10 'Hỏa Diệm Sơn' của thế giới
40 độ C là nhiệt độ kỷ lục trong 50 năm qua ở nhiều địa phương Mỹ nhưng đó chỉ là "chú lùn" so với Queensland, Australia hoặc sa mạc Lut, Iran...
>> 30 người chết do nắng nóng hơn 38 độ C tại Mỹ
>> Miền Đông nước Mỹ 'cháy khô'
Nhiệt độ bỗng dưng tăng vọt và đạt mức đỉnh điểm khiến người Mỹ phải tìm đủ mọi cách tránh và chống nắng. Thời tiết khắc nghiệt, cộng thêm hàng loạt những vụ cháy rừng, bão nhiệt đới… khơi dậy một cuộc tranh luận nảy lửa về những biến đổi khí hậu trên trái đất.
Tuy nhiên, có thể người Mỹ sẽ bớt than vãn về cái nóng nếu như biết rằng, nhiều người châu Á và châu Phi vẫn sống sót dưới nền nhiệt lên tới 51,7 độ C.
Chưa thể xác lập một giới hạn chịu đựng nhiệt tối đa cho con người, nhưng trên thế giới có những nơi nắng nóng thật kinh hoàng. Dưới đây là 10 điểm nóng nhất thế giới được ghi nhận:
Sa mạc Lut, Iran (70,6 độ C)
Một "kim tự tháp cát" được phát hiện ở sa mạc Lut, Iran. |
Năm 2005, một hồ nước mặn cạn ở sa mạc Lut, phía Đông Iran được ghi nhận là nơi nóng nhất trong lịch sử, trên bề mặt trái đất. Nơi đây nóng tới mức sữa tươi không thể "hỏng" bởi vi khuẩn không thể tồn tại và phát triển ở nhiệt độ đó. Các nhà nghiên cứu bỏ lại một hộp sữa giữa sa mạc, một thời gian sau họ quay lại, kinh ngạc phát hiện hộp sữa không hề có dấu hiệu bị hỏng.
Sa mạc Lut được bao bọc 4 phía bởi các dãy núi và là nơi không tồn tại sự sống. Đây là nơi có những "kim tự tháp cát" lớn nhất thế giới. Sightseeing của Google coi Lut là nơi sa mạc hóa nhất trong các sa mạc trên thế giới.
Queensland, Australia (68,9 độ C)
Những vết nứt nẻ hình thành tại Queensland vào mùa khô. |
Queensland là một vùng đất khô cằn, nứt nẻ xa xôi phía Đông Bắc Australia. Nơi đây cằn cỗi không thua kém gì sa mạc Lut, thậm chí có những thời điểm nhiệt độ còn “vượt mặt” điểm nóng nhất thế giới. Năm 2003, nhiệt độ tại Queensland cao đỉnh điểm là 69,5 độ C. Nhiệt độ khắc nghiệt khiến nơi đây và những khu vực lân cận gần như không có sự sống.
Turpan, Trung Quốc (66,7 độ C)
Chôn chân tay trong cát bỏng là một cách chữa bệnh của người dân nơi đây. |
Là điểm thấp thứ hai trên bề mặt trái đất (chỉ sau Biển Chết), ốc đảo Turpan cũng là nơi nóng và khô nhất Trung Quốc. Turpan là một khu lòng chảo đầy muối sâu gần 155 mét nằm giữa sa mạc Taklimakan, thuộc địa phận vùng tự trị Tân Cương, địa đầu phía Tây Trung Quốc. Mùa hè ở đây dài lê thê, nhiệt độ trung bình luôn vào khoảng 39 độ C, khi nóng nhất, nhiệt độ lên tới 66,7 độ C. Điều kỳ lạ, nhiệt độ thấp nhất Trung Quốc lại cũng được ghi nhận tại đây. Dù khí hậy khắc nghiệt, hàng ngàn người dân Trung Quốc vẫn sinh sống và trồng trọt tại ốc đảo này.
El Azizia, Libya (57,8 độ C)
Một người lính chăn nuôi lạc đà tại sa mạc Libya. |
Ngày 13/8/1922, 57,8 độ C là nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở El Azizia, một thành phố Tây Bắc Libya. Nền nhiệt trung bình ở đây lên tới 48 độ C. Gió thổi tắt từ sa mạc Sahara tới có thể làm nhiệt độ khu vực thay đổi 20 độ chỉ trong vòng vài giờ. Dù vậy, đây vẫn là một “điểm nóng” cả về nhiệt độ lẫn thương mại. Với hơn 300.000 cư dân sinh sống, El Azizia là một đầu mối thương mại quan trọng giữa bờ biển Địa Trung Hải và khu vực Nam Libya.
Thung lũng Chết, Mỹ (56,7 độ C)
Cồn cát gần ngôi làng Stovepipe Wells ở phía Bắc thung lũng. |
Thung lũng Chết là một thung lũng dài và hẹp nằm giữa hai bang California và Nevada của Mỹ. Điều kiện tự nhiên ở đây rất khắc nghiệt, nhiệt độ mùa hè thường trên 49°C (vào ngày 10 /7/1913 nhiệt độ đạt đến mức kỷ lục 56,7°C). Lượng mưa trong thung lũng rất thấp, bình quân mỗi năm chỉ khoảng 42mm, cao nhất cũng chỉ là 114 mm và năm thấp nhất không có một giọt mưa. Đây được xem là điểm nóng và thấp nhất nước Mỹ, gần như không có người sống ngoại trừ khác du lịch và các nhân viên của Vườn quốc gia.
Ghadames, Libya (55 độ C)
Một nhóm phụ nữ chụp hình khinh khí cầu nóng bay qua sa mạc của Ghadames năm 2009. |
Được ví như “hòn đảo ngọc” giữa sa mạc Sahara, thị trấn ốc đảo Ghadames phía tây Libya được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhiệt độ trung bình là 41 độ C, đỉnh điểm cao 55 độ C. Ốc đảo có dân số khảng 7.000 người, chủ yếu là người Berber. Đây là một trong những thành phố lâu đời nhất vùng Sahara với những khu định cư truyền thống và những đường hầm dưới lòng đất.
Kebili, Tunisia (55 độ C)
Một cư dân đang chăn thả đàn gia súc ở ốc đảo Kebili nóng bỏng. |
Rất gần với thành phố cổ Ghadames là ốc đảo sa mạc Kebili, miền Trung Tunisia. Mặc dù mùa hè nóng quay quắt, mùa đông lại lạnh lẽo, nhưng Kebili là một trong những thành phố đầu tiên có người sinh sống ở Tunisia và hiện là nơi cư trú của khoảng 18.000 người.
Timbuktu, Mali (54,5 độ C)
Giáo đường Sankore đang được trùng tu. |
Thành phố cổ Timbuktu nằm ở miền nam sa mạc Sahara thuộc Mali là một di sản văn hóa thế giới khác được UNESCO công nhận. Đây từng là một khu thương mại lớn và là trung tâm truyền bá tư tưởng Hồi giáo với số dân lên tới 32.000 người. Tháng Năm là thường tháng nóng nhất trong năm tại đây với nhiệt độ trung bình là 42,8 độ C. Tuy liên tục được trùng tu nhưng ba giáo đường lớn tại đây là Giáo đường Djinguereber, Sankore và Sidi Yahya đang chịu nguy cơ bị sa mạc hóa.
Tirat Tsvi, Israel (54 độ C)
Tòa tháp ở thung lũng Beit Shean, cách Tirat Tsvi gần 10 km. |
Khu đất định cư của Tirat Tsvi nằm sâu 220 mét dưới mực nước biển, chỉ cách biên giới miền tây Jordan vài km. Năm 1942, nơi đây nắng nóng cực độ với nhiệt độ lên tới 54 độ C, cao nhất châu Á thời điểm đó. Dân số của Tirat Tsvi chỉ dưới 1.000 người nhưng lại là nơi sản xuất chà là lớn nhất cả nước với hơn 18.000 gốc bất chấp thời tiết nóng bỏng.
Wadi Halfa, Sudan (52,8 độ C)
Người đàn ông Sudan cưỡi lạc đà trước tòa kim tự tháp tại sa mạc Meroe, nằm giữa Wadi Halfa và Khartoum. |
Wadi Halfa là một thị trấn thung lũng bên rìa sa mạc Nubian với 15.000 cư dân sinh sống tại điểm cực Bắc của Sudan. Trong những tháng hè, nhiệt độ trung bình vào khoảng 42 độ C, không khí nóng bức, ngột ngạt cực độ. Tuy vậy, Wadi Halfa vẫn là một trung tâm thương mại đường thủy và đường sắt quan trọng giữa Sudan và Ai Cập.
Hồng Minh
Theo Infonet.vn