Theo trang DigiTimes, sau khi Nhà Trắng đưa Huawei vào "danh sách đen" hồi tháng 5, công ty này huy động hàng nghìn kỹ sư để phát triển các phần mềm và thiết bị thay để sản phẩm Mỹ.
Tuy nhiên, rõ ràng gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc không thể tự cung cấp, thay thế những dịch vụ của Google, kiến trúc CPU từ ARM hay các công cụ EDA (tự động hóa thiết kế điện tử).
Theo Bloomberg, doanh số cả năm 2019 của Huawei tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái lên 850 tỷ NDT (120 tỷ USD), thấp hơn mức 23% của nửa đầu năm và không đạt chỉ tiêu nội bộ.
Chủ tịch Huawei Eric Xu thừa nhận Huawei cần chuẩn bị đối phó với tình trạng tương tự trong năm 2020 nếu Nhà Trắng tiếp tục cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và thiết bị cho tập đoàn Trung Quốc.
Huawei gặp khó khăn sau lệnh cấm của Mỹ. Ảnh: Nikkei. |
DigiTimes cho rằng Huawei sẽ tiếp tục chịu những tác động bất lợi và khả năng cạnh tranh suy yếu hơn vào năm 2020 nếu lệnh cấm thương mại của Mỹ vẫn tiếp tục.
Các mẫu điện thoại được sản xuất sau ngày ban hành lệnh cấm đều không có các dịch vụ Google như Gmail, Google Search, YouTube… Đây cũng là lý do chính khiến người dùng ngoài Trung Quốc quay lưng với thương hiệu này.
Trong lá thư gửi toàn bộ nhân viên Huawei, Eric Xu khẳng định cần phải loại bỏ 10% giám đốc và quản lý yếu kém nhất của công ty trong năm 2020. Một số bộ phận sẽ bị sáp nhập hoặc thu hẹp quy mô. Các nhân viên có thể được điều chuyển qua những bộ phận khác.
"Sống sót là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Chúng ta sẽ không thể tăng trưởng nhanh như nửa đầu năm 2019", Chủ tịch Xu nhấn mạnh.