'Bữa tiệc nha khoa của Gazza’: Phút 78 trận đấu thuộc vòng bảng Euro 1996, nhận bóng từ Darren Anderton, Paul Gascoigne có pha chạm bóng cực kỳ tinh tế qua đầu Colin Hendry trước khi tung cú sút như đại bác vào lưới Scotland. Không chỉ lột tả những phẩm chất tốt nhất của người được gọi là “thiên tài bóng đá”, bàn thắng này còn đọng lại trong tâm trí người hâm mộ bởi bàn ăn mừng không giống ai. Gazza đã nằm lăn ở cầu môn Scotland để đồng đội xịt nước tới tấp vào miệng. Hành động này phỏng theo bức ảnh bữa tiệc thác loạn của tiền vệ số 8 cùng đồng đội trong chuyến du đấu tại Hong Kong vài tuần trước đó, chỉ khác là người đổ “nước” vào miệng Gascoigne không phải là McManaman, Sheringham mà là những người đẹp ở hộp đêm. Đây cũng là thông điệp đáp trả báo chí Anh, những người đã chỉ trích Gascoigne vì thói ăn chơi ngay trước giải đấu quan trọng mà người Anh đặt mục tiêu giành chức vô địch.
|
Cú Panenka của Pirlo: Sau 120 phút cầm chân nhau ở trận tứ kết tại Euro 2012, tuyển Anh và Italy kéo nhau đến loạt sút luân lưu cân não. Andrea Pirlo đã khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục khi thực hiện thành công cú panenka vào lưới Joe Hart trong hoàn cảnh Azzurri đang bị dẫn trước 1-2. Ngay sau cú đá đầy táo bạo của cựu tiền vệ Juventus, đoàn quân của HLV Cesare Prandelli đã thắng ngược “Tam sư” với tỷ số 4-2 sau 5 lượt sút penalty để thẳng tiến vào bán kết.
|
Cú đánh gót của Zlatan Ibrahimovic: Người hâm mộ đã được thưởng thức vô số siêu phẩm được thực hiện bởi Zlatan, trong đó phải kể đến cú đánh gót huyền thoại giúp tuyển Thụy Điển đánh bại Italy ở vòng bảng Euro 2004. Sau một tình huống lộn xộn, Gianluigi Buffon băng lên đấm bóng giải nguy, nhưng Ibrahimovic đột nhiên xuất hiện và tung cú đánh gót điệu nghệ đưa bóng vào góc cao khung thành trong sự ngỡ ngàng của toàn bộ hàng phòng ngự Azzurri.
|
‘Bàn thắng vàng’ của Bierhoff: Euro 1996 chứng kiến nhiều điều mới mẻ như áp dụng cách tính 3 điểm cho một trận thắng, tăng số đội tham dự lên 16 đội và không thể không nhắc đến luật bàn thắng vàng. Cầu thủ đội nào ghi bàn thắng ở thời điểm bất kỳ trong hiệp phụ, đội bóng đó sẽ ngay lập tức giành chiến thắng và đối thủ của họ sẽ không có cơ hội sửa chữa sai lầm. Huyền thoại Oliver Bierhoff chính là người đầu tiên mở màn cho đạo luật này bằng pha lập công đem về chức vô địch Euro 1996 cho tuyển Đức trong sự bất lực của CH Séc.
|
Khoảnh khắc siêu phàm của Balotelli: HLV Roberto Mancini từng nói: “Nếu Balotelli không thể trở thành cầu thủ hay nhất thế giới trong tương lai, thì đó là lỗi của cậu ta”. Tuy nhiên, màn trình diễn tốt nhất của tiền đạo ngườ Italy đã diễn ra cách đây 4 năm, đó là trận bán kết Euro 2012 với Đức. Cú đúp gồm một pha đánh đầu và một cú nã vào lưới Manuel Neuer đã đưa Azzurri vào trận chung kết gặp Tây Ban Nha. “Super Mario” ngày nào giờ đang vật lộn với chấn thương và sắp bị AC Milan trả về Liverpool trước thời hạn. Đáng buồn hơn, anh còn không có tên trong danh sách dự Euro năm nay của đoàn quân áo thiên thanh.
|
Bàn thắng quyết định của Michel Platini: Trận bán kết giữa chủ nhà Pháp và Bồ Đào Nha tại Euro 1984 được bầu chọn là một trong những trận đấu hay nhất trong lịch sử giải vô địch châu Âu. Hòa nhau với tỷ số 1-1 trong 90 phút đầu tiên, Bồ Đào Nha bất ngờ vươn lên dẫn trước 2-1 ở phút 98. Tuy nhiên, Domergue đã san bằng tỷ số 2-2 ở phút 114. Tưởng chừng như trận đấu sẽ phải giải quyết bằng loạt sút penalty thì Michel Platini đã kịp thời tỏa sáng bằng pha lập công đem về chiến thắng 3-2 cho “Gà trống Gaulois”. Bàn thắng này đã tạo tiền đề cho chức vô địch đầu tiên của “Les Bleus” ở một giải đấu mang tầm cỡ thế giới. Michel Platini cũng ẵm luôn cú đúp danh hiệu cầu thủ hay nhất và vua phá lưới với 9 pha lập công tại kỳ Euro được tổ chức trên quê hương mình.
|
Cú “Panenka” nguyên bản: Antonin Panenka thường ở lại sau buổi tập để luyện sút phạt cùng thủ môn. thói quen của ông là lừa thủ môn bay người rồi mới nhẹ nhàng bấm bóng vào chính giữa khung thành. “Người chiến thắng khi đó sẽ được ăn vài thanh kẹo hoặc vài ly bia. Với tôi, chúng là phần thưởng đắt giá nhất”, Panenka chia sẻ. Nhưng huyền thoại sinh năm 1948 cũng không ngờ rằng, thói quen khi luyện tập của mình đã tạo nên một định nghĩa riêng của bóng đá thế giới. Antonin Panenka đã làm nên thời khắc lịch sử trong trận chung kết Euro 1974 giữa Tiệp Khắc và Tây Đức bằng cú đá penalty y hệt như lúc ông luyện tập cùng đồng đội.
|
Hy Lạp đăng quang Euro 2004: Dù không được đánh giá cao nhưng Hy Lạp đã viết nên “câu chuyện thần thoại” ở giữa thế kỷ 21 bằng chức vô địch khó tin nhất trong lịch sử các kỳ Euro. Sau khi may mắn vượt qua vòng bảng, đoàn quân của HLV Otto Rehhagel đã lần lượt đánh bại hai ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch là Pháp và CH Séc với cùng tỉ số 1-0. Đối mặt với Bồ Đào Nha với dàn sao Ronaldo, Figo, Rui Costa,… ở trận chung kết, Hy Lạp tiếp tục duy trì lối chơi tử thủ và họ đã khiến đội chủ nhà phải khóc hận khi Charisteas đánh đầu tung lưới thủ thành Ricardo từ một tình huống phạt góc.
|
Cú volley của Van Basten: Euro 1988 chứng kiến sự thăng hoa của tuyển Hà Lan và đặc biệt là Marco Van Basten. Cú bắt volley từ góc hẹp của huyền thoại sinh năm 1964 đã in đậm trong tâm trí người hâm mộ qua nhiều thế hệ.
|
Chiến thắng kỳ diệu của Đan Mạch tại Euro 1992: 10 ngày trước khi Euro 1992 khởi tranh, Đan Mạch mới được lựa chọn để thay thế Nam Tư, quốc gia bị loại vì lý do chính trị. Tại vòng bảng, đoàn quân của HLV Nielsen khởi đầu không mấy ấn tượng với một trận hòa và một trận thua trước Anh và Thụy Điển. Bất ngờ đã xảy ra ở vòng đấu thứ ba khi Đan Mạch hạ gục Pháp 2-1 để tiến vào vòng trong. Tại bán kết, Đan Mạch với nòng cốt là Brian Laudrup đã đánh bại nhà ĐKVĐ Hà Lan sau loạt penalty cân não. Cơn địa chấn đã thực sự xảy ra ở trận chung kết khi đội tuyển quê hương của nàng tiên cá đã đè bẹp Tây Đức tới 2-0 để lần đầu tiên lên ngôi tại một kỳ Euro.
|