tay phải của Kim Jong Il, trở thành quan chức Triều Tiên cao cấp nhất tới thăm Washington kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực cải thiện quan hệ sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu năm 2000. Ảnh: AFP.
Thân thiện trong phút chốc (2000): Vài tuần sau khi ông Jo tới Washington, cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright có cuộc gặp thân tình với Kim Jong Il tại Bình Nhưỡng để sắp xếp chuyến thăm Triều Tiên của Clinton. Sự thân thiện từ hai chính phủ không tiếp diễn sau khi tổng thống George W. Bush nhậm chức năm 2001 với chính sách cứng rắn dành cho Triều Tiên. Ảnh: AP.
Đàm phán 6 bên bế tắc (2003): Tuy Mỹ đã trở lại bàn đàm phán trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên năm 2003, nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình của 6 nước không đạt được tiến triển. Năm 2009, Triều Tiên tuyên bố rút khỏi Đàm phán 6 bên để phản đối lệnh trừng phạt từ quốc tế. Ảnh: AP.
Hiểm họa hạt nhân Triều Tiên (2017): Trong năm 2017, Bình Nhưỡng đã phóng 23 tên lửa trong 16 lần thử, khiến Mỹ coi vũ khí hạt nhân Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất tới hòa bình và an ninh thế giới. Cuộc đấu khẩu giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều căng thẳng tới mức nhiều người lo ngại chiến tranh thế giới thứ ba sẽ nổ ra. Ảnh: KCNA.
Lịch sử sang trang (2018): Cái bắt tay thân tình giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un ngày 12/6 đã mở ra trang mới ngập tràn hy vọng về mối quan hệ hòa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên tổng thống đương nhiệm Mỹ tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo chính quyền Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters.
Liên Hợp Quốc là một tổ chức quốc tế có mục đích duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên - còn gọi là Triều Tiên, Bắc Triều Tiên hay Bắc Hàn - là một quốc gia Đông Á trên phần phía bắc Bán đảo Triều Tiên. Ở phía nam, nước này giáp biên giới với Hàn Quốc, nước từng cùng là một quốc gia duy nhất với quốc hiệu là Triều Tiên cho tới tận năm 1945. Biên giới phía bắc đa phần giáp với Trung Quốc dọc theo sông Áp Lục và Đồ Môn. Bắc Triều Tiên và Liên bang Nga có chung biên giới dài chỉ 18.3 km dọc theo sông Đồ Môn ở góc đông bắc đất nước. Triều Tiên và Hàn Quốc về lý thuyết vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh sau thỏa hiệp ngừng bắn vào ngày 27/7/1953.
Dù kết quả cuộc gặp có thể nhận về những ý kiến trái chiều, hầu hết đều đồng ý rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa khép lại tại Singapore đã đi vào lịch sử thế giới.
TT Trump đã mang đoạn video dài 4 phút về tương lai hợp tác và phồn vinh chờ đợi Triều Tiên tới cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ông Trump cho biết ông Kim rất thích đoạn video này.